Quản lý, khai thác hiệu quả và cải thiện chất lượng nguồn nước

Mỹ Bình (thực hiện)| 19/08/2021 11:17

(TN&MT) - Để xây dựng, quản lý khai thác hiệu quả nguồn nước trong các công trình phòng chống thiên tai, điều tiết nguồn nước và đảm bảo môi trường, chất lượng nước trong mùa khô, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường có cuộc phỏng vấn ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định về vấn đề này.

Ông Hồ Đắc Chương,  Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định

PV: Xin ông cho biết về tình hình an ninh nguồn nước tại Bình Định?

Ông Hồ Đắc Chương:

Tỉnh Bình Định có 3 lưu vực sông chính gồm lưu vực sông Hà Thanh, lưu vực sông Côn, lưu vực sông La Tinh và lưu vực sông Kim Sơn - An Lão. Trên các lưu vực có xây dựng 163 hồ chứa loại có dung tích từ 50 ngàn m3 trở lên; trong đó, có 160 hồ dung tích cung cấp nước cho dân sinh và sản xuất, 3 hồ cấp nước cho nuôi trồng thủy sản. Tổng dung tích 592 triệu m3.

Các hồ chứa nước lớn có tính quyết định đến an ninh nguồn nước: Lưu vực sông Côn có các Hồ Định Bình dung tích 226 triệu m3; Núi Một dung tích 110 triệu m3; Thuận Ninh dung tích 35 triệu m3; lưu vực La Tinh có hồ Hội Sơn 46 triệu m3; cuối năm 2021 có hồ Đồng Mít trên lưu vực sông An Lão xây dựng hoàn thành dung tích 90 triệu m3. Lưu vực sông Hà Thanh chưa có hồ chứa nước lớn đủ để bảo đảm an ninh nguồn nước.

Ngoài ra, lưu vực sông Côn còn tiếp nhận nguồn nước bên ngoài từ Thủy điện An Khê KaNak với lưu lượng không thường xuyên, bình quân khoảng 8 m3/s. Để có thể đưa nước vào ruộng, còn có rất nhiều đập dâng nước trên sông, hệ thống kênh dẫn nước, kênh phân phối nước, các trạm bơm đưa nước từ thấp lên ruộng cao.

PV: Từ thực tế an ninh nguồn nước, xin ông cho biết công tác quản lý khai thác hiệu quả nguồn nước trong các công trình phòng, chống thiên tai tại Bình Định như thế nào?

Ông Hồ Đắc Chương:

Về tích trữ nước phục vụ sản xuất ứng phó với hạn hán: Hệ thống công trình thủy lợi (bao gồm hồ chứa, đập dâng, trạm bơm, hệ thống kênh tưới) đáp ứng được 100% diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân. Vụ Hè Thu có một số vùng cục bộ chưa đáp ứng được; đặc biệt, vùng khô hạn bắc huyện Phù Mỹ; các xã phía Tây huyện Phù Mỹ nhiều diện tích phải bỏ trống, không sản xuất. Cần phải có nguồn nước từ lưu vực khác chuyển vào. Có thể chuyển nước từ sông Lại Giang vào Phù Mỹ bằng hệ thống trạm bơm; có thể chuyển nước từ Định Bình vào Phù Mỹ bằng tuy nen đi ngầm trong núi.

Cần xây dựng hồ chứa trên lưu vực Hà Thanh và hệ thống đập dâng giữ nước trên sông Hà Thanh để từng bước cải thiện tình trạng thiếu nước.

Về phòng, chống thiên tai ứng phó với lũ lụt: Các hồ chứa nước vừa, nhỏ làm nhiệm vụ tích nước vào mùa mưa để cung cấp cho sinh hoạt và sản xuất vào mùa khô; các hồ chứa nước lớn làm nhiệm vụ cắt một phần đỉnh lũ, giữ lại trong hồ để giảm ngập cho hạ du. Trong những năm qua, hồ Núi Một, hồ Thuận Ninh, hồ Hội Sơn đã góp phần giảm lũ cho vùng hạ du. Hồ Định Bình có dung tích phòng lũ nhỏ, chưa đủ sức để cắt những đỉnh lũ lớn và rất dễ gây ngập sâu vùng hạ du. Thực tế đã chứng minh tại các năm xảy ra lũ lớn 2013, 2016. Cần tiếp tục nghiên cứu tăng dung tích hồ Định Bình để nâng dung tích phòng lũ; đồng thời sử dụng lượng nước này để chuyển nước về Phù Mỹ.

Nguồn nước sông Lại Giang, thị xã Hoài Nhơn

PV: Trong mùa khô, công tác thực hiện điều tiết nguồn nước và đảm bảo môi trường, chất lượng nước trong mùa khô tại Bình Định diễn ra như thế nào?

Ông Hồ Đắc Chương:

Vào mùa mưa, nước sông đục đến rất đục, điều này thể hiện rừng trong lưu vực chưa đảm nhận được nhiệm vụ chống xói mòn đất; gây ra những hệ lụy đã rõ là lòng hồ các hồ chứa bị bồi lắng rất nhanh; nguồn sinh thủy vào mùa khô ngày càng giảm và giảm sâu trong những năm gần đây (lưu vực Hà Thanh phần lớn là rừng trồng); trượt lở núi, đặc biệt nghiêm trọng về trượt lở núi trong lòng hồ Vạn Hội trong lúc hồ đang đầy nước.

Vào mùa khô, chất lượng nguồn nước trong hồ chứa cơ bản đáp ứng được yêu cầu cho sản xuất và sinh hoạt; tuy nhiên, khi nước chảy trong sông, trong kênh tưới, kênh tiêu thì còn tiếp nhận một số nguồn khác như: rác hữu cơ tạo mùi rất khó chịu; rác vô cơ phần nổi trôi theo nước, phần chìm làm cản trở dòng chảy; nước thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi của hộ dân sinh sống ven sông, kênh chảy trực tiếp vào sông, vào kênh; khai thác cát trên sông gây đục nguồn nước. Chất lượng nguồn nước chưa ổn, cần tiếp tục có các giải pháp mạnh hơn, khả thi hơn thì sẽ cải thiện chất lượng nguồn nước của Bình Định.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Bình Định là một trong các tỉnh ven biển miền Trung có trữ lượng nước mặt tiềm năng khoảng 9,34 tỷ m3/năm. Theo đó, nguồn nước phân bổ thuộc 51 sông, suối và các công trình hồ chứa thủy lợi, thủy điện hiện có và quy hoạch theo giai đoạn đến năm 2020 là 167 hồ chứa, đến năm 2025 là 171 hồ chứa và đến năm 2035 là 198 hồ chứa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý, khai thác hiệu quả và cải thiện chất lượng nguồn nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO