Quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường: Còn nhiều điểm nghẽn

04/10/2018 11:05

(TN&MT) - Tình trạng tranh chấp, vi phạm pháp luật đất đai trong các nông, lâm trường vẫn còn nhiều như lấn chiếm đất đai, cho thuê, cho mượn đất, chuyển đổi mục đích, chuyển nhượng đất trái pháp luật.

Thông tin này được đưa ra tại Hội thảo Kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 112/2015/QH13 về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do Hội đồng Dân tộc của Quốc hội vừa tổ chức tại Hà Nội.

Anh trang 8
Đất đai có nguồn gốc từ nông lâm trường là tài nguyên quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước

Kết quả còn khiêm tốn

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đánh giá cao việc Hội đồng Dân tộc tổ chức giám sát chuyên đề, đây là dịp để các cơ quan, tổ chức hữu quan và các chuyên gia tham gia ý kiến vào dự thảo báo cáo kết quả giám sát.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là một hoạt động mới, tiêu biểu, khi lần đầu tiên một cơ quan của Quốc hội tổ chức giám sát lại việc thực hiện Nghị quyết sau giám sát của Quốc hội. Điều đó, thể hiện sự quan tâm sát sao, trách nhiệm, theo đuổi đến cùng những vấn đề đã được chỉ ra sau khi Quốc hội tiến hành giám sát tối cao. Hội đồng Dân tộc đã rất chủ động, cầu thị, cởi mở trong tiếp cận vấn đề, tiếp nhận thông tin và tạo diễn đàn để trao đổi, lắng nghe ý kiến nhiều chiều trước khi có báo cáo chính thức.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, đất đai có nguồn gốc từ nông lâm trường là nguồn tài nguyên quý giá, quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, với diện tích 9.192.221 ha, chiếm 27,75% diện tích đất liền của cả nước. Năm 2015, Quốc hội đã tổ chức giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh và ban hành Nghị quyết 112/2015/QH13 yêu cầu Chính phủ thực hiện 5 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Qua 3 năm thực hiện, theo báo cáo của Hội đồng Dân tộc, tham luận của đại diện các Bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia cho thấy, với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp, nhiều nội dung của Nghị quyết 112 đã được tổ chức thực hiện và có kết quả bước đầu, những kết quả được thể hiện rõ trong dự thảo báo cáo của Hội đồng Dân tộc và đánh giá của các đại biểu đại diện cho các Bộ, ngành, địa phương.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng thẳng thắn nhìn nhận, những kết quả đạt được còn khiêm tốn, chưa đáp ứng kỳ vọng và yêu cầu đặt ra. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, Đề án tổng thể về sắp xếp, đổi mới và phát triển công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị định 118-CP cơ bản đã được thẩm định và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Tuy vậy, ở một số địa phương, một số tổng công ty chất lượng xây dựng đề án chưa cao, chưa sát với thực tế. Tình trạng tranh chấp, lấn chiếm, vi phạm pháp luật về đất đai có nguồn gốc nông lâm trường vẫn chưa được giải quyết triệt để, nhiều vụ việc còn kéo dài nhưng chưa có biện pháp xử lý. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về đất đai đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường chưa được thực hiện thường xuyên, triệt để; chưa phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm trong quản lý, sử dụng đất…

Đề xuất 10 nhóm giải pháp

Báo cáo tham luận tại Hội nghị, thay mặt Bộ TN&MT, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cho rằng, việc triển khai thực hiện Nghị quyết thời gian qua đã có tác động rất lớn đến tình hình an ninh - xã hội và phát triển kinh tế của khu vực có đất đai từ các nông, lâm trường quốc doanh, nơi có vị trí địa chính trị trọng điểm và sức lan tỏa tới các vùng lân cận và cả nước, cũng như từng bước hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai, hòa nhập vào Chính phủ điện tử; làm cơ sở để xử lý các tồn tại, hạn chế, vướng mắc, vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất; tăng cường hiệu lực quản lý, hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai hiện do các công ty nông, lâm nghiệp,...

Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa đã đề xuất 10 nhóm giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý đất đai, đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường trong thời gian tới.

Thứ nhất, rà soát các quy định của pháp luật về đất đai, lâm nghiệp; chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số;... để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn; tiếp tục hoàn thiện các văn bản triển khai, hướng dẫn chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 112/2015/QH13 của Quốc hội và Nghị định 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ; xử lý nghiêm khắc các vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, lấn chiếm, tranh chấp đất đai tại các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng.

Thứ hai, các địa phương quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện, cơ chế xây dựng, phát triển các mô hình quản trị doanh nghiệp, đổi mới mô hình quản lý các công ty nông, lâm nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ cao, gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng, địa phương.

Thứ ba, tiếp tục lập tổ công tác liên ngành xuống từng địa phương để khảo sát đánh giá về công tác quản lý đất đai và công tác quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường; tập trung thanh tra, kiểm tra quản lý sử dụng đất, trách nhiệm trong quản lý sử dụng đất nông, lâm trường.

Thứ tư, triển khai thực hiện nghiêm túc về xây dựng và thực hiện Đề án “Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP”, ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng theo yêu cầu tại Nghị quyết số 112/2015/NQ-QH13 của Quốc hội, trong đó, đặc biệt quan tâm đến phần đất các nông, lâm trường (bao gồm cả các công ty nông, lâm nghiệp) bàn giao về địa phương.

Thứ năm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, theo dõi sát sao, hướng dẫn các địa phương để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; tăng cường công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai, trong đó, quan tâm giải quyết dứt điểm tranh chấp, khiếu nại về đất đai giữa nông, lâm trường đối với người dân để giải quyết các vấn đề bức xúc xảy ra ở địa phương.

Thứ sáu, tăng cường chỉ đạo hướng dẫn, kiểm tra các địa phương, doanh nghiệp trong công tác quản lý đất đai, thực hiện rà soát, cắm mốc giới, đo đạc lập bản đồ địa chính, lập phương án sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đối với các ban quản lý rừng, các công ty nông, lâm nghiệp không thuộc diện thực hiện sắp xếp theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP.

Thứ bảy, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông, lâm nghiệp; bố trí đủ kinh phí thuộc nhiệm vụ của địa phương cho việc đo đạc, cắm mốc giới thực địa, đo vẽ lập bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Thứ tám, chủ động quy hoạch, xây dựng các điểm dân cư tập trung, quy định định mức diện tích đất ở vùng nông thôn; có kế hoạch khắc phục tình trạng di cư tự phát, dân cư trú phân tán trên diện rộng trong diện tích đất do các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng quản lý, sử dụng. Thực hiện ngay việc bàn giao mốc giới, ranh giới và cho thuê đất đối với phần diện tích mà nông, lâm trường giữ lại để quản lý, sử dụng để không xảy ra tình trạng tái lấn chiếm, tranh chấp.

Thứ chín, chủ động đề xuất các giải pháp, phương án sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động, hiệu quả sử dụng đất nông, lâm nghiệp của các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng. Phê duyệt phương án sử dụng đất đai đối với từng nông, lâm trường tại địa phương.

Thứ mười, thực hiện ngay việc lập phương án sử dụng đất đối phần diện tích mà nông, lâm trường bàn giao về địa phương để quản lý, sử dụng, giao cho các tổ chức, cá nhân thuê đất, ưu tiên giao cho các hộ gia đình tại địa phương thiếu đất ở, đất sản xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường: Còn nhiều điểm nghẽn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO