Quảng Nam: Dân khốn khổ vì công trình "rùa bò"

13/09/2017 00:00

(TN&MT) - Cầu dân sinh trị giá hơn 3,8 tỷ đồng do Cty CP thủy điện Đắk Mi làm chủ đầu tư bắc qua sông Trường (huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam) được triển khai từ năm 2016, đến nay chỉ mới hoàn thiện 15%, khiến người dân không thể đi rẫy và lưu thông; hàng trăm héc ta keo, cao su không thể thu hoạch, gia súc không được chăm sóc...

Dài cổ đợi cầu

Hàng trăm hecta keo và trang trại chăn nuôi của người dân ở thôn 2, xã Sông Trà nằm bên kia sông Trường. Những năm trước đây, nước sông Trường rất cạn, để lên rẫy, người dân có thể lội qua sông dễ dàng, mùa mưa thì dùng ghe. Thế nhưng từ khi thủy điện Đắk Mi chặn dòng nơi thượng nguồn, xả nước về xuôi phát điện khiến mực nước sông Trường dâng cao, lên xuống thất thường. Bức xúc do bị “chặn đường” đi lại, vận chuyển gỗ keo và sản phẩm chăn nuôi, người dân thôn 2 đồng loạt làm đơn kiến nghị gửi lên xã và huyện Hiệp Đức.

Cây cầu dân sinh xây thi công ì ạch chặn đường lên rẫy của người dân
Cây cầu dân sinh xây thi công ì ạch chặn đường lên rẫy của người dân

Theo kiến nghị của các hộ dân thôn 2, xã Sông Trà, năm 2012 khi nhà máy thủy điện Đak Mi chưa xây dựng xong và chưa xả nước về sông Trường thì các hộ dân trong thôn 2 đi lại nương rẫy, chăn nuôi tại khu vực tiểu khu 520 (đoạn từ ngã 3 Trà Nô đến khu cầu Mò O) tương đối thuận lợi. Vào mùa nắng nước sông Trường cạn nên việc vận chuyển các hàng hóa, lương thực an toàn. Tuy nhiên, kể từ năm 2013 đến nay, thủy điện Đắk Mi 4 xả nước về làm ảnh hưởng đến việc đi lại và gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người dân địa phương.

Bà Võ Thị Hoa, người dân thôn 2, có 20ha keo lá tràm và đàn bò cả chục con ở bên kia sông cho hay, ngày nào bà cũng phải vượt sông tới khu rẫy. Những lứa keo trước đây bán bình thường, xe tải vào tận nơi vận chuyển ra ngoài. Tuy nhiên, đến nay, mùa keo mới đã đến độ thu hoạch nhưng xe tải không thể vào vì nước sông Trường dâng cao.

 “Kỳ trả lãi nợ ngân hàng đã gần tới mà xe tải không thể qua sông để khai thác rẫy keo được. Nếu thu hoạch thì phải chở đi vòng rất xa, nên chi phí tiền vận chuyển keo quá cao, làm sao tôi có lãi được”. – bà Hoa bức xúc.

Ông Trần Đình, Trưởng thôn 2, cho hay từ năm 2012 người dân địa phương đã nhiều lần làm đơn kiến nghị và yêu cầu chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Đắk Mi 4 xây cầu dân sinh bắc qua sông Trường; nếu không thực hiện được thì phải trả lại hiện trạng như ban đầu cho dân. Sau nhiều lần kiến nghị, mãi đến năm 2014, dự án mới được thiết kế xây dựng chiếc cầu chìm 6 nhịp. Tháng 4.2016, đơn vị thi công mới bắt tay xây dựng sau khi hoàn thành 1 mố và 2 trụ rồi... bỏ dở cho đến nay.

Nước xả thủy điện chảy xiết, không có cầu nên khi có việc, người dân đi phải liều mình băng qua sông bất chấp nguy hiểm đến tính mạng. Theo người dân, ở đoạn sông này đã có 2 người bị lũ cuốn trôi tử vong và nhiều người khác cũng bị lũ cuốn nhưng bơi được vào bờ.

Cũng theo ông Đình, từ khi múc đất để xây cầu, lượng nước càng sâu hơn, người dân không thể qua sông. Cả thôn 2 có khoảng 800 ha đất trồng keo bên kia sông Trường, đến thời kỳ thu hoạch nhưng không thể khai thác, vận chuyển; chưa kể đàn gia súc cũng bị “mắc kẹt”, không chăm sóc được.

Tiếp tục chờ

Đinh Hữu Tấn, Tổng Giám đốc Công ty CP thủy điện Đắk Mi (đơn vị chủ đầu tư cầu dân sinh bắt qua sông Trường) thừa nhận, cây cầu dân sinh bắt qua sông Trường, ở thôn 2, xã Sông Trà, trị giá hơn 3,8 tỷ đồng được triển khai từ năm 2016 đến nay chỉ mới hoàn thiện 15%.

Đến nay, cầu sông Trường vẫn chỉ là mấy cái móng trụ cùng một đống đất ngỗn ngang
Đến nay, cầu sông Trường vẫn chỉ là mấy cái móng trụ cùng một đống đất ngỗn ngang

Việc thi công chậm cầu này, do diễn biến mưa lũ thời gian qua thất thường trong thời gian thi công. Bên cạnh đó, việc tính toán mực nước sông Trường phục vụ công tác đắp đê quây của đơn vị tư vấn thiết kế không đúng với mực nước thực tế nên đê quây phục vụ công tác thi công bị cuốn trôi nhiều lần khi có mưa lũ. Từ tháng 11 đến nay, đê quây đã bị lũ cuốn 5 lần. Hiện chúng tôi, đang chờ đơn vị tư vấn thiết kế làm lại, chậm nhất cũng phải cuối năm nay mới thi công trở lại.

Trước sự việc này, ông Nguyễn Hoa, Phó Chủ tịch huyện Hiệp Đức cho biết, huyện cũng đã nhận được các báo cáo của Công ty CP thủy điện Đắk Mi về việc thi công cầu; tuy nhiên để tiếp tục thi công xây dựng các hạng mục tiếp theo cần phải tính toán lại mực nước của hạng mục đắp đê quây.

“Hiện nay, chủ đầu tư đang chỉ đạo đơn vị tư vấn thiết kế tiến hành khảo sát, thiết kế và tính toán lại phương án đắp đê quây để phù hợp với thực tế thi công, sau khi có phương án đắp đê quây tối ưu sẽ tiếp tục triển khai thi công”, ông Nguyễn Hoa cho hay.

Bài, ảnh: Lan Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Dân khốn khổ vì công trình "rùa bò"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO