Hạ tầng quyết định cơ cấu
Mùa khô năm 2019 - 2020, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã xuất hiện sớm hơn so với mùa khô năm 2015 - 2016 (năm kỷ lục) ở mức độ gay gắt hơn. Từ đầu mùa khô đến nay, các đợt xâm nhập mặn liên tục xảy ra với mức cao. Nhiều cửa sông, độ mặn ở mức 4g/l (4 phần nghìn) đã ảnh hưởng sâu đến gần 100km ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xác định được tình trạng hạn, mặn có thể xảy ra trong năm nay nên ngay từ tháng 9/2019, Bộ đã yêu cầu các địa phương, đơn vị đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sửa chữa các công trình thủy lợi để kịp thời tham gia kiểm soát mặn, ngọt ngay trong mùa khô 2019 - 2020, đồng thời chuyển đổi đa dạng hóa cây trồng.
ĐBSCL chuyển đổi đa dạng hoá cây trồng để thích ứng với BĐKH. Ảnh minh hoạ |
Để tránh mặn trong sản xuất lúa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã hướng dẫn các địa phương xuống giống vụ Đông Xuân 2019 - 2020 sớm hơn so với thời vụ các năm từ 10 - 20 ngày. Đồng thời, các địa phương tổ chức chuyển đổi diện tích cây trồng trên đất lúa có nguy cơ hạn, xâm nhập mặn cao đạt 50.000ha. Ngoài ra, diện tích chủ động cắt vụ, giãn vụ đạt xấp xỉ 100.000ha.
Trước tình hình hạn, mặn diễn biến phức tạp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, Bộ đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các bộ, ngành khác lập Quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL. Trong quy hoạch này sẽ đưa ra tất cả cảnh báo, giải quyết bài toán về mặn, ngọt. Sản xuất nông nghiệp sẽ xoay trục từ cơ cấu sản xuất là lúa - trái cây - thủy sản sang thủy sản - trái cây - lúa từ sau năm 2020. Như vậy, lúa sẽ giảm, tăng trái cây, đặc biệt là thủy sản.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, muốn xoay được trục này phải tận dụng được cơ hội, xác định nước ngọt, nước lợ, nước mặn đều là tài nguyên. Cùng với đó, hạ tầng nông nghiệp phải phục vụ được nhiệm vụ này. Nếu thủy lợi không phục vụ được thì không làm được vì hạ tầng quyết định tái cơ cấu.
Nghị quyết 120/NQ-CP (NQ 120) của Chính phủ ngày 17.11.2017 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH) sẽ góp phần quan trọng định hướng phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và toàn vùng ĐBSCL trong thời gian tới. Tuy nhiên, để bảo đảm thực hiện thành công mục tiêu này, ngoài việc phát huy tiềm năng sẵn có cần dựa trên hạ tầng cơ sở, trên nền tảng của những công trình thủy lợi đã và sẽ hình thành trong tương lai.
Chủ động thích ứng
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, đặc thù các vùng sản xuất nông nghiệp của tỉnh rất dễ bị tổn thương bởi tình hình biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp vào mùa khô. Trước tình hình này, ngoài việc triển khai thực hiện các giải pháp công trình ứng phó, Hậu Giang cũng đẩy mạnh việc chuyển đổi mô hình sản xuất ở những nơi có điều kiện và đã có hàng trăm mô hình sản xuất thủy sản, cây trồng, rau màu mang lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt là linh hoạt hướng dẫn người dân tận dụng nguồn nước mặn, lợ để nuôi tôm, trồng cây ăn trái thích ứng với vùng bị nhiễm phèn, mặn.
Hay ở Kiên Giang, với hai thế mạnh kinh tế chủ lực là cây lúa và thủy sản, đã và đang định hình để tập trung sản xuất theo hướng an toàn, bền vững, hiệu quả theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ theo Nghị quyết 120. Tỉnh đã chủ động rà soát, xây dựng, triển khai các quy hoạch, kế hoạch phát triển hai lĩnh vực lúa và thủy sản phù hợp với điều kiện nguồn lực, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Mặc dù vậy, thời gian qua, việc các địa phương phát triển các ô đê bao khép kín để trồng lúa vụ ba, các công trình thủy lợi thoát lũ biển Tây đã làm mất đi vai trò chứa và điều tiết nước của hai túi nước ở vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên dẫn đến khô hạn và xâm nhập mặn ngày càng gay gắt vào mùa khô. Do vậy, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần đánh giá lại tính hiệu quả về kinh tế - xã hội của các công trình thủy lợi trái với quy luật tự nhiên để có hướng giải quyết thích ứng với đặc điểm sinh thái của vùng ĐBSCL.
Có nghĩa là, ngoài chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo Nghị quyết 120, giải pháp căn cơ nhất cho tình trạng hạn - mặn trong khu vực là phải phát triển thích ứng tự nhiên.
Nghị quyết 120 đã xác định rõ tầm quan trọng phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi của nông dân phải thích ứng điều kiện thiên nhiên. Nghị quyết này cũng nêu rõ, nước mặn cũng là một nguồn tài nguyên cần khai thác phục vụ quá trình phát triển. Do vậy, Chính phủ, các bộ, ngành cần có chiến lược phát triển ĐBSCL thích ứng với điều kiện tự nhiên, cần tôn trọng yếu tố thiên nhiên, văn hóa của cư dân vùng sông nước.
Khi triển khai thực hiện các dự án, công trình ngăn mặn trữ ngọt và các công trình giao thông thủy lợi trong vùng ĐBSCL, cần tôn trọng yếu tố tự nhiên “thuận thiên” để không phải hối tiếc như một số công trình thủy lợi đã triển khai trước đây đã làm thay đổi điều kiện tự nhiên mà nay khó có thể phục hồi.