Quảng Ngãi: Nhiều sai phạm trong khai khoáng

02/04/2015 00:00

(TN&MT) - Việc chấp hành pháp luật về đất đai cũng như các quy định khác trong hoạt động khai thác khoáng sản ở Quảng Ngãi đang xảy ra nhiều sai phạm.

(TN&MT) - Việc chấp hành pháp luật về đất đai cũng như các quy định khác trong hoạt động khai thác khoáng sản ở Quảng Ngãi đang xảy ra nhiều sai phạm, không chỉ làm cho nguồn tài nguyên bị suy giảm, cạn kiệt, ảnh hưởng môi trường, đời sống người dân mà còn gây thất thoát ngân sách hàng tỷ đồng…
 
Theo thống kê, từ năm 2011 – 2013, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 234 giấy phép (GP) khai thác khoáng sản còn thời hạn hoạt động. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cấp 2 GP, UBND tỉnh cấp 52 GP; còn lại 180 GP do UBND 13 huyện thuộc tỉnh cấp. Riêng UBND huyện Tư Nghĩa, Ba Tơ, Sơn Hà, Trà Bồng và Sơn Tây dù chưa lập và phê duyệt quy hoạch khoáng sản nhưng vẫn cấp phép khai thác khoáng sản tràn lan.
 
Qua kiểm tra 24 GP thuộc thẩm quyền của tỉnh cấp, Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh cấp GP cho Công ty TNHH Cơ giới và Xây lắp Việt Đức khai thác cát tại phường Trần Phú và Lê Hồng Phong (TP Quảng Ngãi), nhưng không thể hiện trữ lượng mỏ, phương pháp khai thác không đúng quy định.
 
UBND huyện Tư Nghĩa cấp 11 GP cải tạo đồng ruộng kết hợp tận thu đất sét để sản xuất gạch, nhưng không tuân thủ trình tự thủ tục. Đặc biệt, toàn bộ 11 GP do UBND huyện Tư Nghĩa cấp không đúng đối tượng và không có trong quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt. 
 
UBND các huyện Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Lý Sơn, Ba Tơ cấp 13 GP vượt thẩm quyền; trong đó huyện Nghĩa Hành cấp 6 GP vượt thẩm quyền cho Cty CP Giao Thủy, Doanh nghiệp Tư nhân Việt Quảng, Cty Sơn Anh, Phước Thiện, Châu Phi và Cty Chánh Thắng để khai thác cát, sỏi lòng sông làm vật liệu xây dựng thông thường.
 
 
Việc khai thác đất đồi ở Quảng Ngãi chưa tuân thủ đúng quy trình thủ tục, đồng thời còn xem nhẹ độ an toàn trong lao động
Việc khai thác đất đồi ở Quảng Ngãi chưa tuân thủ đúng quy trình thủ tục, đồng thời còn xem nhẹ độ an toàn trong lao động
 
 
Việc tùy tiện cấp phép khai thác khoáng sản lớn hơn diện tích và thời gian quy định, đã diễn ra tại nhiều địa phương như: UBND huyện Lý Sơn cấp 2 GP khai thác đất đồi cho Cty Xây lắp Thái Long có thời hạn 4 năm (vượt 2 năm) và Cty Phú Thành được phép khai thác 5 năm (vượt 3 năm). UBND huyện Ba Tơ cấp 2 GP khai thác cát lớn hơn 1ha, gồm Cty Xây dựng giao thông Quảng Ngãi: 1,23ha và Cty Khánh Long Giang có diện tích 2,75ha. UBND huyện Sơn Tịnh cấp phép khai thác cát cho Xí nghiệp Xây dựng Đức Phát vượt 1,1ha. Đáng kể hơn là, UBND huyện Tư Nghĩa cấp phép cho Cty Xây dựng và Thương mại Tín Nghĩa với diện tích khai thác đất san nền lên hơn 12,1ha, vượt hơn 10ha đất.
 
Các hành vi vi phạm Luật Khoáng sản ở tỉnh Quảng Ngãi còn xảy ra tràn lan như: UBND huyện Mộ Đức cấp GP gia hạn khai thác đất đồi cho Cty Xây dựng và Thương mại Tín Nghĩa vào tháng 11/2012, trong khi đơn vị này chưa nộp lệ phí cấp phép, chưa được cho thuê đất và thực hiện ký quỹ phục hồi môi trường… Huyện Ba Tơ cấp 3 GP cho Cty Thịnh Hưng, Miền Tây và Cty Khánh Long Giang khai thác cát, sỏi; nhưng hồ sơ không có tài liệu nêu mục đích khai thác phục vụ công trình nào của địa phương. UBND huyện Tây Trà cấp 13 GP khai thác cát, đá chẻ, trong hồ sơ cấp phép không có dự án đầu tư khai thác khoáng sản, thiết kế cơ sở kèm văn bản thẩm định, phê duyệt; không có dự án cải tạo, phục hồi môi trường… Tương tự với sai phạm trên, tại huyện Minh Long có 6 GP, huyện Trà Bồng 2 GP; huyện Tư Nghĩa, Mộ Đức, huyện Sơn Hà là 8 GP.
 
Ngoài ra, UBND huyện Nghĩa Hành cấp 12 GP khai thác cát nhưng hồ sơ không có phương án phòng, chống bão lụt được cơ quan phòng, chống bão lụt cấp huyện chấp thuận. UBND các huyện không thực hiện báo cáo định kỳ hằng năm việc thực hiện ký quỹ và cải tạo, phục hồi môi trường của các tổ chức, cá nhân được cấp phép gửi về UBND tỉnh. Riêng năm 2013, các địa phương không hề báo cáo định kỳ cho tỉnh về tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn, nhưng Sở TN&MT không chịu nhắc nhở hoặc đôn đốc cơ sở thực hiện đúng quy định.
 
Để xảy ra hàng loạt sai phạm trong quản lý và cấp phép khai thác khoáng sản nêu trên, xuất phát từ công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực này còn bị xem nhẹ, buông lỏng; nhiều nơi chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ và chưa làm hết trách nhiệm, quyền hạn trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động khoáng sản đã được cấp phép. Một vài lãnh đạo địa phương cố tình ký cấp phép bừa bãi, mặc dù biết là trái thẩm quyền. 
 
 
Tại huyện Tư Nghĩa có Cty Khai thác, xây dựng và Thương mại Công Thành, huyện Đức Phổ có Cty Minh Hoàng, Cty Hà Mỹ Á, Cty Minh Huy chưa nộp tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường… Riêng huyện Sơn Tịnh có 10 GP chưa nộp tiền ký quỹ hơn 837,7 triệu đồng, trong đó Cty Tuấn Đạt nợ hơn 306 triệu đồng. Ngoài ra, còn có 17 GP chưa xác định được số tiền ký quỹ vì đơn vị được cấp phép không lập dự án cải tạo, phục hồi môi trường. Huyện Bình Sơn có 5 GP chưa nộp 165 triệu đồng; huyện Mộ Đức có 4 GP chưa ký quỹ với số tiền 138 triệu đồng…
 
Có 8 đơn vị vi phạm trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, thuế GTGT, thu nhập doanh nghiệp với tổng giá trị hơn 805 triệu đồng, mà phổ biến là nộp thiếu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường chiếm hơn 661 triệu đồng…
 
 
Văn Hà
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ngãi: Nhiều sai phạm trong khai khoáng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO