Quản lý hiệu quả tài nguyên khoáng sản: Mang lại nguồn lợi cho đất nước

Mai Đan| 26/08/2021 12:57

(TN&MT) - Trong những năm qua, công tác điều tra cơ bản địa chất cũng như đánh giá, thăm dò khoáng sản ngày càng được đẩy mạnh. Đặc biệt, công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản đã hoàn thiện pháp luật về khoáng sản, tạo hành lang pháp lý để quản lý hoạt động khoáng sản theo hướng hiệu quả, bền vững, đảm bảo môi trường và an ninh, quốc phòng.

Tạo hành lang pháp lý quản lý hiệu quả

Công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản từ lâu luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Đây là nhiệm vụ trọng tâm và hết sức quan trọng của ngành Địa chất nhằm quản lý, bảo vệ chặt chẽ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước trước mắt cũng như lâu dài.

Ngày 22/1/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 09/SL khẳng định “tất cả các nguồn khoáng chất ở Việt Nam đều là của Nhà nước”, và Sắc lệnh số 10/SL về “Quy định chế độ khai thác mỏ”. Đây có thể nói là những văn bản pháp luật đầu tiên về quản lý khoáng sản. Từ năm 1983, Tổng cục Địa chất (sau này là Tổng cục Mỏ và Địa chất) đã xây dựng, trình ban hành Pháp lệnh về Tài nguyên khoáng sản (năm 1989). Đến năm 1996, lần đầu tiên, Luật Khoáng sản được ban hành và sau đó được sửa đổi, bổ sung vào năm 2005. Sau 13 năm thực hiện Luật Khoáng sản năm 1996, để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về khoáng sản, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Khoáng sản năm 2010 để thay thế Luật Khoáng sản năm 1996.

Đến nay, sau 10 năm thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã chủ trì xây dựng trình Bộ TN&MT ban hành hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 6 Nghị định, 5 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và gần 50 Thông tư, Thông tư liên tịch để hướng dẫn thực hiện. Trải qua gần 76 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay, hệ thống văn bản pháp luật về khoáng sản của ngành Địa chất Việt Nam cơ bản đã hoàn thiện, tạo nên hành lang pháp lý quan trọng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về khoáng sản, đồng thời thúc đẩy phát triển bền vững công nghiệp khai khoáng, chế biến khoáng sản; bảo vệ môi trường sinh thái; bảo vệ an ninh quốc phòng.

Từ khi chỉ có một số mỏ như thiếc Tĩnh Túc, vàng Bồng Miêu, Chợ Bến, antimon Chiêm Hóa, photphorit Nghệ An, than Đầm Đùn, Khe Bố… được khai thác ở giai đoạn những năm 60 của thế kỷ XX, công tác cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản ngày càng chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, kịp thời đưa các mỏ khoáng sản vào khai thác để phát triển đất nước trong từng thời kỳ, đồng thời bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường, cảnh quan, di sản văn hóa - lịch sử, địa chất. Đến nay, đã có trên 3.000 khu vực đang khai thác gần 50 loại khoáng sản khác nhau trên phạm vi cả nước, như: than, khoáng sản kim loại, phi kim loại, khoáng sản làm vật liệu xây dựng, nguyên liệu xi măng, nước khoáng...

Theo ông Trần Phương - Chánh Văn phòng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, trong quản lý Nhà nước về khoáng sản, công tác thanh tra, kiểm tra là hoạt động có vai trò quan trọng, luôn được Bộ TN&MT quan tâm, chỉ đạo. Hàng năm, đã có hàng chục đợt thanh tra, kiểm tra chuyên đề, định kỳ, đột xuất được Tổng cục thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Qua đó, đã phát hiện và xử lý nhiều hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản, góp phần chấn chỉnh và đưa hoạt động khoáng sản của các tổ chức, cá nhân đi vào nền nếp, tuân thủ pháp luật về khoáng sản, đồng thời thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra đã phát hiện những nội dung bất cập, hạn chế của các quy định pháp luật, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung ban hành các văn bản pháp luật về khoáng sản phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi.

Ảnh minh họa

Định hướng cụ thể nhằm phát triển ngành Địa chất

Chánh Văn phòng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam Trần Phương cho rằng, trước yêu cầu thực tiễn ngày càng cao để phát triển đất nước, ngành Địa chất Việt Nam cần hoàn thành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 để xây dựng, trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới nhằm định hướng Chiến lược khoáng sản và phát triển công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên cơ sở đó xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược địa chất và khoáng sản đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050; tổng kết 10 năm thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010, trong đó tập trung đánh giá tác động của việc thực hiện chính sách, quy định của Luật, rà soát các vấn đề vướng mắc phát sinh trên thực tiễn để xác định các chính sách cần sửa đổi cũng như bổ sung mới.

Trên cơ sở đó, đến năm 2023 sẽ hoàn thành việc xây dựng Luật Địa chất và Tài nguyên khoáng sản để Chính phủ trình Quốc hội khóa XV ban hành thay thế Luật Khoáng sản năm 2010, trong đó nhiều nội dung chính sách quản lý về địa chất sẽ được đưa vào Luật để tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý Nhà nước về địa chất được thực hiện đầy đủ, hiệu quả, đưa nguồn lực tài nguyên địa chất góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, việc xây dựng và ban hành Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ thúc đẩy công tác điều tra, đánh giá, tìm kiếm các tài nguyên về địa chất, khoáng sản, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản cho trước mắt và lâu dài…

Giá trị sản lượng ngành công nghiệp khai khoáng chiếm tỷ trọng lớn trong GDP của đất nước; thu ngân sách Nhà nước từ thuế tài nguyên, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm, đáp ứng cơ bản nhu cầu sử dụng khoáng sản của các ngành kinh tế trong nước và một phần để xuất khẩu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý hiệu quả tài nguyên khoáng sản: Mang lại nguồn lợi cho đất nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO