Phát triển nhiệt điện ở ĐBSCL: Nhiều hệ lụy

28/03/2017 00:00

(TN&MT) - Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, vào năm 2030, tại Đồng bằng sông Cửu Long, nơi vốn đang chịu tổn thương nặng nề do biến đổi khí hậu và tác động của việc dùng nước trên thượng nguồn, sẽ có tới 15 nhà máy nhiệt điện. Nếu thực hiện đúng quy hoạch, đây có thể sẽ trở thành khu vực đáng báo động về  nguy cơ ô nhiễm.

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, các nhà máy này nằm dọc theo tuyến sông Hậu từ thành phố Cần Thơ xuống tỉnh Hậu Giang và tiếp ra đến cửa biển giữa hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh.  Ngoài các nhà máy này, ở ĐBSCL còn có các nhà máy nhiệt điện dự kiến được xây dựng ở Long An (Long An I và II, với công suất lắp đặt 1.200 MW/nhà máy) và Bạc Liêu (1.200 MW).

Bên cạnh đó, ở Cà Mau còn có 2 dự án nhiệt điện (Cà Mau I và Cà Mau II) nằm trong tổ hợp khí - điện - đạm với công suất ước tính mỗi nhà máy là 750 MW khi đốt khí; 669,8 MW khi đốt dầu DO.

Với quy mô phát triển công nghiệp năng lượng như vậy, từ nay đến năm 2030, vùng ĐBSCL sẽ trở thành một trong những khu vực có mật độ nhiệt điện cao so với cả nước. Hầu hết các nhà máy nhiệt điện ở ĐBSCL đều dùng nhiên liệu chính là than, số ít dùng dầu DO và khí đốt.

Trong các nguồn nhiên liệu hóa thạch dùng để phát triển, than là loại chất đốt gây ô nhiễm không khí cao nhất, kể cả chất thải rắn và lỏng phát sinh trong quá trình sản xuất điện năng. Điều này dấy lên những lo ngại trong cộng đồng dân cư và các nhà khoa học, các tổ chức hoạt động môi trường và xã hội.

Theo nghiên cứu của GreenID và UNDP tại Việt Nam, trên phương diện phát triển kinh tế, ĐBSCL là vùng kinh tế ít sử dụng điện vì đây là khu vực sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản lớn nhất nước, người dân cũng đa phần là nông dân có thu nhập thấp và ở vùng nông thôn chiếm 70% dân số. Nơi đây có đặc điểm đa dạng sinh học cao, nhiều khu đất ngập nước, dự trữ sinh quyển, dự trữ quốc gia nên đặc biệt nhạy cảm với ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí.

Thực tế, việc thu hẹp diện tích đất tại đây sẽ trực tiếp đánh vào an ninh lương thực và xã hội của đất nước. Khu vực này do phù sa bồi tụ nên có kết cấu đất rất yếu. Thi công các nhà máy công nghiệp nặng lên vùng địa chất yếu sẽ rất tốn chi phí nền móng công trình và khối lượng lớn cát đá san lấp. Chi phí này cao hơn rất nhiều so với tiền đền bù đất đai nếu so với làm công trình ở những vùng khác có cấu trúc địa chất cứng chắc hơn và nguồn vật liệu xây dựng gần hơn.

Bên cạnh đó, các nhà máy nhiệt điện xây dựng ở gần bờ biển nên nhiều nguy cơ hư hỏng do xâm thực biển rất cao. Một ví dụ điển hình là Nhà máy nhiệt điện Duyên hải 1 ở Trà Vinh, khi xây dựng phải hút cát ven biển để đắp nền cho nhà máy với khối lượng khổng lồ là 26 triệu m3 cát. Việc làm rút cát ven biển này cộng thêm diễn biến của biến đổi khí hậu đã khiến tình trạng sạt lở ven biển Trà Vinh thêm mãnh liệt, nhất là đoạn nhà máy và kéo dài cả 14km đường bờ biển chung quanh. Hệ quả là tỉnh Trà Vinh phải bỏ ra hàng trăm tỉ đồng làm kè gia cố đường bờ để đối phó với xâm thực biển đang xảy ra, nhưng đây lại chỉ là giải pháp tạm thời.

Vy Huyền

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển nhiệt điện ở ĐBSCL: Nhiều hệ lụy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO