Rừng trồng chết khô, doanh nghiệp gặp khó

21/08/2014 00:00

(TN&MT) - Theo Cục Kiểm Lâm, toàn tỉnh Phú Yên đang ở trong tình trạng nguy cơ cháy rừng cấp IV (cấp nguy hiểm).

   
   
(TN&MT) - Ngoài nỗ lực ngăn chặn nạn chặt phá cây xay, trâm để hái quả, nắng nóng gây cháy rừng liên tiếp mấy tuần qua tại huyện Đồng Xuân (Phú Yên) đang là thực trạng gây nhức nhối cho chính quyền địa phương và các ngành chức năng. Trong khi đó, các doanh nghiệp và người dân trồng rừng cũng phải đau đầu “gồng mình” tìm mọi giải pháp hạn chế rừng chết khô.
   
Một vạt rừng ở huyện Đồng Xuân bị chết khô do nắng hạn kéo dài
   
Diện tích rừng chết tăng chóng mặt
   
  Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, tính đến cuối tháng 7, toàn tỉnh có khoảng 1.460ha rừng bị chết khô, gần 250ha bị cháy. Tuy nhiên, theo thống kê sơ bộ của Phòng NN-PTNT và Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Xuân, đến ngày 19/8 đã có tới 1.816ha rừng của địa phương này bị chết khô; trong đó Công ty TNHH Bình Nam khoảng 800ha (40ha bị cháy), Trường Thành Xanh 250ha, các tổ chức và người dân 766ha, chủ yếu thuộc các xã Xuân Quang 1, Xuân Quang 2, Xuân Quang 3, Xuân Long, Xuân Sơn Bắc, Xuân Sơn Nam và TT La Hai. Trong khi đó, đã xảy 4 vụ cháy rừng, thiệt hại hơn 45ha. Vụ gần đây nhất vào trưa 9/8 tại các khoảnh 3-4, tiểu khu 113 thuộc địa bàn xã Xuân Quang 1. Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với Công ty TNHH Bình Nam và chính quyền địa phương phải huy động hơn 50 người cùng phương tiện tham gia khống chế, đến 17 giờ 40 phút cùng ngày ngọn lửa mới được dập tắt. Do nắng nóng, gió Tây Nam thổi mạnh, địa hình phúc tạp, đã có ít nhất 7,3ha rừng keo trồng từ năm 2009 đến 2012 bị thiêu rụi hoàn toàn. Theo nhận định ban đầu, nguyên nhân vụ cháy có thể là do mẫu thuẫn cá nhân giữa các chủ rừng. Thượng tá Trà Trọng Phú, Trưởng Công an huyện Đồng Xuân cho biết, vụ cháy đang được đơn vị tích cực phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện điều tra làm rõ để xử lý đối tượng vi phạm.
   
  Theo các ngành chức năng, các vụ cháy xảy ra chủ yếu là do người dân đốt thực bì rừng hoặc nương rẫy và đốt lửa bắt ong lấy mật. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có vụ cháy rừng nào xác định được đối tượng gây cháy. “Không chỉ kiểm soát thực trạng cháy rừng liên tục xảy ra, từ đầu năm đến nay, chúng tôi còn thường xuyên phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân và UBND xã Phú Mỡ vận động, giáo dục nhân dân, kiểm tra, ngăn chặn nạn khai thác, thu hái hạt ươi, quả xay, trâm và đào bới đất rừng tìm trầm trái phép. Đồng thời phối hợp với lực lượng kiểm lâm các huyện giáp ranh tổ chức truy bắt các phương tiện vận chuyển lâm sản trái phép; riêng từ đầu tháng 8 đến nay cũng đã tổ chức 3 đợt truy quét. Hiện nạn đào bới đất rừng tìm trầm đã giảm mạnh, khai thác, thu hái hạt ươi chấm dứt; nạn vận chuyển cây hoành tử, than hầm giảm so với trước đây. Tuy nhiên, nạn khai thác, vận chuyển, mua bán các loại lâm sản trái phép nhỏ lẻ còn diễn ra, nguy cơ cháy rừng vẫn tiềm ẩn rất cao”, Ông Vũ Công Tâm, Hạt Trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Xuân, nói.
   
Đốt thực bì và nương rẫy, nguyên nhân chính dẫn đến cháy rừng
    
   
Doanh nghiệp thiệt hại hàng chục tỉ đồng
   
  Ông Hoàng Trung Sơn, Phó giám đốc Công ty TNHH Bình Nam (Bình Định), Giám đốc chi nhánh Phú Yên chia sẻ khó khăn, thiệt hại do thiên tai hạn hán khủng khiếp nhất trong vòng 20 năm qua: Doanh nghiệp trồng được gần 2.900ha rừng, trong vòng khoảng một tháng qua, đã có thêm ít nhất 400 bị khô, chết đứng (cách đây một tháng chỉ có 400ha), chủ yếu là keo từ 3 đến hơn 6 năm tuổi, ước thiệt hại hơn 30 tỉ đồng. “Chúng tôi phải huy động hàng trăm nhân công túc trực, ăn ngủ tại chỗ ở các khu vực rừng dễ xảy ra cháy để phát hiện, dập tắt kịp thời; đồng thời thường xuyên dùng xe ô tô vận chuyển nước, tưới các đường băng cản lửa để kiểm soát cháy lan do người dân đốt thực bị rừng và nương rẫy. Trung bình, chi phí cho công tác PCCCR khoảng 1 triệu đồng/ha”, ông Sơn, nói. Theo ông Sơn, trong vài ngày tới trời có mưa, cũng chỉ cứu được những cây keo rụng lá nhưng vỏ còn tươi, chứ vỏ bị khô bóc dộp trên thân cây thì “bó tay”. Theo nhận định của các ngành chức năng, nếu năm 2015, nắng nóng tái diễn như hiện nay thì rừng trồng ở huyện Đồng Xuân sẽ tiếp tục chết với diện tích còn lớn hơn năm 2014. Do nắng hạn hoành hành, nên việc trồng rừng theo kế hoạch của huyện Đồng Xuân với hơn 3.000ha trong năm nay là rất khó hoàn thành, vì phần lớn người dân và doanh nghiệp bị thiệt hại nặng, lo ngại thời tiết tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu, gây thiệt hại lớn.
   
  Ông Huỳnh Pô Pin, Phó giám đốc dự án trồng rừng Flitch tại huyện Đồng Xuân lo lắng, năm nay đơn vị đăng ký trồng khoảng 1.900ha rừng, song rất lo ngại không đạt chỉ tiêu đề ra do ảnh hưởng tâm lý của người dân vì nắng hạn kéo dài suốt mất tháng qua.
   
  Đồng hành với doanh nghiệp và người dân trồng rừng, mấy tháng qua, Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Xuân liên tục thông tin nhanh cấp dự báo cháy rừng đến chính quyền địa phương và các đơn vị chủ rừng. Phân công cán bộ trực phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) 24/24 giờ, kể cả ngày thứ 7 và chủ nhật; thường xuyên tuần tra tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy cao; đôn đốc các đơn vị chủ rừng tăng cường triển khai công tác PCCCR. Đối với cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn, Hạt Kiểm lâm huyện chỉ đạo phải tham mưu kịp thời cho chính quyền các địa phương tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng; củng cố hoạt động các tổ công tác liên ngành của huyện, xã để chủ động ngăn chặn hiệu quả nạn đốt than, thu hái, mua bán, vận chuyển các loại lâm sản trái phép và đào bới đất rừng tìm trầm.
   
        
Theo Cục Kiểm Lâm, toàn tỉnh Phú Yên đang ở trong tình trạng nguy cơ cháy rừng cấp IV (cấp nguy hiểm). Nếu để xảy cháy rừng thì hầu hết các loại rừng đều dễ bắt lửa với tốc độ lan rất nhanh. Riêng trong ngày 18/8, vệ tinh phát hiện Phú Yên có tới 10 điểm cháy, lớn nhất cả nước. Trong đó, huyện đồng Xuân 3 điểm (xuân lãnh, Phú Mỡ), Tuy An 3 điểm (An Xuân, An Thọ), TX Sông Cầu 2 điểm (Xuân Hải, Xuân Lộc), Sơn Hòa 1 điểm (Sơn Hội), Phú Hòa 1 điểm (xã Hòa Quang Bắc).
        
    
   
  Bài & ảnh: Phương Nam
   
   
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rừng trồng chết khô, doanh nghiệp gặp khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO