Gần 1 năm nay, cứ đến thứ 3 hàng tuần, bà Nguyễn Thị Hoa cùng nhiều bà con bán vé số, xe ôm… sẽ được nhận suất cơm miễn phí từ Hội phụ nữ phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng. Những suất cơm “0 đồng” nhưng đầy đủ dinh dưỡng là sự san sẻ với những người có thu nhập ít ỏi và không ổn định trong bối cảnh vật giá tăng cao.
Nhận hộp cơm ấm nóng được trao tận tay, bà Nguyễn Thị Hoa xúc động cho biết: Một bữa ăn ngoài đi mua cũng 15 đến 20 ngàn rồi. Nhận được hộp cơm miễn phí tôi vui lắm, như vầy là có thêm chút tiền để tiết kiệm. Mỗi lần ăn là những món ăn khác nhau, đồ ăn ngon lắm.
Chương trình bữa cơm “0 đồng” được thực hiện từ nguồn quỹ phân loại rác thải tại nguồn của Hội phụ nữ phường Hoà An, quận Cẩm Lệ cùng với sự hỗ trợ của các mạnh thường quân. Đây là hoạt động nhằm giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, người làm công việc xe ôm, lượm ve chai, bốc vác….có được bữa cơm ngon, đồng thời là lời động viên, an ủi tinh thần họ trong cuộc sống.
Bà Phan Thị Xuân An, Hội viên Hội phụ nữ phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng cho biết: Từ 6 giờ sáng, chị em ở phường Hòa An đã cùng nhau mỗi người một tay: Người soạn rau củ, người nấu cơm, người kho thịt gà và chuẩn bị cả nước uống. Ai nấy đều tất bật, vậy mà không người nào than mệt dù chỉ một câu.
Và thành quả với hàng trăm hộp cơm nhìn không chỉ đẹp mắt và vô cùng ngon miệng dành tặng đến bà con lao động nghèo. Khi những suất cơm được trao đi, người nhận thì ấm lòng còn người trao thì cũng không khỏi xúc động.
“Sau thời gian dịch COVID-19, trong xã hội có rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi đã nghĩ đến việc tạo bữa cơm 0 đồng từ nguồn quỹ phân loại rác, chị em thấy ý nghĩa nên hưởng ứng ngay. Một tuần chúng tôi nấu một lần, khoảng 80- 100 suất để giúp đỡ cho các hoàn cảnh khó khăn bán vé số, ve chai, công nhân bốc vác ở bến xe, giúp họ giảm được phần chi phí trong cuộc sống. Bản thân chúng tôi rất là vui, nhìn thấy sự hân hoan của bà con đến nhận, thật sự rất nhận bởi vì mình làm được một việc thiện, cho đi là nhận lại.”- bà An cho biết.
Để có nguồn kinh phí duy trì hoạt động bữa cơm “0 đồng”, các thành viên ở chi hội phụ nữ các tổ dân phố đã cùng nhau tổ chức phân loại rác tại nguồn sau đó tập trung đem bán gây quỹ. Nhìn thì có vẻ ít ỏi nhưng trên thực tế, số tiền bán được từ lượng rác sau khi phân loại lên đến hàng trăm, hàng triệu đồng. Nguồn quỹ này cùng với sự hỗ trợ của các mạnh thường quân đã mở ra các bữa ăn chất lượng. Tuy nói là cơm miễn phí, nhưng các chị, các cô luôn đặt chất lượng của những món ăn lên hàng đầu. Từ khâu lựa chọn thực phẩm, chế biến đến khi thành hộp trao tay đến người nghèo đều được các chị, các cô cẩn thận chăm chút.
Như vậy, mỗi người khi phân loại rác đã không chỉ chung tay với xã hội giảm ô nhiễm môi trường mà còn đang tạo ra những giá trị mới cho những vật thải tưởng chừng chỉ có thể bỏ đi.
Bà Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Phường Hòa An, Q. Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng cho biết: Trong những năm qua, Hội phụ nữ phường đã tổ chức nhiều hoạt động phân loại rác tại nguồn ở khu dân cư. Hoạt động này được duy trì thường xuyên mang lại nhiều hiệu quả gây quỹ để giúp trẻ em, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở khu phố, khu dân cư. Nhưng phải từ khi triển khai việc phân loại rác thải tại nguồn gây quỹ tạo bữa cơm “0 đồng”, chị em trong khu dân cư càng tích cực hưởng ứng. Cứ vào cuối tuần, chị em lại đến từng hộ gia đình lấy rác đã phân loại, nhiều khi chưa kịp đến là các gia đình đã gọi điện thoại. Không một ai từ chối việc thiện nguyện ý nghĩa này.
“Thật sự bếp ăn này rất có ý nghĩa, mặc dù mỗi suất cơm 0 đồng nếu tính thành tiền thì chỉ 15.000- 20.000 đồng thôi, nhưng đối với những người khó khăn nó rất lớn. Ngày trước thì chị em phụ nữ đi quanh xin thì rất là khó bởi vì họ không hiểu là xin để làm gì. Tuy nhiên sau một thời gian đi vận động thì nói được ý nghĩa mục đích của phân loại rác thải này, có một nguồn kinh phí để làm việc thiện nguyện thì người ta ủng hộ nhiệt tình.”- bà Hoa cho biết.
Từ những ý tưởng thiết thực đã khiến cho việc phân loại rác tại nguồn trở thành hoạt động gắn liền với hoạt động xã hội, nhân văn và ý nghĩa. Từ đó tạo nên sự đồng lòng của mỗi hộ dân, để không chỉ dừng lại ở việc đem rác vứt đi mà sẽ thành đem rác đi phân loại, đem rác đi gây quỹ rồi từng bước biến hoạt động phân loại rác thành thói quen tốt đẹp trong cộng đồng.