Khoáng sản

Thanh Hóa sau gần 14 năm thực hiện Luật Khoáng sản 2010: Công khai, minh bạch để khơi thông nguồn lực

Tuyết Trang - Trịnh Tâm 15/08/2024 19:26

(TN&MT) - Có thể khẳng định, những năm qua Thanh Hóa là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước thực hiện tốt việc đưa tài nguyên khoáng sản ra đấu giá công khai, minh bạch.

Nhờ đó, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép cơ bản được chấm dứt, tài nguyên khoáng sản chưa khai thác được bảo vệ nghiêm ngặt, Đồng thời nguồn thu ngân sách từ đấu giá khoáng sản tăng vọt đã góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

anh-3.jpg
Khai thác đá ở Thanh Hóa đi vào nền nếp

Công khai, minh bạch trong đấu giá

Việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản được UBND tỉnh, các ngành liên quan thực hiện đảm bảo theo nguyên tắc hoạt động khoáng sản như: Phù hợp quy hoạch khoáng sản được cấp có thẩm quyền phê duyệt; không thuộc khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản; không thuộc khu vực có rừng tự nhiên, phòng hộ; không thuộc hành lang an toàn đường bộ, lưới điện... đảm bảo cảnh quan môi trường, quốc phòng, an ninh. Thành phần hồ sơ, quy trình thẩm định, cấp phép được thực hiện chặt chẽ, phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật.

Căn cứ các quy hoạch khoáng sản được duyệt, hàng năm Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch đấu giá. Sau khi UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch đấu giá, Phương án đấu giá, Sở Tài nguyên và Môi trường đăng thông báo công khai về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Việc lựa chọn thực hiện theo quy định tại Điều 56 Luật Đấu giá tài sản, Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26/3/2012 của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Từ năm 2010 đến nay đã lựa chọn được 01 tổ chức (Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Thanh Hóa, Công ty đấu giá Hợp danh Nhất An Phú) để tổ chức đấu giá, tổng số mỏ đã đấu giá: 101 mỏ với doanh thu hàng trăm tỷ đồng.

Thanh tra, kiểm tra luôn được coi trọng

Công tác thanh tra, kiểm tra luôn được quan tâm, duy trì thường xuyên, đảm bảo không bỏ sót, đồng thời mật độ thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân luôn đảm bảo phù hợp theo quy định của pháp luật hiện hành và theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, tránh chồng chéo, gây phiều hà, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các tổ chức, cá nhân.

Hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra định kỳ, duy trì số lượng các đơn vị/giấy phép được thanh tra, kiểm tra từ 50 - 80 đơn vị. Đồng thời các ngành có liên quan như: Công an tỉnh, Sở Công Thương, Sở Xây dựng, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn đã xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra các đơn vị trên địa bàn và theo lĩnh vực quản lý, kết quả:

Từ năm 2011 - 2023, đã tổ chức 27 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành đối với các đơn vị hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh; ngoài ra còn có hàng trăm đợt kiểm tra đột xuất theo phản ảnh của công dân, báo chí để giải tỏa, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; một số huyện trong tỉnh đã chủ động thành lập tổ công tác liên ngành thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, tập kết, kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn.
Qua công tác thanh, kiểm tra UBND tỉnh đã có Văn bản chỉ đạo UBND các huyện tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với 4 Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, 10 Chủ tịch UBND cấp xã và cán bộ địa chính.

Cần có cơ chế, chính sách phù hợp hơn

Cơ chế cấp phép hoạt động khoáng sản theo hình thức đấu giá hiện nay chưa được triển khai thực hiện một cách triệt để, đồng bộ cả ở cấp Trung ương và địa phương. Việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản (ở khu vực đã thăm dò và chưa thăm dò) chưa phù hợp với thực tế khi triển khai thực hiện. Công tác quản lý về đầu ra sau khai thác, chế biến (quản lý, xác định nguồn gốc, xuất xứ) chưa thực hiện hiệu quả dẫn đến thất thoát các khoản thu từ thuế, phí có liên quan.

Chính sách thu nhiều loại thuế, phí, lệ phí có liên quan trong hoạt động khoáng sản là chưa phù hợp, gây khó khăn cho các doanh nghiệp và việc quản lý của cơ quan chức năng; Phương pháp xác định mức thu thuế tài nguyên, phí BVMT đối với một số loại khoáng sản chưa phù hợp (giá trị thu/01 đơn vị khoáng sản nguyên khai rất lớn so với giá thành sản phẩm) dẫn đến không thể triển khai thực hiện dự án và không khuyến khích nhà đầu tư.

anh-2.jpg
Cần có cơ chế chính sách phù hợp để khơi thông nguồn lực khoáng sản

Bên cạnh đó, công tác quản lý về tài nguyên khoáng sản ở cấp cơ sở còn nhiều hạn chế. Cán bộ tham mưu, phụ trách về lĩnh vực khoáng sản ở cấp huyện, đặc biệt là cấp xã hầu hết không được đào tạo chuyên môn liên quan đến lĩnh vực khoáng sản, địa chất.

Việc đào tạo các kỹ sư đảm bảo trình độ, tiêu chí và khả năng chỉ đạo, thực hiện được các nhiệm vụ của một Giám đốc điều hành mỏ đến nay còn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Đồng thời phải đầu tư cho thiết bị công nghệ khai thác tiến tiến hiện đại đã được chú trọng những năm gần đây nhưng chưa đáp ứng yêu cầu thực tế và chưa tương xứng với nguồn tài nguyên khoáng sản hiện có.

Ông Nguyễn Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Trung: Cần bảo vệ nghiêm khoáng sản chưa khai thác

anh-4-ong-nguyen-xuan-dung-pct-ubnd-huyen-ha-trung.jpg
Ông Nguyễn Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Trung

Hiện nay trên địa bàn huyện Hà Trung có 40 mỏ khoáng sản các loại như, đá đất, phụ gia xi măng với diện tích 462,07ha.

Thời gian qua, huyện Hà Trung rất coi trọng việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, nhất là các khu vực cấm, tạm thời cấm, khu vực hạn chế khai thác khoáng sản. Đặc biệt, theo Quyết định số 447/QĐ-UBND về việc phê duyệt cấm khai thác gồm: Khu vực lịch sử danh thắng, rừng phòng hộ, khu vực bảo tồn thiên nhiên, vường quốc gia, khu vực liên quan đến tôn giáo, khu vực liên quan đến an ninh - quốc phòng…

Để đạt được những kết quả đó, UBND huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng pháp luật cho doanh nghiệp và người dân nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ tài nguyên khoáng sản; Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan với chính quyền địa phương trong kiểm tra, giám sát trong khai thác và sử dụng khoáng sản. Triển khai Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại các xã, thị trấn, trong đó quyết liệt chỉ đạo kiểm tra, ngăn chặn giải tỏa và xử lý nghiêm, dứt điểm hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, không để tái diễn kéo dài, gây thất thoát tài nguyên khoáng sản.

Ông Nguyễn Văn Hiệp - Trưởng phòng TNMT huyện Cẩm Thủy: Xử lý nghiêm vi phạm trong khai thác, kinh doanh khoáng sản trái phép

anh-5-ong-nguyen-van-hiep-truong-phong-tn-mt-huyen-cam-thuy.jpg
Ông Nguyễn Văn Hiệp - Trưởng phòng TNMT huyện Cẩm Thủy

Hiện nay, trên địa bàn huyện Cẩm Thủy có 12 mỏ khai thác đá vôi, 4 mỏ khai thác cát đang còn hạn và hoạt động khai thác, 7 bãi tập kết kinh doanh cát, sỏi được UBND tỉnh cho thuê đất (có 3 bãi không hoạt động). Trong quá trình thực hiện khai thác, sử dụng khoáng sản cơ bản các đơn vị thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về khoáng sản, môi trường và đất đai.

UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý, kiểm tra phát hiện và kịp thời ngăn chặn, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực khai thác, vận chuyển, tập kết và kinh doanh khoáng sản trái phép theo quy định. Kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm hoặc báo cáo để xử lý các trường hợp vi phạm trong khai thác, tập kết, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản trái phép vượt quá thẩm quyền. Các đơn vị được phép khai thác, kinh doanh khoáng sản cơ bản chấp hành tốt các quy định trong khai thác, phương án khai thác, cắm các mốc giới khép góc mỏ đầy đủ, khai thác đúng vị trí mỏ được cấp, đăng ký và thực hiện đúng thời gian khai thác trong ngày, thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường…

Trên cơ sở phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của UBND tỉnh; UBND huyện căn cứ tình hình thực tế tại địa phương cũng ban hành Quyết định cụ thể phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn huyện, triển khai phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác đến các cấp, các ngành và UBND các xã thị trấn trên địa bàn huyện.

Ông Lê Ngọc Quân - Trưởng phòng TN&MT huyện Thọ Xuân: Rà soát, bổ sung đầy đủ mốc giới để chống khai thác trái phép

anh-6-ong-le-ngoc-quan-truong-phong-tn-mt-huyen-tho-xuan.jpg
Ông Lê Ngọc Quân - Trưởng phòng TN&MT huyện Thọ Xuân

Trên địa bàn huyện Thọ Xuân có 7 mỏ cát được UBND tỉnh cấp phép khai thác, có 11 bãi tập kết cát được tỉnh cấp phép hoạt động; trong đó có 9 bãi tập kết đang hoạt động. Từ đầu năm đến nay, Chủ tịch UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các phòng, ngành, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn: Tiếp tục quán triệt, tổ chức tuyên truyền, phổ biến tại các hội nghị, thông qua hệ thống loa truyền thanh quy định của Luật khoáng sản 2010.

Tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác cát, đất trên địa bàn, trong đó cần phân công nhiệm vụ cụ thể từng bộ phận chuyên môn; rà soát các hợp đồng giao thầu đất, kiểm tra việc sử dụng đất, không để các đối tượng lợi dụng, sử dụng sai mục đích, khai thác trái phép đất, cát, đặc biệt trên các đồi, bãi ven sông.

Tổ chức làm việc yêu cầu các chủ mỏ, chủ đầu tư bãi tập kết trên địa bàn rà soát, bổ sung đầy đủ các mốc giới, cắm phao nổi khu vực được phép khai thác; cắm các biển cảnh báo đối với các điểm sạt lở, khu vực nguy hiểm... Đồng thời, có biện pháp để xử lý các điểm sạt lở bờ sông để hạn chế mất đất sản xuất nông nghiệp của Nhân dân. Tổ chức rà soát, giải toả, xử lý các điểm tập kết, kinh doanh khoáng sản trái phép, đặc biệt là các điểm tập kết cát, đất, đá trên đất nông nghiệp, đất ở gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự trên địa bàn xã.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa sau gần 14 năm thực hiện Luật Khoáng sản 2010: Công khai, minh bạch để khơi thông nguồn lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO