Quảng Nam: Bất chấp truy quét, "cát tặc" lộng hành

04/07/2017 00:00

(TN&MT) - Bất chấp sự truy quét, xử phạt của chính quyền địa phương, tình trạng khai thác cát trắng trái phép dọc tuyến đường ven biển 129 (thuộc huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) vẫn diễn ra ồ ạt cả ngày lẫn đêm, gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông. Nhiều đối tượng manh động đã quay lại chống trả cả lực lượng chức năng.

Cát tặc ngang nhiên xúc trộm cát trái phép
Cát tặc ngang nhiên xúc trộm cát trái phép

Ngang nhiên khai thác cát trái phép

Dọc tuyến đường biển 129 (thuộc huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), thay vào những trảng cát trắng dài hàng chục cây số là hàng trăm hồ cát lớn nhỏ, đào sâu. Máy xúc đã ngừng nhưng những vết sẹo của tự nhiên chưa biết đến bao giờ mới lành lại sau rất nhiều ngày đào, múc. Ước tính khối lượng cát bị lấy đi lên đến hàng ngàn m3, có hố vết múc cát còn rất mới. “Những hố bẫy tử thần đó là hệ quả của nạn khai thác cát trái phép trong nhiều năm qua”- một người dân ở thôn Bình Trúc 1, xã Bình Sa, huyện Thăng Bình buồn bã nói.

Ông T. cho biết thêm huyện Thăng Bình bao đời nay nổi tiếng bởi “mỏ cát” trắng, mà còn sở hữu một lượng lớn diện tích đất pha cát rất tốt, phù hợp với việc sản xuất các loại hoa màu. “Cả một khu đất bằng phẳng giờ đã không còn nữa mà thay vào đó là hàng trăm cái hố sâu hoắm. Mùa mưa thì chứa đầy nước, chẳng khác nào cái bẫy đối với những đứa trẻ đi chăn bò nơi đây”- ông T. bức xúc nói.

Người dân địa phương cho biết, nạn khai thác cát trái phép đã diễn ra gần 5 năm nay với mức độ khai thác ngày càng nghiêm trọng, có quy mô. “Ngày nào cũng vậy xe lôi, xe tải chở cát vô ra xúc cát liên tục. Một ngày hàng trăm khối cát không cánh mà bay. Không chỉ mất cát trắng mà đất sản xuất của người dân chúng tôi cũng bị bọn chúng lấy mất”- ông T. thở dài. Điều đáng nói, cát tặc chủ yếu là người địa phương. Do nắm rõ địa bàn, “cát tặc” ngang nhiên trộm cát cả ngày lẫn đêm và còn đe dọa những người dân lên tiếng phản đối.

“Người dân tố cáo thì bị chúng cho người xuống chặt phá hết hoa màu, còn tìm đến nhà hăm dọa nên ai lấy đều rất sợ”- ông C.T. (58 tổi, ở thôn Châu Khê, xã Bình Sa) cho biết thêm.

Hàng ngàn m3 cát bị lâm tặc xúc trộm đem đi bán
Hàng ngàn m3 cát bị lâm tặc xúc trộm đem đi bán

Khó ngăn chặn

Ông Hà Như Diêu- Phó Chủ tịch UBND xã Bình Sa cho biết, hiện nay tình trạng xúc trộm cát xảy ra rất phổ biến ở nhiều nơi trên địa bàn xã Bình Sa. Chính quyền xã đã nhiều lần tổ chức truy quét, xử phạt số tiền lên đến cả trăm triệu đồng nhưng xem ra vấn nạn này vẫn chưa hề suy giảm. Cát tặc ở đây rất tinh vi, sử dụng nhiều hình thức để đối phó với lực lượng chức năng. “Nhằm tránh trường hợp bị tịch thu tang vật và thiết bị, cát tặc đã thuê người dân tiến hành xúc trộm vào sáng sớm hoặc 1 - 2 giờ khuya. Nếu bị cơ quan chức năng phát hiện thì lập tức bỏ chạy vào rừng. Có những trường hợp manh động còn quay lại chống trả lực lượng chức năng”- ông Diêu nói.

Cũng theo ông Diêu, để khắc phục và đẩy lùi nạn xúc trộm cát không thể giải quyết được trong ngày một, ngày hai mà đòi hòi một quá trình lâu dài và có sự phối hợp và hỗ trợ, chặt chẽ từ các cơ quan cấp trên. “Địa phương đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên để phối hợp truy bắt nhưng tình trạng khai thác trôm cát chỉ tạm giảm đi được một thời gian ngắn rồi sau đó đâu lại vào đấy. Cát vẫn cứ tiếp tục “bốc hơi”- ông Diêu khẳng định.

Ông Nguyễn Văn Thông- Phó Chánh văn phòng Thường trực huyện Thăng Bình cho hay, thông qua phản ánh của người dân địa phương. UBND huyện đã phát hiện và xử phạt với một số đơn vị thi công lợi dụng việc san lấp mặt bằng để lấy thêm cát để bán. “Hiện chúng tôi đã thành lập đội kiểm tra liên ngành khoáng sản và thường xuyên tổ chức các đợt truy quét bất ngờ vào ban đêm để  phát hiện, xử lí các trường hợp vi phạm”.

“Hiện tại chúng tôi vẫn đang bám sát và chưa phát hiện vụ khai thác nào với quy mô lớn. Trong thời gian sắp tới, đội kiểm tra liên ngành sẽ tiếp tục theo dõi sát sao những khu vực xúc trộm cát nói trên”- ông Thông cho biết thêm.

Bài, ảnh:Lan Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Bất chấp truy quét, "cát tặc" lộng hành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO