Sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển - vấn đề nhức nhối của Đồng bằng sông Cửu Long

Thanh Tùng (thực hiện)| 09/12/2021 09:55

(TN&MT) - Những năm qua, tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang diễn ra rất nghiêm trọng, có xu thế gia tăng cả về phạm vi và quy mô, uy hiếp đến tính mạng, tài sản của Nhà nước và người dân. Phóng viên Báo TN&MT đã phỏng vấn ông Tăng Quốc Chính, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát an toàn thiên tai, Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) để làm rõ thêm thực trạng và những giải pháp ứng phó với hiện tượng này.

Ông Tăng Quốc Chính, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát an toàn thiên tai, Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT)

PV: Thưa ông, trước diễn biến bất thường của thời tiết, nhất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển đã và đang diễn ra rất nghiêm trọng tại vùng ĐBSCL. Ông có thể phân tích kỹ hơn về thực trạng này?

Ông Tăng Quốc Chính:

Theo Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng năm 2016, đến cuối thế kỷ XXI, đối với kịch bản nồng độ khí nhà kính trung bình thấp (RCP 4.5), khu vực phía Nam nhiệt độ sẽ tăng từ 1,7 - 1,9oC; lượng mưa năm tăng phổ biến từ 5 - 15%, có nơi trên 20% và có xu thế tăng vào mùa mưa, giảm vào mùa khô; mực nước biển dâng trung bình là 53cm. Trường hợp nước biển dâng 100cm, khoảng 16,8% diện tích Đồng bằng sông Hồng, 17,84% diện tích TP.HCM và 38,9% diện tích ĐBSCL sẽ bị ngập.

Bên cạnh đó, bão mạnh, siêu bão xuất hiện ở Biển Đông và ảnh hưởng đến nước ta nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng cũng có xu thế gia tăng cả về tần suất xuất hiện và cường độ; hoạt động của các đới gió mùa Đông Bắc và Tây Nam cũng có diễn biến rất phức tạp. Đó là những yếu tố cơ bản làm gia tăng tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển.

Ngoài các yếu tố về thời tiết nêu trên thì các tác động không nhỏ của con người cũng làm cho diễn biến sạt lở ngày càng trầm trọng, trong đó phải kể đến việc xây dựng hồ chứa ở thượng nguồn đã giữ lại lượng bùn cát đáng kể về hạ lưu. Cùng với đó, hoạt động khai thác cát trên sông Mê Kông đang diễn ra mạnh mẽ tại tất cả các quốc gia, đặc biệt ở hạ lưu. Việc khai thác nước ngầm quá mức cũng diễn ra khá phổ biến ở vùng ĐBSCL, theo Bộ TN&MT, vùng ĐBSCL hiện có 7.733 giếng với công suất ≥10m3/ngày. Đây là những nguyên nhân gây sụt lún, tác động không nhỏ tới sạt lở bờ sông, bờ biển.

Thực tế cho thấy, những địa phương nào có sự quan tâm, chú trọng tới việc triển khai thực hiện Chiến lược, trong đó có công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển sẽ giảm thiểu được thiệt hại do thiên tai gây ra. Đặc biệt, cần chủ động phát hiện kịp thời hiện tượng sạt lở; triển khai thực hiện việc cắm biển cảnh báo sạt lở; bố trí lực lượng canh gác, điều phối các hoạt động giao thông thủy, bộ; tổ chức di dời dân cư khỏi khu vực sạt lở; xử lý sạt lở giai đoạn đầu; tổ chức xây dựng và chủ động bố trí kinh phí của địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để xây dựng các công trình phòng, chống sạt lở.

Tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại ĐBSCL đang diễn ra rất nghiêm trọng. Ảnh: MH

PV: Được biết, Chiến lược Quốc gia về phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đề cập đến các giải pháp phòng, chống sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển khu vực ĐBSCL. Tổng cục Phòng, chống thiên tai sẽ tham mưu cho Bộ NN&PTNT triển khai các giải pháp này trong thời gian tới như thế nào?

Ông Tăng Quốc Chính:

Chiến lược Quốc gia về phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 379/QĐ-TTg ngày 17/3/2021. Chiến lược đã đề cập các giải pháp quan trọng phòng chống sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng. Các giải pháp gồm: tăng cường quản lý nhà ở ven sông, ven biển làm gia tăng nguy cơ sạt lở, đồng thời từng bước di dời nhà ở, công trình xây dựng trái phép bảo đảm ổn định lâu dài; quản lý việc khai thác cát, khai thác nước ngầm; tổ chức xây dựng công trình chỉnh trị và công trình bảo vệ bờ sông, bờ biển; ứng dụng khoa học công nghệ, trong đó có việc nghiên cứu vật liệu mới để thay thế cát, hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng, chống sạt lở; tổ chức trồng, bảo vệ rừng phòng hộ ven biển; tăng cường hợp tác quản lý nguồn nước và xây dựng hồ chứa thượng nguồn đối với các quốc gia thượng nguồn sông Mê Công.

Thời gian tới, Tổng cục Phòng, chống thiên tai sẽ tham mưu cho Bộ NN&PTNT triển khai các giải pháp nêu trên, trong đó tập trung đôn đốc các Bộ, ngành, các địa phương xây dựng và thực hiện kế hoạch thực hiện Chiến lược, chú trọng nhiệm vụ phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển; tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật, đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 957/QĐ-TTg ngày 6/7/2020; hướng dẫn, đôn đốc các địa phương lồng ghép các nội dung phòng, chống thiên tai nói chung và phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển nói riêng vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội làm cơ sở thực hiện; triển khai việc quản lý, di dời dân cư khỏi khu vực sạt lở bờ sông, bờ biển; cập nhật, tổng hợp báo cáo Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ đầu tư, hỗ trợ các địa phương xây dựng công trình và xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Ngay sau khi Chiến lược Quốc gia về phòng, chống thiên tai đến năm 2030 được ban hành, đã có 2 Bộ và 35/63 tỉnh/thành phố xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện. Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai có Văn bản số 125/QGPCTT ngày 24/11/2021 gửi các cơ quan liên quan, đôn đốc việc xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược; đồng thời tổ chức xây dựng và trình ban hành Kế hoạch hành động của Bộ NN&PTNT làm cơ sở để tổ chức thực hiện Chiến lược.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển - vấn đề nhức nhối của Đồng bằng sông Cửu Long
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO