Bạn đọc - Pháp luật

Hoàn nguyên môi trường sau khai thác khoáng sản: Doanh nghiệp “chây ì” đến bao giờ? Bài 3: Bắc Kạn - Hiệu quả trong hoàn nguyên môi trường

Nhóm PV 22/09/2024 - 11:31

Bắc Kạn là tỉnh miền núi, khoáng sản chủ yếu phân bố ở các huyện: Chợ Đồn, Ngân Sơn, Na Rì, Chợ Mới… tuy địa hình phức tạp, khoáng sản phân bố không tập trung nhưng thời gian qua, hầu hết các mỏ khai thác khoáng sản xong đều được Sở Tài nguyên và Môi trường, các ban, ngành và địa phương giám sát, chỉ đạo đóng cửa mỏ và hoàn nguyên, cải tạo môi trường sau khai thác khoáng sản rất hiệu quả. Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Thanh Oai, Giám đốc Sở TN&MT

anh-bia-1-bai-3.jpg

PV: Thưa ông, được biết tỉnh Bắc Kạn làm công tác quản lý tài nguyên khoáng sản rất tốt, trong đó phải kể đến việc chỉ đạo, giám sát hoạt động đóng cửa mỏ, hoàn nguyên và cải tạo môi trường sau khai thác khoáng sản, ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?

Ông Hoàng Thanh Oai:

Trong khai thác khoáng sản, hoàn nguyên môi trường là một nội dung cần phải thực hiện sau khi giấy phép khai thác khoáng sản hết hạn nhằm đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường.

gd-hoang-thanh-oai.jpg
Ông Hoàng Thanh Oai, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bắc Kạn

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên khoáng sản nói chung và công tác đóng cửa mỏ nói riêng, tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng Đề án nâng cao hiệu quả quản lý quy hoạch, thăm dò, khai thác, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản, chống thất thu ngân sách từ hoạt động khoáng sản và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh; Xây dựng quy chế phối hợp trong công tác quản lý khoáng sản giữa các Sở, ngành, địa phương trong tỉnh và với các tỉnh giáp ranh; Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản cho các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh và cộng đồng dân cư nơi có mỏ khoáng sản…

Những năm qua, công tác đóng cửa mỏ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm, chỉ đạo. Các Sở, ngành và địa phương phối hợp đôn đốc, giám sát thường xuyên. Nhờ đó, về cơ bản công tác đóng cửa mỏ tại các mỏ khai thác đá, cát sỏi… trên địa bàn tỉnh sau khi kết thúc khai thác đều được thực hiện đầy đủ. Từ ngày 1/1/2017 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành 21 quyết định đóng cửa mỏ, một số mỏ đang được doanh nghiệp lập hồ sơ để trình cơ quan chức năng phê duyệt đóng cửa mỏ theo quy định.

Nhìn chung, vài năm gần đây, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sau khi hết hạn giấy phép khai thác đã thực hiện đầy đủ công tác đóng cửa mỏ theo quy định, đưa mỏ về trạng thái an toàn, cải tạo phục hồi môi trường, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác (đối với các mỏ còn khoáng sản) và bàn giao đất cho địa phương quản lý. Điển hình như huyện Na Rì, các mỏ khai thác vàng sa khoáng trước đây đã đóng cửa mỏ cải tạo phục hồi môi trường và bàn giao đất cho địa phương quản lý, sử dụng phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

dji_20240807111310_0015_d.jpg
Một điểm mỏ khai thác quặng sắt tại huyện Ngân Sơn đang được Sở TN&MT giám sát, đôn đốc đóng cửa mỏ theo quy định.

PV: Ngoài những kết quả tích cực đã đạt được, chắc thời gian qua tỉnh Bắc Kạn vẫn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc, thưa ông?

Ông Hoàng Thanh Oai:

Đúng vậy, một số doanh nghiệp còn chưa kịp thời thực hiện công tác đóng cửa mỏ dẫn đến các cơ quan nhà nước phải đôn đốc nhiều lần. Nguyên nhân là do doanh nghiệp chưa bố trí đầy đủ nhân lực, thiết bị để thực hiện và thời tiết không thuận lợi để thi công, nhất là vào mùa mưa, các mỏ cát sỏi thi công rất khó khăn do mực nước dâng cao không thể thực hiện các hạng mục như khơi thông dòng chảy hoặc gia cố bờ sông.

Ngoài ra, Luật Khoáng sản 2010 còn nhiều điều bất cập khiến cho công tác quản lý và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn nguyên môi trường, đóng cửa mỏ. Ví dụ như: Thời gian đóng cửa mỏ không được quy định trong thời hạn của giấy phép khai thác khoáng sản, mà được xác định trong đề án đóng cửa mỏ, việc này gây khó khăn cho công tác quản lý và việc thực hiện các nghĩa vụ của doanh nghiệp.

Hiện nay chưa có quy định cụ thể về việc lựa chọn tổ chức, cá nhân có đủ năng lực lập, thực hiện đề án đóng cửa mỏ khoáng sản và việc rút tiền ký quỹ để giao cho tổ chức, cá nhân được lựa chọn thực hiện đề án đóng cửa mỏ nên rất khó khăn khi thực hiện. Do đó, đề nghị sớm bổ sung, sửa đổi quy định chi tiết việc lựa chọn tổ chức, cá nhân lập đề án đóng cửa mỏ và thực hiện đề án đóng cửa mỏ trong trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 74 Luật Khoáng sản.

cai-tao-moi-truong-na-ri-xa-luong-thuong.jpg
Khai trường khai thác vàng tại xã Lương Thượng, huyện Na Rì đã được hoàn nguyên và bàn giao cho địa phương quản lý. Nay chính quyền đã giao người dân nhận thầu để nuôi thủy sản nước ngọt rất hiệu quả.

Bên cạnh đó, nhiều công trình nhà điều hành, nhà công nhân… của các công ty sau khi hết hạn khai thác khoáng sản và hoàn thành các thủ tục đóng cửa mỏ, hoàn nguyên và cải tạo môi trường nếu địa phương có nhu cầu sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế xã hội thì cơ quan soạn thảo Luật Địa chất và Khoáng sản (Sửa đổi) nên xem xét đưa vào luật cho hợp lý và tận dụng tài nguyên hiệu quả mà không gây lãng phí.

PV: Vậy giải pháp của tỉnh trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?

Ông Hoàng Thanh Oai:

Để quản lý tốt về lĩnh vực khai thác khoáng sản nói chung và hoàn nguyên môi trường sau khai thác khoáng sản nói riêng, thời gian tới Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh về công tác quản lý hoạt động khoáng sản đảm bảo theo đúng quy định của Luật Khoáng sản.

Trong đó triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung tại Kế hoạch số 187/KH-UBND ngày 16/3/2023 của UBND tỉnh về “Đề án nâng cao hiệu quả quản lý, quy hoạch, thăm dò, khai thác, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản, chống thất thu ngân sách từ hoạt động khoáng sản và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2023-2025”.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về khoáng sản, nhằm phổ biến các văn bản về khoáng sản đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, nâng cao ý thức trong quản lý, khai thác sử dụng khoáng sản hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả.

Việc cấp phép hoạt động khoáng sản thực hiện thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản, nhằm công khai, minh bạch. Đồng thời, quản lý chặt chẽ sản lượng theo giấy phép khai thác, tránh thất thoát tài nguyên khoáng sản.

dji_20240807110900_0006_d.jpg
“Đề án nâng cao hiệu quả quản lý, quy hoạch, thăm dò, khai thác, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản, chống thất thu ngân sách từ hoạt động khoáng sản và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2023-2025”, bước đầu đã đem lại hiệu quả nhất định.

Đảm bảo thu đủ, thu đúng và yêu cầu doanh nghiệp tham gia đầy đủ các nghĩa vụ tài chính với nhà nước theo quy định. Tích cực và chủ động bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.

Đối với công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản phải được đặc biệt quan tâm và xem đây là nhiệm vụ rất quan trọng, trong đó có công tác hoàn nguyên môi trường, yêu cầu các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động tuân thủ đầy đủ công tác bảo vệ môi trường, ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ hoàn nguyên môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản.

Song song với các hoạt động nêu trên là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động khoáng sản nhằm đảm bảo các đơn vị hoạt động khoáng sản chấp hành đầy đủ các quy định, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Để quản lý tốt hoạt động khoáng sản, trong đó có công tác hoàn nguyên môi trường, đóng cửa mỏ, cần có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp và các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Sở Tài nguyên và Môi trường hiện đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành 21 Quyết định đóng cửa mỏ đối với các mỏ hết thời hạn khai thác. Đối với các mỏ đã khai thác hết trữ lượng: Khu vực mỏ sau khi kết thúc khai thác được đưa về trạng thái an toàn; cải tạo, phục hồi môi trường. Sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định đóng cửa mỏ đã bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng. Còn đối với các khu vực chưa khai thác hết trữ lượng: Mục đích đóng cửa mỏ là để đảm bảo an toàn, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác - Ông Nguyễn Phúc Đán, Trưởng phòng Khoáng sản - Tài nguyên nước (Sở TN&MT tỉnh Bắc Kạn) chia sẻ.

Bài 4: Đại biểu Quốc hội nói về vấn đề hoàn nguyên

anh-tac-gia.jpg
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàn nguyên môi trường sau khai thác khoáng sản: Doanh nghiệp “chây ì” đến bao giờ? Bài 3: Bắc Kạn - Hiệu quả trong hoàn nguyên môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO