Quảng Nam: Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững

10/07/2018 10:31

(TN&MT) - Là địa phương có diện tích phần lớn là rừng, tỉnh Quảng Nam luôn đề cao giá trị của rừng, đồng thời cũng coi rừng là một lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam  luôn ưu tiên các biện pháp cũng như kế hoạch để bảo vệ, phát triển rừng và bước đầu đã mang lại hiệu quả.

Tỉnh Quảng Nam triển khai cho thuê rừng để trồng cây dược liệu và quy hoạch, bảo tồn và phát triển cây dược liệu
Tỉnh Quảng Nam triển khai cho thuê rừng để trồng cây dược liệu và quy hoạch, bảo tồn và phát triển cây dược liệu

Thực hiện tốt kế hoạch phát triển lâm nghiệp

Theo kết quả hiện trạng rừng năm 2017, Quảng Nam có diện tích có rừng là 671. 997 ha, trong đó rừng tự nhiên là 455. 506 ha, rừng trồng là 216. 419 ha. Theo đề án bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2017 -2020 đã đề ra mục tiêu phải thực hiện giao khoán và bảo vệ rừng 95.910ha và hỗ trợ rừng sản xuất 750ha. Trong  năm 2017, tỉnh Quảng Nam đã thực hiện giao khoán và bảo vệ 64.410 ha rừng (ứng với nguồn kinh phí thực hiện trong 4 tháng là 8,588 tỉ đồng) cho 296 cộng đồng và 258 hộ.

Trong năm 2017, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã thành lập Ban chỉ đạo và Văn phòng Ban Chỉ đạo về Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020, đồng thời Sở NN&PTNT cũng đã có văn bản hướng dẫn các địa phương, đơn vị rà soát lại Dự án Bảo vệ và phát triển rừng cấp huyện.

Năm 2018, tỉnh Quảng Nam xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện bảo vệ phát triển rừng đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và bền vững. Kinh phí triển khai thực hiện tổng vốn sự nghiệp là gần 50 triệu đồng, nguồn vốn đầu tư đang xem xét bố trí kinh phí ngân sách tỉnh thực hiện nhiệm vụ trồng rừng, chăm sóc rừng và chuyển hóa rừng giống năm 2018 với số tiền là 3.360,8  triệu đồng.

Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam triển khai cho thuê rừng để trồng cây dược liệu và quy hoạch, bảo tồn và phát triển  cây dược liệu, cây quế Trà My trên địa bàn. Đồng thời xây dựng kế hoạch trồng rừng gỗ lớn với tổng diện tích 13.950 ha trong giai đoạn 2018 - 2020. Trong 5 tháng đầu năm 2018, tỉnh Quảng Nam đã trồng được 2.763 ha, đạt tỷ lệ 31% trồng rừng sản xuất. Về công tác trồng rừng thay thế tổng lũy kế diện tích đến nay được gần 2.000 ha đạt 93,68% kế hoạch. Khai thác gỗ tận dụng gỗ trên diện tích rừng tự nhiên chuyển đổi mục đích sử dụng để xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật thiết yếu khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang  là 45,883m3. Khai thác gỗ rừng trồng tập trung 2.357ha với tổng khối lượng gỗ trên 150m3.

Công tác quản lý bảo vệ rừng trong diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng năm 2017 của các đơn vị đã được quan tâm đáng kể, có sự phối hợp, thông tin về tình hình xâm hại đến rừng giữa các hộ nhóm hộ nhận khoán và chủ rừng góp phần  ngăn chặn, làm giảm các hành vi xâm hại tài nguyên rừng.

Do tình hình địa phương còn nhiều hạn chế nên vẫn xảy ra nhiều vụ phá rừng
Do tình hình địa phương còn nhiều hạn chế nên vẫn xảy ra nhiều vụ phá rừng

Vẫn còn nhiều khó khăn trong công tác bảo vệ rừng

Trong 5 tháng đầu năm 2018, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức trên 256 lượt tuần tra, truy quét về khai thác khoáng sản trái phép có xâm hại đến tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp. Trong hoạt động phòng chống vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, lực lượng Kiểm lâm và các cơ quan chức năng khác đã phát hiện, lập biên bản 425 vụ vi phạm, thiệt hại 4,4 ha rừng, khởi tố 12 vụ án hình sự.

Vào cuối năm 2017, tại xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước đã xảy ra phá rừng trên diện tích lớn: khu vực Dội lớn diện tích rừng tự nhiên bị phá là 21,37 ha; khu vực cửa Cá thiệt hại 15,248 ha rừng tự nhiên. Tháng 3/2018, tại xã Tà Pơơ, huyện Nam Giang, công an huyện Nam Giang đã bắt quả tang 07 đối tượng khai thác gỗ trái phép với 24,141m3 đã bị chặt hạ. Tại xã Chà Val, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Nam Sông Bung đã  phát hiện vụ khai thác gỗ trái phép. 33 cây Lim xanh và 1 cây Xoan đào đã bị chặt hạ với khối lượng gỗ thiệt hại khoảng trên 235m3. Cũng vào tháng 3/2018, công an huyện Đông Giang đã bắt quả tang 2 đối tượng khai thác gỗ trái phép tại xã Tà Lu (huyện Đông Giang) với 33 gốc đã bị chặt hạ.

Mặc dù công tác bảo vệ và phát triển rừng đã được tỉnh Quảng Nam quan tâm chỉ đạo sát sao, các lực lượng cũng đã được tăng cường, tuy nhiên do một số hạn chế của địa phương nên rừng vẫn chưa được bảo vệ tối đa. Đời sống người dân miền núi còn nhiều khó khăn, chủ yếu sản xuất nương rẫy, nhận thức về công tác bảo vệ rừng và PCCC rừng còn hạn chế. Giá gỗ nguyên liệu (cây keo) cao dẫn đến người dân lấn chiếm đất lâm nghiệp ngày càng gia tăng. Nhu cầu gỗ làm nhà của người dân miền núi là rất lớn, đó cũng là áp lực dẫn đến một số vụ khai thác rừng trái phép

Bên cạnh đó, nhân lực và nguồn kinh phí phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Theo quy định thì với 127.726 ha rừng đặc dụng, 277.444 ha rừng phòng hộ và 227. 844 ha rừng sản xuất thì số biên chế cần là 880 người. Tuy nhiên so với tổng biên chế hiện có của tỉnh Quảng Nam là 405 người thiếu tới 475 biên chế.

Các Ban quản lý rừng phòng hộ thiếu trang thiết bị, phương tiện điều kiện để quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao. Các Ban quản lý quản lý theo lưu vực nên có một số Ban quản lý có diện tích lâm phận thuộc liên huyện nên, do đó trên địa bàn một số huyện bị chồng lấn bởi nhiều đơn vị quản lý rừng dẫn đến công tác phối hợp bảo vệ rừng tại các vùng giáp ranh chưa chặt chẽ, thiếu thường xuyên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO