Khoáng sản

Cần sửa đổi Luật để phù hợp với tình hình phát triển mới

Văn Dinh - Thanh Tùng (thực hiện) 27/06/2024 - 09:03

(TN&MT) - Sau gần 14 năm thực hiện Luật Khoáng sản 2010, tỉnh Quảng Trị đã đưa hoạt động khoáng sản đi vào nền nếp, tuân thủ quy định của pháp luật, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Xoay quanh nội dung này, phóng viên Báo TN&MT có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Quảng - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị.

6a.jpg
Ông Trần Văn Quảng -
Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị

PV: Xin ông cho biết, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã đạt được những kết quả gì?

Ông Trần Văn Quảng: Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cùng với ngành đã rất quan tâm, chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn, nhất là tuyên truyền, phổ biến Luật Khoáng sản và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; xây dựng các quy hoạch có liên quan đến quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản của địa phương, qua đó, nhận thức về bảo vệ tài nguyên khoáng sản của cán bộ, đảng viên và đa số người dân ngày càng được nâng lên.

Công tác thẩm định, trình UBND tỉnh quyết định cho thuê đất các dự án khai thác khoáng sản; thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường/kế hoạch bảo vệ môi trường, phương án cải tạo, phục hồi môi trường của các dự án khai thác khoáng sản được thực hiện nghiêm túc. Kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản hoặc đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện tăng cường hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động khoáng sản. Hằng năm, Sở đã tiếp nhận gần 500 văn bản, ban hành gần 400 văn bản thuộc lĩnh vực khoáng sản.

Hoạt động khoáng sản (thăm dò, khai thác, chế biến) ngày càng đi vào nền nếp, cơ bản tuân thủ các quy định của pháp luật về khoáng sản và pháp luật khác có liên quan. Hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng được nhu cầu xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh và một phần xuất khẩu; giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động của địa phương. Ngoài ra, các doanh nghiệp đã có sự hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng các công trình phúc lợi của địa phương nơi có mỏ khoáng sản được khai thác hoặc khu vực chế biến. Một số doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ tiên tiến để thăm dò, khai thác khoáng sản; đầu tư nhà máy chế biến sâu khoáng sản nhằm nâng cao giá trị, chất lượng khoáng sản để xuất khẩu và sử dụng trong nước. Từ năm 2021 đến năm 2023, các đơn vị hoạt động khoáng sản đã nộp vào ngân sách Nhà nước với tổng số tiền 284,081 tỷ đồng, trung bình khoảng 95 tỷ đồng/năm; ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường với tổng số tiền 6,249 tỷ đồng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 43 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, trong đó có 6 giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, 34 giấy phép do UBND tỉnh cấp gồm 10 mỏ đá, 12 mỏ cát sỏi, 9 mỏ đất, 1 mỏ cát sau khai thác titan, 1 mỏ than bùn và 1 mỏ quặng sắt

PV: Vậy đâu là những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện công tác quản lý về khoáng sản trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là việc triển khai thi hành Luật Khoáng sản 2010, thưa ông?

Ông Trần Văn Quảng: Công tác quản lý nhà nước về khoáng sản còn phân tán, ở nhiều ngành, chính quyền địa phương (cấp huyện, xã) chưa thực sự quan tâm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong phạm vi trách nhiệm của mình. Số lượng biên chế của Sở TN&MT còn thiế́u, số lực lượng công chức Phòng Khoáng sản đơn vị trực tiếp tham mưu về công tác quản lý hoạt động khoáng sản còn hạn chế nên phần nào ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng công việc. Trong khi đó hiện nay, chưa có trang thiết bị để kiểm tra, giám sát hiện trường; kinh phí đầu tư cho công tá́c quan lý tài nguyên khoáng sản chưa đáp ứng so với tình hình thực tế.

Việc triển khai thi hành Luật Khoáng sản 2010 và các văn bản dưới Luật cũng đang gặp những khó khăn bất cập do một số quy định chồng chéo, chưa rõ ràng. Ví dụ: Quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản yêu cầu nộp tiền trúng đấu giá trên toàn bộ trữ lượng địa chất được phê duyệt nhưng lại không quy định đối với trường hợp trúng đấu giá phải lập hồ sơ khai thác hết diện tích trúng đấu giá. Trong khi Điều 52 Luật Khoáng sản 2010 và Điều 40 Nghị định 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ cũng cho phép: Trường hợp vì lý do nhu cầu tiêu thụ, thời hạn khai thác, yếu tố xã hội mà không huy động hết trữ lượng khoáng sản đã phê duyệt hoặc đã cấp phép thì trữ lượng huy động vào thiết kế khai thác không được nhỏ hơn 50% tổng trữ lượng khoáng sản đã phê duyệt, đối với khoáng sản rắn; không nhỏ hơn 35% tổng lưu lượng đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, đối với nước khoáng, nước nóng thiên nhiên và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trữ lượng khoáng sản quy định tại Điều 49 Luật Khoáng sản xác nhận. Đây đang là một trong những bất cập gây khó khăn cho các doanh nghiệp.

Mặt khác, các khu vực đưa ra đấu giá quyền khai thác khoáng sản chủ yếu nằm trong đất sản xuất của nhân dân nên các đơn vị trúng đấu giá gặp khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng, thuê đất để khai thác khoáng sản.

6b.jpg
Hoạt động khai thác khoáng sản ở Quảng Trị đã và đang góp phần phát triển kinh tế - xã hội

PV: Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn, ngành TN&MT sẽ tập trung vào những giải pháp nào, thưa ông?

Ông Trần Văn Quảng: Thời gian tới, tỉnh và ngành sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục và phổ biến pháp luật về lĩnh vực tài nguyên khoáng sản; quan tâm tới công tác hậu kiểm sau khi cấp giấy phép hoạt động khoáng sản, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, sử dụng lãng phí nguồn tài nguyên khoáng sản.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về khoáng sản, kiện toàn bộ máy, tổ chức của ngành từ tỉnh đến địa phương; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về khoáng sản các cấp. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương của cán bộ, công chức trong thực hành công vụ. Nâng cao vai trò, trách nhiệm đến nhiệm vụ quản lý tài nguyên theo thẩm quyền được phân cấp. Tập trung chỉ đạo triển khai tốt thực hiện các Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Ngoài ra, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng giảm các bước, quy trình xử lý công việc, công khai, minh bạch tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

PV: Sở TN&MT có kiến nghị, bổ sung gì đối với Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai xây dựng?

Ông Trần Văn Quảng: Trên cơ sở các nội dung của Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, chúng tôi đề nghị bổ sung một khoản giải thích về "Tận thu khoáng sản" để tránh việc tùy tiện khai thác khoáng sản dưới hình thức "tận thu". Đề nghị quy định cụ thể về việc bắt buộc phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản và các chế tài xử phạt khi không thực hiện đúng quy định về phục hồi môi trường. Đề nghị có quy định và chế tài cụ thể đối với việc lợi dụng hoạt động điều tra địa chất, thăm dò khoáng sản để khai thác tài nguyên địa chất, khoáng sản.

Cần làm rõ quy định "thời hạn hoạt động của dự án đầu tư tại khu vực dự trữ tài nguyên khoáng sản quốc gia" để tránh gây khó khăn cho dự án đầu tư. Ngoài ra, đề nghị bổ sung nội dung quy định đối với các tổ chức, cá nhân trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa thăm dò phải lập đề án thăm dò đối với toàn bộ diện tích đã trúng đấu giá hay được phép lựa chọn diện tích thăm dò phù hợp (thực tế có một số trường hợp các tổ chức trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhưng không thỏa thuận được với các chủ sở hữu đất trong khu vực nên không thể tiến hành thăm dò toàn bộ diện tích)...

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần sửa đổi Luật để phù hợp với tình hình phát triển mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO