Quảng Ninh: Hiệu quả từ phát triển rừng gắn với giảm nghèo bền vững

Phạm Hoạch| 29/10/2019 08:24

(TN&MT) - Sau 4 năm triển khai Nghị định 75 của Chính phủ về công tác bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Đây cũng là mục tiêu mà Quảng Ninh đang hướng tới nhằm nâng cao giá trị từ rừng theo hướng phát triển “xanh” bền vững, với lộ trình phát triển toàn diện và đồng bộ các hoạt động từ việc trồng rừng, khai thác, chế biến lâm sản, dịch vụ môi trường rừng, phát triển kinh tế rừng gắn với phát triển du lịch sinh thái. Trong đó, huy động mọi nguồn lực xã hội để đầu tư, bảo vệ, phát triển và khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế từ rừng và đất rừng góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân.

Người dân xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ thu hoạch gỗ keo

         Những năm qua, Quảng Ninh luôn quan tâm, chú trọng việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về công tác bảo vệ rừng gắn với giảm nghèo bền vững ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi với mục tiêu tạo công ăn việc làm cho người dân làm nghề rừng theo hướng phát triển rừng bền vững.    

Trong 4 năm, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện giao khoán bảo vệ từng với tổng diện tích là trên 165 nghìn ha, với tổng kinh phí hỗ trợ là gần 50 tỷ đồng. Trong đó, thực hiện hỗ trợ khu vực đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh đạt trên 113 nghìn ha, với kinh phí trên 33 tỷ đồng, giúp cho 80 nhóm hộ gia đình, cá nhân ở các huyện miền núi, biên giới có việc làm và thu nhập, góp phần giúp cho hàng trăm hộ thoát nghèo.      

Cùng với việc giao khoán rừng cho các hộ dân, Quảng Ninh đẩy mạnh việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ. Cụ thể, thông qua ngân hàng Chính sách xã hội, đã triển khai thực hiện một dự án trên địa bàn huyện miền núi Ba Chẽ với 23 hộ dân tham gia trên diện tích trồng rừng là 53 ha với tổng nguồn vốn gần 2,3 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn huy động từ các hộ gia đình, cá nhân là trên 1,6 tỷ đồng, còn lại là từ nguồn vốn của tỉnh và huyện hỗ trợ. Dự án đã đem lại công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho các hộ gia đình trên địa bàn huyện Ba Chẽ, đặc biệt đã giúp cho18 hộ trong tổng số 23 hộ tham gia dự án thoát nghèo.     

Rừng trồng bảo vệ nguồn nước đầu nguồn hồ thủy lợi Yên Lập

Tiếp nối thành công từ dự án trồng rừng tại huyện Ba Chẽ, thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh Quảng Ninh, đã có 11 dự án triển khai tại 2 huyện miền núi Bình Liêu và Tiên Yên trên địa bàn 6 xã với 98 hộ gia đình tham gia trồng rừng gỗ lớn trên tổng diện tích gần 137ha, với tổng kinh phí hỗ trợ của tỉnh và huyện là gần 600 triệu đồng.         

Trong đó, tại huyện Bình Liêu, 2 dự án triển khai tại 2 xã Vô Ngại và Hoành Mô với 84 hộ gia đình được hưởng lợi từ việc tham gia trồng gần 78 ha rừng gỗ lớn, với kinh phí trên 188 triệu đồng. Hay tại huyện Tiên Yên, có 9 dự án triển khai tại 4 xã gồm Điền Xá, Đại Thành, Đông Ngũ và Hà Lâu với quy mô 59ha, số hộ gia đình hưởng lợi là 14 hộ với nguồn kinh phí hỗ trợ trên 410 triệu đồng.

Có thể nói việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người dân trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ đã góp phần giải quyết bài toán về việc làm và thu nhập cho hàng nghìn người dân ở các xã miền núi biên giới còn nhiều khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Thông qua đó, thu nhập của người dân khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn được nâng cao, từng bước định hình cho người dân sản xuất ổn định theo hướng phát triển các sản phẩm chủ lực có lợi thế của tỉnh và của các địa phương. Qua đó, góp phần tăng thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh, nếu năm 2016 là 3,35% thì đến năm 2018 giảm xuống còn 1,2%.

Những cánh rừng gỗ keo đem lại nguồn thu chính cho người dân ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ninh

Điều quan trọng hơn cả là qua việc tham gia dự án trồng rừng đã góp phần từng bước nâng cao nhận thức của người dân vùng dân tộc thiểu số trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ và khai thác rừng theo hướng bền vững. Nhờ vậy, rừng được bảo vệ và phát triển, độ che phủ rừng không ngừng tăng, chất lượng rừng cải thiện đáng kể.

Đây là tiền đề quan trọng để thực hiện một trong những mục tiêu lâu dài mà tỉnh Quảng Ninh đang hướng tới đó là hướng tới phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, gắn với thiên nhiên núi rừng theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ninh: Hiệu quả từ phát triển rừng gắn với giảm nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO