Quảng Nam: Nhức nhối nạn "chảy máu" tài nguyên

06/04/2015 00:00

(TN&MT) - Thời gian gần đây, tình trạng khai thác trái phép các loại khoáng sản như vàng, đất, cát, đá… diễn ra rầm rộ trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam. Hoạt động khai thác một cách ồ ạt khiến dòng chảy của sông bị thay đổi, ảnh hưởng xấu đến môi trường và làm “đau đầu” ngành chức  năng.

“Khoáng tặc” lộng hành

Hiện trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam như Nam Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My đang nóng nạn khai thác khoáng sản chui, gây bức xúc dư luận. Theo Phòng TN&MT huyện Bắc Trà My, những ngày qua, lực lượng chức năng tiến hành truy quét khoáng sản tại khu vực bãi thiếc thuộc địa phận 2 xã Trà Sơn và Trà Giang. Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện 4 khung trại đã được tháo dỡ bạt, các đối tượng khai thác khoáng sản thiếc trái phép đã bỏ trốn trước khi lực lượng kiểm tra, truy quét đến. Tổ công tác đã tiến hành phát hủy 4 khung trại trên và 3 hồ chứa nước có dung tích khoảng 200m3. Lợi dụng địa hình phức tạp, các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép đã bỏ trốn khi lực lượng của tổ công tác đến hiện trường.

Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép đang nóng tại các huyện miền núi Quảng Nam
Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép đang nóng tại các huyện miền núi Quảng Nam

Ông Hồ Văn Tre - Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Phước Sơn cho biết thêm: Hiện trên địa bàn huyện Phước Sơn, nạn khai thác vàng trái phép diễn ra ồ ạt. Tại bãi vàng Nhẹ (thôn 4, xã Phước Đức, huyện Phước Sơn) có 4 lán trại đã tháo tấm che mái, 6 máy xay đá, 5 máng tuyển đãi vàng bằng gỗ, 2 xe rùa, 1 tủ điện, 1 thùng gỗ đựng đồ, khoảng 200m ống dây dẫn nước, 2 hồ chứa nước, 1 moong khai thác lộ thiên với diện tích khoảng 0,5ha, độ sâu đã khai thác khoảng 4m.

Tại khu vực suối Rin (xã Đăk Pring, huyện Nam Giang), nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, những ngày qua lực lượng chức năng huyện Nam Giang ra quân truy quét nạn khai khoáng chui, tuy không thấy người nhưng có đến 5 máy xay đá, 4 lán trại đã tháo tấm che mái, 3 tấm bạc xanh, khoảng 500m ống dây dẫn nước, 1 đường lò có dấu vết khai thác mới, một số hầm khai thác cũ. Trong thời gian tới, Phòng TN&MT sẽ tiếp tục tham mưu UBND huyện lập kế hoạch kiểm tra, truy quét khu vực này nhằm đảm bảo công tác quản lý khoáng sản cũng như tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn huyện ổn định.

Chính quyền ra tay

“Trước tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra rầm rộ trên địa bàn, chính quyền và ngành chức năng tỉnh Quảng Nam đang ráo riết ra quân để dẹp nạn “khoáng tặc”. Để ngăn chặn hành vi khai thác khoáng sản trái phép, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã chỉ đạo, lập kế hoạch kiểm tra, truy quét khai thác khoáng sản trái phép trước, để đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn các huyện”- ông Nguyễn Viễn - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam cho biết.

Theo Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, để ngăn chặn tình trạng trên, ngành chức năng cần điều tra, thống kê, xem xét cụ thể các hộ gia đình, cá nhân là người địa phương có kinh tế gia đình khó khăn và trong nhiều năm qua sinh sống chủ yếu bằng hoạt động khai thác khoáng sản, lâm sản trái phép để vận động và có hướng hỗ trợ hoặc đề xuất tỉnh xem xét, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp.

Nạn
Nạn "chảy máu" tài nguyên đang làm thất thoát nguồn tài nguyên

Công an tỉnh cũng đã chỉ đạo công an địa phương tăng cường công tác kiểm tra nhân khẩu, kiên quyết xử lý các đối tượng tạm trú để khai thác khoáng sản, lâm sản trái phép; phối hợp với các cơ quan liên quan ngăn chặn, xử lý hiệu quả hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, đặc biệt là khoáng sản vàng, cát, sỏi; thường xuyên kiểm tra, xử lý triệt để các phương tiện mô tô, xe máy không đảm bảo lưu hành dùng để vận chuyển lâm sản trái phép trên tuyến đường Hồ Chí Minh, các quốc lộ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Viễn - Giám đốc Sở TN&MT Quảng Nam cũng đề nghị: “Nên chăng các cấp có thẩm quyền cho phép bỏ qua thủ tục thăm dò đối với cát, sỏi lòng sông, suối ở khu vực trung du, miền núi có quy mô nhỏ (dưới 10.000m3), thời gian khai thác ngắn (không quá 9 tháng), để giải quyết nhu cầu vật liệu xây dựng ở địa phương. Nếu lập thủ tục cấp phép theo đúng quy định thì doanh nghiệp sẽ khó có hiệu quả kinh tế, hơn nữa do tích tụ và thay đổi theo lũ lụt nên đôi khi nhận được Giấy phép khai thác theo quy định thì cát, sỏi đã bị dịch chuyển đến vị trí khác”. 

 Bài & ảnh: Xuân Lam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Nhức nhối nạn "chảy máu" tài nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO