Điểm sáng ở An Tráng
Đã trở thành nếp sống, suốt 4 năm qua, cứ sau mỗi buổi đi chợ hay cuối ngày, bà Nguyễn Thị Hải (57 tuổi) ở thôn An Tráng, xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa lại dành một ít thời gian để phân từng loại rác thải sinh hoạt trong gia đình. Với những thức ăn thừa, phế phẩm rau xanh... bà cho vào một túi, còn vỏ chai thủy tinh, lon bia, nước ngọt… bà cho vào một túi riêng. Bà Hải cho biết, các hộ dân ở đây đều có hai giỏ đựng rác, một giỏ đựng rác hữu cơ, một giỏ đựng rác vô cơ và để ở một góc hợp vệ sinh nơi sân vườn. Cuối tuần, người thu gom rác thải tập hợp đưa đến bãi tập kết rác để xử lý.
Khu vườn nhà của bà Tôn Thị Hoa (51 tuổi) thôn An Tráng, xã Nghĩa Thắng xanh mướt màu xanh của rau, củ quả, cây cối làm mọi người cảm thấy dễ chịu với cuộc sống ở vùng nông thôn. Để có được khu vườn như thế, bà Hoa đã tận dụng các loại phế phẩm từ rau xanh để ủ làm phân hữu cơ bón cho vườn rau, củ quả.
Bà Hoa chia sẻ, gia đình bà thực hiện phân loại, xử lý rác thải tại nguồn hơn 3 năm nay, sau khi được Hội LHPN tỉnh tuyên truyền, vận động. Nếu không phân loại, xử lý rác ban đầu thì rác thải sinh hoạt sẽ vứt khắp nơi, gây mất vệ sinh và ô nhiễm môi trường sống.
“Khi thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt, tôi đã tận dụng các loại rác hữu cơ để ủ làm phân bón cho cây trồng. Còn rác vô cơ bà cho vào bao tải hoặc thùng nhựa để công nhân môi trường đến thu gom. Riêng lon bia, nước ngọt, túi nhựa, giấy các loại... thì bà tập hợp bán cho các đại lý thu mua phế liệu. Vì thế, khuôn viên nhà cửa luôn gọn gàng, sạch sẽ”, bà Hoa chia sẻ.
Theo LHPN xã Nghĩa Thắng, hiện nay, có 100% hộ trong thôn An Tráng tham gia phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn theo quy định. Ngoài việc hỗ trợ 10 thùng rác lớn đặt ở một số khu dân cư trên địa bàn xã, hướng dẫn cách phân loại rác, qua 4 năm triển khai mô hình, Hội đã hỗ trợ, cấp phát hơn 300 giỏ rác để hội viên, phụ nữ phân loại và đựng rác. Đến nay, mô hình đã lan tỏa ra 5/7 thôn trên địa bàn xã Nghĩa Thắng, với trên 1.000 hộ tham gia.
Phong trào lan tỏa đi vào nề nếp
Từ mô hình phân loại rác thải tại hộ gia đình, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình phân loại rác thải giàu tính nhân văn, có sức lan tỏa mạnh trong cộng đồng, như xây dựng nhiều “Ngôi nhà xanh tiết kiệm” chứa các loại rác thải nhựa, kim loại; bao bì giấy, để bán lấy tiền giúp đỡ hội viên, phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Mới đây, Hội LHPN xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành ra mắt mô hình đổi phế liệu tái chế lấy hàng nhu yếu phẩm như: muối, đường, nước mắm, dầu gội, xà phòng… thu hút đông đảo người dân tham gia.
Chủ tịch Hội LHPN xã Hành Dũng Đinh Thị Kim cho biết, quá trình thực hiện phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ tích cực tuyên truyền, vận động nên người dân đã hưởng ứng và tích cực tham gia, nhất là từ khi triển khai xây dựng nông thôn mới đến nay.
Giờ đây, về xã Hành Dũng không còn tình trạng rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi dọc các tuyến đường, dưới sông hay ngoài đồng ruộng như trước nữa. Tất cả rác thải sinh hoạt đều được người dân phân loại ngay tại nhà, rác vô cơ được thu gom tới nơi quy định để xử lý. “Mô hình này sẽ được phát huy và nhân rộng hơn nữa trong thời gian tới để đưa xã Hành Dũng trở thành vùng quê văn minh, xanh, sạch, đẹp từ nhà ra đến ngõ”, bà Kim nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Ngãi Huỳnh Thị Sương cho biết, có thể nói chị em là lực lượng tiên phong, nòng cốt trong thực hiện phân loại rác thải tái chế. Bằng nhiều cách làm hay, những mô hình hiệu quả, sáng tạo mà các cấp hội triển khai thực hiện trong thời gian qua như: mô hình ngôi nhà xanh, giỏ nhựa đi chợ, đổi rác thải nhựa lấy quà tặng hay cây xanh,...
Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục triển khai mô hình này ở 4 đơn vị cấp huyện chưa có mô hình điểm của tỉnh là huyện Lý Sơn, Minh Long, Ba Tơ và Sơn Hà, góp phần giảm lượng rác thải sinh hoạt ra môi trường, thực hiện hiệu quả tiêu chí về môi trường trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại Quảng Ngãi.