Ám ảnh rác thải
Liên tục những năm gần đây, tỉnh Quảng Ngãi gặp phải những vấn đề “nóng” trong thu gom, vận chuyển và xử lý rác trên địa bàn, do phản ứng từ người dân xung quanh các dự án xử lý rác thải. Đơn cử tháng 7/2018, người dân chặn không cho xe vận chuyển vào bãi rác Nghĩa Kỳ khiến hơn 1.500 tấn rác ùn ứ và hiện diện khắp các tuyến phố, tràn ra Quốc lộ 1 và bủa vây các vùng nông thôn.
Một thành phố đang hướng đến xây dựng theo tiêu chí “xanh” mà ngập ngụa trong rác thì không thể chấp nhận được. Tỉnh Quảng Ngãi đã kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cho mở lại bãi rác Đồng Nà ở xã Tịnh Thiện, TP. Quảng Ngãi (bãi rác này trước đó gây ô nhiễm môi trường, bị Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định đóng cửa) để chôn lấp rác đến ngày 30/9/2020.
Những năm gần đây, tỉnh Quảng Ngãi gặp phải những vấn đề “nóng” trong thu gom, vận chuyển và xử lý rác |
Mặt khác, tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư Nhà máy Xử lý rác Nghĩa Kỳ là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển xây dựng miền Bắc đưa Nhà máy Xử lý rác thải sinh hoạt Nghĩa Kỳ có công suất xử lý 250 tấn rác/ngày hoạt động chính thức trước ngày 30/9/2019 (lần thứ 1). Thế nhưng, dự án này liên tục “trễ hẹn” đã khiến bài toán xử lý rác thải tồn đọng trên địa bàn tỉnh này thêm nan giải, nhất là khi thời hạn chôn lấp tại bãi rác Đồng Nà sắp kết thúc.
Theo ông Đỗ Minh Hải, Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi, sau nhiều lần trễ hẹn Dự án Nhà máy Xử lý rác Nghĩa Kỳ đang đưa vào vận hành thử nghiệm 01 dây chuyền phân loại rác đạt công suất 6-8 tấn/ giờ, 01 lò đốt công suất 2,5 tấn/giờ để xử lý khối lượng rác tồn đọng đang lưu giữ tại hố chôn lấp chất trơ trong khu vực dự án. Tuy nhiên, trong thời gian qua, người dân xung quanh khu vực bãi rác Nghĩa Kỳ ngăn cản không cho đưa rác vào nhà máy xử lý. Do vậy, đến nay nhà máy vẫn chưa thể tiếp nhận được rác tươi để tiến hành xử lý.
“Rác thải là câu chuyện lớn của tỉnh, mấy năm nay đều tập trung vào xử lý. Hiện nay các tổ chức tín dụng không cho nhà máy này tiếp cận nguồn vốn tín dụng vì tính rủi ro lớn vì không biết có vận hành không. Điều kiện, anh phải vận hành dây chuyền thứ nhất thì mới giải ngân dây chuyền thứ 2. Nhà đầu tư cũng cam kết khi cho tiếp nhận rác “tươi” vào Nhà máy thì sẽ nhanh chóng hoàn thành các hạng mục còn lại trong khoản 4 tháng. Khi đó, đảm bảo hoạt động 100% công suất, giảm tải áp lực xử lý rác của tỉnh Quảng Ngãi. ”- ông Đỗ Minh Hải cho hay.
Khẩn trương đưa rác vào nhà máy xử lý trước 15/9
Trước tình hình này, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có cuộc đối thoại với người dân ở khu vực bãi rác Nghĩa Kỳ, xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa để vận động người dân chấp thuận cho xe chở rác vào nhà máy từ 20/8. Tại cuộc đối thoại, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính cam kết những yêu cầu, kiến nghị của người dân bị ảnh hưởng bởi khu xử lý chất thải sẽ được giải quyết theo quy định nhằm đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân; mong các hộ dân đồng thuận, sớm đưa khu xử lý chất thải hoạt động trở lại
Nhà máy xử lý rác Nghĩa Kỳ vẫn chưa thể hoạt động sau buổi đối thoại ngày 19/8 |
Ông Nguyễn Tăng Bính - Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, hiện vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi và các huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành là rất cấp bách, cần phải đưa rác thải sinh hoạt vào xử lý tại Khu xử lý chất thải rắn Nghĩa Kỳ trước ngày 15/9/2020, vì vậy, cả hệ thống chính trị cấp tỉnh, huyện, xã phải tập trung tháo gỡ, giải quyết các vấn đề liên quan đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh thống nhất chỉ đạo.
Quan điểm chung để giải quyết vấn đề vận chuyển, tiếp nhận, xử lý rác thải sinh hoạt tại Khu xử lý chất thải rắn Nghĩa Kỳ là tập trung vào công tác dân vận là cốt lõi, lấy dân làm gốc và tập trung giải quyết chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, hỗ trợ an sinh xã hội đối với các hộ dân bị ảnh hưởng.
Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh giao UBND huyện Tư Nghĩa và UBND huyện Nghĩa Hành làm chủ đầu tư và tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các hộ dân bị ảnh hưởng trong phạm vi bán kính nhỏ hơn 1.000 m tính từ Bãi rác Nghĩa Kỳ (trừ 04 hộ dân tại xã Nghĩa Kỳ nằm trong phạm vi bán kính nhỏ hơn 500m tính từ Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt).
“Các địa phương trên khẩn trương thành lập Tổ công tác do lãnh đạo UBND huyện làm Tổ trưởng và khẩn trương triển khai thực hiện công tác đo đạc, kiểm kê, lập Phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các hộ dân bị ảnh hưởng.
Đề nghị Bí thư Huyện ủy các huyện trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị của địa phương vào cuộc trong công tác đo đạc, kiểm kê, lập Phương án và thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư; công tác tuyên truyền, vận động, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, giải quyết các nội dung kiến nghị, khiếu nại,... của các hộ dân. Quyết tâm hoàn thành việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong năm 2022 (rút ngắn 01 năm so với kế hoạch trước).”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương xây dựng chính sách hỗ trợ an sinh xã hội cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong phạm vi bán kính nhỏ hơn 1.000 m tính từ Bãi rác Nghĩa Kỳ trong thời gian chưa di chuyển chỗ ở.
Đồng thời, Sở Tài chính tham mưu ưu tiên bố trí kinh phí cho chủ đầu tư để thực hiện hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với 04 hộ dân bị ảnh hưởng trong phạm vi bán kính 500 m tính từ Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Nghĩa Kỳ trong năm 2020 như đã cam kết với các hộ dân,...
Tỉnh Quảng Ngãi cũng đã thành lập Tổ chỉ đạo công tác vận chuyển, tiếp nhận và xử lý rác thải sinh hoạt tại Khu xử lý chất thải rắn Nghĩa Kỳ do đồng chí Nguyễn Tăng Bính - Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh làm Tổ trưởng. Tổ công tác này chịu trách nhiệm chỉ đạo, tham mưu trong công tác vận chuyển, tiếp nhận và xử lý rác thải sinh hoạt tại Khu xử lý chất thải rắn Nghĩa Kỳ; hàng ngày, các Thành viên Tổ công tác báo cáo kết quả thực hiện cho Tổ trưởng xem xét, chỉ đạo xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh.