Hiện nay, tỉnh Yên Bái có 104 giấy phép khai thác (điểm mỏ) còn hiệu lực. Trong đó, có 18 mỏ chưa khai thác, 70 mỏ đang khai thác, 16 mỏ tạm dừng khai thác. Việc dừng hoạt động đối với các mỏ này chủ yếu do nhu cầu về thị trường tiêu thụ và do chất lượng khoáng sản không bảo đảm, chủ yếu là mỏ quặng sắt, đá vôi trắng. Ngoài ra, còn có 38 giấy phép khai thác khoáng sản hết thời hạn chưa được cấp lại.
Theo Sở TN&MT Yên Bái, thời gian gần đây, Sở đã tổ chức 8 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 45 tổ chức sản xuất kinh doanh có liên quan đến lĩnh vực khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã kịp thời phát hiện và xử lý những vi phạm pháp luật về khoáng sản của các tổ chức, cá nhân chủ yếu như: Vi phạm về bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản, khai thác ra ngoài diện tích được cấp phép hoặc khai thác không tuân thủ thiết kế mỏ, không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ…
Đồng thời, Sở TN&MT đã tiến hành các đợt rà soát, đề nghị thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản của các đơn vị chậm triển khai, dừng hoạt động và vi phạm trong nghĩa vụ nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Nhờ đó, việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản của các đơn vị được nâng lên, góp một phần không nhỏ trong sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
Để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên sẵn có, ngoài việc tiến hành thanh tra, kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm, Sở đưa ra nhiều giải pháp để quản lý tốt lĩnh vực này. Ông Hồ Đức Hợp - Giám đốc Sở TN&MT Yên Bái cho biết: Ngoài công tác thanh tra, kiểm tra, thời gian tới, Sở sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm. Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý khoáng sản trên cơ sở quy định của Luật Khoáng sản và các văn bản quy phạm pháp luật do Trung ương ban hành. Đồng thời, nghiên cứu, rà soát để sửa đổi, bổ sung quy định quản lý khoáng sản ở địa phương cho phù hợp với tình hình hoạt động thực tế. Như vậy, mới đảm bảo việc khai thác, sử dụng hiệu quả khoáng sản, tiết kiệm và gắn với bảo vệ môi trường. Không những vậy, cần phải quy định cụ thể trách nhiệm của các ngành, chính quyền địa phương trong việc quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản.
“Sở tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quy định của pháp luật về khoáng sản và bảo vệ môi trường. Mặt khác, cần kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật và kiểm soát ô nhiễm, không để phát sinh các cơ sở gây ô nhiễm môi trường mới” - ông Hồ Đức Hợp nói.