Theo Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (BQL) có 02 khu vực san hô mới mọc. Khu vực thứ nhất, tại vùng nước chân bờ kè trước nhà ông Huỳnh Trí, thôn Bãi Làng với khoảng 05 tập đoàn san hô cứng, trong đó, kích thước tập đoàn lớn nhất đo được có đường kính 40 cm, nhỏ nhất 10 cm; Khu vực thứ hai, tại vùng nước phía Bắc cầu cảng Bãi Hương, san hô mới mọc với mật độ dày đặc với đường kính lớn nhất lên đến 1 m.
San hô hồi sinh ở các bờ kè bê tông trên đảo Cù Lao Chàm |
Ông Huỳnh Ngọc Diên - cán bộ Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết, san hô đang tái sinh khá tốt tại các khu vực vốn dĩ là nơi chịu rất nhiều tác động các từ các công trình xây dựng trên đảo. Điều này cho thấy môi trường và chất lượng nước biển ở Cù Lao Chàm đang từng bước được cải thiện. Đây được xem là thành quả của cộng đồng và các bên liên quan trong công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên biển tại Cù Lao Chàm.
“San hô tái sinh là dầu hiệu tích cực, là động lực để người dân, du khách tiếp tục nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình đối với nguồn tài sản quí giá này của đảo. “- ông Diên nói.
Tuy nhiên, cán bộ BQL cũng lo lắng, các quần thể san hô mới mọc lại nằm sát khu vực dân cư, nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động của phương tiện tàu thuyền, du khách và sinh hoạt hằng ngày của người dân, chắc chắn sẽ tác động rất lớn đến sự tồn tại và phát triển của những tập đoàn san hô non nớt này.
Quần thể san hô mới mọc với mật độ dày đặc với đường kính lớn nhất lên đến 1 m. |
Do đó, để góp phần bảo vệ môi trường, cảnh quan, tài nguyên thiên nhiên nói chung và các rạn san hô nói riêng, BQL Cù Lao Chàm khuyến cáo mỗi người dân, du khách và doanh nghiệp không xả chất thải xuống biển, đặc biệt nơi có rạn san hô; không vứt rác xuống biển, phải bỏ rác đúng nơi quy định; không bẻ gãy, giẫm đạp lên rạn san hô; không thu thập các mẫu san hô, kể cả san hô chết; tập kết thúng chai, lưới đánh cá xa khu vực có các rạn san hô.