Trường mầm non An Hải (huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) được đầu tư và xây dựng với tổng mức đầu tư lên đến 3 tỷ đồng để xây dựng thêm 4 phòng học mới. Đến khoảng tháng 10/2018, toàn bộ số phòng này được hoàn thành. Kể từ đó tới bây giờ vẫn nằm “im lìm” một chổ, rác thải, lá cây ùn ứ khắp nơi.
Mặc dù, đã hoàn thành gần nữa năm nay, thế nhưng trường vẫn chưa thể đi vào hoạt động, việc dạy và học cho các cháu vẫn còn bỏ ngỏ, gây bức xúc cho người dân địa phương.
“Một ngôi trường mới to đẹp, khang trang như vậy, nhưng xây xong rồi bỏ mãi không thấy mở cửa đón các cháu, dần trở thành nơi tập kết rác của người dân địa phương thật là lãng phí. Nhìn ngôi trường mà ai cũng thấy tiếc”- ông Văn Vĩnh trú ở xã An Hải nói.
Nguyên nhân chính là thiếu hụt giáo viên đứng lớp cho các phòng học. Tuy vậy, vì thiếu biên chế lại vướng quy định, không thể thực hiện hợp đồng lao động nên ngôi trường này vẫn chưa thể đi vào sử dụng được.
Không chỉ riêng trường Mầm non An Hải, mà cả trường Mầm non An Vĩnh với dãy nhà 2 tầng bao gồm 6 phòng học, có tổng mức đầu tư lên đến hơn 8,1 tỷ đồng được hoàn thành vào cuối tháng 9/2018 cũng phải cùng chung số phận. Trước đó, hưởng ứng sự kêu gọi giúp đỡ cho huyện Lý Sơn, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TP. HCM đã hỗ trợ kinh phí khoảng 6,3 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của huyện để xây công trình trên. Tuy nhiên, đến nay 6 phòng học của công trình trên vẫn chưa thể đi vào hoạt động, lâm vào tình cảnh xây xong.... để đó suốt nhiều tháng liền.
Chị Nguyễn Thị Diễm, một người dân sống ở gần trường Mầm non An Vĩnh, bức xúc: “Cứ ngỡ rằng các số phòng mới vừa xây thêm sẽ san bớt gánh nặng cho tình trạng trẻ đông đúc ở điểm trường chính. Trong khi các cháu tại điểm trường cũ phải chịu cảnh phòng lớp chật chội do số lượng học sinh đông. Nhưng thật thất vọng kể từ ngày hoàn thành đến nay đã qua nhiều tháng trời, số phòng học mới này vẫn chưa sử dụng, đóng cửa trong sự tiếc nuối, xót xa gây bức xúc của người dân địa phương”.
Sau một thời gian dài bị bỏ hoang, ngoài tơ nhện giăng đầy, bụi bám trên vách tường, trần lớp học thì gần đây, sân trường còn thành điểm tập kết rác thải sinh hoạt của người dân địa phương.
Thiết nghĩ, cả hai điểm trường này được xây dựng với mục đích đáp ứng nhu cầu dạy và học của hàng chục giáo viên và hàng trăm học sinh bậc học mầm non ở huyện đảo Lý Sơn, một phần để “giảm tải” sĩ số tại các điểm trường học chính. Thế nhưng, kể từ ngày hoàn thành cho đến nay suốt nhiều tháng trời, cả 2 điểm trường mầm non trên vẫn trong tình trạng “cửa đóng then cài” khiến người dân rất bức xúc.
Ông Phan Văn Thảo - Trưởng phòng Giáo dục huyện Lý Sơn cho hay: “Toàn huyện Lý Sơn có 3 điểm trường mầm non bao gồm; trường An Hải có 2 điểm, trường Mầm non Lý Sơn (nằm ngay trung tâm huyện), trường An Vĩnh có 4 điểm, với tổng số 60 giáo viên, đang tiếp nhận hơn 1.200 trẻ, đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu gửi trẻ học bán trú của người dân trên địa bàn. Hiện tỷ lệ giáo viên đứng lớp là 2 cô/lớp với số lượng 35-40 cháu/lớp, so với tiêu chuẩn quy định thì nhiều hơn 5 cháu/lớp và tỷ lệ giáo viên thiếu 0,2 giáo viên/lớp.
“Để bù vào số đang thiếu hụt và có giáo viên đứng lớp tại các phòng, lớp mới xây, trường An Hải và Lý Sơn cần thêm 10 giáo viên/trường, trường An Vĩnh là 6 giáo viên. Với thực tế như vậy, nếu tỉnh không cho tuyển thêm, hoặc có giải pháp khác, chứ không thể có đủ thầy cô để đưa số phòng, lớp mới xây thêm vào sử dụng”- ông Thảo giải bày.
Ông Lê Văn Ninh - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn thừa nhận, nhu cầu phòng học ở Lý Sơn là rất lớn, bởi số lượng của bậc học này là rất đông. Tuy nhiên, đối với các phòng học thuộc điểm trường Mầm non An Hải và An Vĩnh đã hoàn thành từ nhiều tháng qua nhưng chưa thể đưa vào sử dụng, là do hiện bậc học này của huyện Lý Sơn đang thiếu giáo viên trầm trọng. Bên cạnh đó, các trang thiết bị tại tất cả các phòng mới cũng chưa có đầy đủ nên tạm đóng cửa”.
“Trước khi xin xây thêm phòng học mới, chính quyền đã đề nghị lên tỉnh nhiều lần cho tuyển thêm giáo viên, nhưng tỉnh cho chỉ tiêu tuyển rất ít. Mới đây đợt tuyển giáo viên năm 2017-2018 vừa qua, huyện đề nghị xin tuyển 32 chỉ tiêu bậc mầm non, nhưng tỉnh chỉ cho tuyển 11 chỉ tiêu, nên toàn huyện hiện tại đang gặp khó khăn về tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp”- ông Ninh nói.
“Cùng với việc đề nghị và xin tỉnh cho phép tăng chỉ tiêu giáo viên. Chính quyền huyện cũng đang đưa ra giải pháp là xã hội hóa đối với hai điểm trường này. Cụ thể là tự hợp đồng thêm giáo viên và phụ huynh sẽ đóng góp tiền để cùng ngân sách huyện chi trả lương cho số hợp đồng giáo viên đứng lớp”- ông Ninh chia sẻ.