Tại kỳ họp lần thứ 9, HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VII vừa diễn ra, nhiều đại biểu chất vấn, một số công trình có tiến độ thi công chậm nguyên nhân chính phải chăng do vấn đề giải phóng mặt bằng (GPMB) còn gặp vướng mắc. Ngoài ra, cần sớm giải quyết chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ trên địa bàn hai huyện Hải Lăng và Triệu Phong, cũng như đề nghị ban hành quy chế phối hợp giữa các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng.
Được biết, quá trình thực hiện công tác GPMB trên địa bàn Quảng Trị hiện đang gặp một số rào cản là khối lượng GPMB quá lớn và đòi hỏi thực hiện trong thời gian ngắn; ở một số dự án có trường hợp người dân chưa đồng thuận với chính sách bồi thường, hỗ trợ hoặc đang kiến nghị. Việc giao đất tái định cư và giao đất có thu tiền sử dụng đất, điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn một số vướng mắc, bất cập. Công tác phối hợp giữa cơ quan chức năng, chủ đầu tư, chính quyền các phường có lúc, có nơi còn thiếu chặt chẽ…
Ông Nguyễn Cảnh Hưng- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, công tác GPMB còn chậm một phần là do sự phối hợp thiếu đồng bộ và tích cực của một số địa phương với các ban ngành và UBND tỉnh đã ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân một số dự án, công trình.
“Để điều chỉnh vấn đề này, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ngành phối hợp với chính quyền địa phương để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng ở các công trình trọng điểm”- ông Hưng nói.
Phát biểu giải trình đối với một số dự án trọng điểm gặp nhiều vướng mắc do giải phóng mặt bằng, đặc biệt là dự án trồng cây mắc ca ở huyện Hướng Hóa của Công ty TNHH My Anh - Khe Sanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng cho biết, đây là dự án FDI với tổng mức đầu tư 37 triệu USD với nhu cầu sử dụng đất khoảng 1.500 ha được triển khai từ năm 2014 để triển khai trồng cây mắc ca và một số loại cây ăn quả, cây dược liệu và nhà máy chế biến sản phẩm nông sản tại xã Tân Thành. Hiện nay, dự án đã được giao 587 ha đất để triển khai. Quá trình triển khai dự án có nhiều vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, trong đó có 54,8 ha là rừng tự nhiên không thể bàn giao cho nhà đầu tư; một số hộ dân chưa đồng thuận với công tác giải phóng mặt bằng dẫn đến diện tích giao đất lần đầu có giảm, tiến độ bàn giao mặt bằng chậm dẫn đến doanh nghiệp chưa hài lòng.
Ông Nguyễn Văn Hùng- Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh: “Đối với vấn đề bố trí vốn đầu tư công, giải phóng mặt bằng các công trình, trong năm 2019, quan điểm của tỉnh là chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm, giao chỉ tiêu sớm, công trình nào không đảm bảo tiến độ sẽ kiên quyết thu hồi vốn để điều chuyển cho các công trình khác. Đồng thời, các ngành, địa phương cần tích cực phối hợp để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; tăng cường công tác quản lý trong thực hiện bố trí vốn đầu tư công, tránh tình trạng các công trình thi công dở dang, làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân”.
Xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường
Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện có 107 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; trong đó 59 điểm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật, 9 bãi rác thải, 6 chợ, 3 lò giết mổ gia súc, 3 bệnh viện, 1 làng nghề và 26 cơ sở sản xuất kinh doanh. Đến cuối tháng 11/2018, tỉnh đã hoàn thành xử lý 55/107 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Giải trình về vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh, ông Hà Sỹ Đồng cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ban ngành xử lý vấn đề các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, đồng thời triển khai Đề án xử lý các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh.
Tổng kinh phí thực hiện đề án này khoảng trên 161 tỷ đồng; trong đó vốn Trung ương hỗ trợ hơn 144 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh cũng xây dựng chương trình giám sát môi trường; tăng cường kiểm tra, thanh tra nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm về môi trường; khuyến khích ứng dụng công nghệ vào khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường…
Thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương bằng nhiều giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn.
Cụ thể, tỉnh Quảng Trị ưu tiên xử lý 59 điểm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đến nay, tỉnh đã xử lý được 27/59 điểm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, điển hình là các điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật ở thôn Nam Đông, xã Gio Sơn, huyện Gio Linh; thôn Mộ Đức, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ; thôn Tân Lịch, xã Gio Binh, huyện Gio Linh…
Tỉnh cũng đã và đang huy động nguồn vốn để xử lý ô nhiễm môi trường ở 6 chợ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng gồm: Khe Sanh, Bồ Bản, Mỹ Chánh, Cam Lộ, Cầu và Đông Hà; trong đó chợ Đông Hà đã xử lý xong tình trạng ô nhiễm môi trường.