Biến đổi khí hậu

Phát triển bền vững ĐBSCL: 1 triệu hecta lúa chất lượng cao phát thải thấp

Lê Hùng 01/01/2024 - 09:15

(TN&MT) - Đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh không chỉ giúp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng sản lượng lúa gạo, tăng thu nhập cho người nông dân trồng lúa mà còn góp phần hiện thực hóa mục tiêu thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính theo lộ trình thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.

Tạo sinh kế và phát triển bền vững vùng ĐBSCL

Lịch sử ngành lúa gạo vùng ĐBSCL đã ghi nhận nhiều thành công, góp phần quan trọng khẳng định thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế. Qua thống kê của ngành chức năng cho thấy, những năm gần đây, sản lượng lúa sản xuất tại vùng ĐBSCL luôn ổn định ở mức từ 24 - 25 triệu tấn, chiếm trên 50% sản lượng lúa sản xuất và trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước; đồng thời tạo việc làm và tăng thu nhập cho hàng triệu hộ sản xuất nông nghiệp trong vùng. Tuy nhiên, sản xuất lúa gạo vùng ĐBSCL cũng đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức liên quan tới biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng thế giới.

a1-dbscl.jpg
Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao hứa hẹn sẽ giúp vùng ĐBSCL ngày càng phát triển thịnh vượng, bền vững.

Để giải quyết những thách thức, khó khăn nêu trên, góp phần phát triển bền vững vùng ĐBSCL, Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 với mục tiêu hình thành vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.

Mới đây, phát biểu tại buổi lễ phát động Đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 tại tỉnh Hậu Giang, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết: Trong quá trình triển khai Đề án, sẽ thực hiện thí điểm chính sách mới như chi trả tín chỉ các-bon dựa trên kết quả; tập trung vào sản xuất phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh; phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, tận dụng tối đa phụ phẩm từ sản xuất lúa gạo; khai thác đa giá trị, tạo ra nhiều sản phẩm chế biến từ lúa gạo,... Các thí điểm thành công tại vùng ĐBSCL sẽ được mở rộng ra toàn quốc, hướng tới mục tiêu đưa phát triển xanh, giảm phát thải, chất lượng cao trở thành thương hiệu của ngành lúa gạo Việt Nam.

“Từ những chính sách mới và đột phá của Đề án sẽ hướng tới mục tiêu quan trọng nhất là tạo sinh kế và định hướng phát triển bền vững cho người nông dân trồng lúa - là chủ thể, nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn và quá trình triển khai Đề án này chính là từng nấc thang đưa người trồng lúa đến với sự thịnh vượng…”, ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Chia sẻ với phóng viên Báo TN&MT về Đề án phát triển 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, PGS. TS Lê Anh Tuấn - Giảng viên cao cấp Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, chiến lược sản xuất ít đi nhưng lợi nhuận ròng tăng lên nhờ giảm đầu tư đầu vào, tăng cải thiện chất lượng qua việc ứng dụng tiến bộ sinh học, thực hành nông nghiệp tiên tiến, tăng cường chế biến nông sản và quản lý tài nguyên hợp lý… Đây được xem như là những bước đi hứa hẹn để một lần nữa, vùng ĐBSCL thể hiện vai trò tiên phong trong sản xuất nông nghiệp và nâng cao chất lượng cuộc sống.

PGS. TS Lê Anh Tuấn kỳ vọng: “Thông qua ứng dụng đa dạng hóa sản xuất, chế biến, tiếp thị thị trường xuất khẩu hàng chất lượng cao, ĐBSCL - vùng đất vốn trước đây được mệnh danh là vựa lúa số 1 của cả nước đang hứa hẹn sự trỗi dậy, trở thành vùng đất phát triển nguồn năng lượng tái tạo, sản xuất sạch hơn, là vùng đạt Net Zero sớm nhất cả nước”.

Hình thành nhiều cánh đồng phát thải thấp

Những chính sách mới và đột phá của Đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 không chỉ tạo sinh kế cho người dân mà còn định hướng phát triển bền vững vùng ĐBSCL. Do vậy, hiện nay các cấp chính quyền, hợp tác xã, người dân các địa phương vùng ĐBSCL đang vào cuộc quyết liệt để góp phần thực hiện thành công Đề án.

a2-dbscl.jpg
Thời gian tới, vùng ĐBSCL sẽ có nhiều hơn những cánh đồng phát thải thấp

Tại Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 mới đây, ông Đồng Văn Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết: Tỉnh Hậu Giang rất phấn khởi khi Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Để triển khai hiệu quả Đề án, tỉnh Hậu Giang đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền để mỗi cơ quan, đơn vị, hợp tác xã, người dân thấy được quyền lợi và trách nhiệm của mình; đồng thời tập trung nguồn lực hỗ trợ các địa phương thực hiện Đề án. Hậu Giang đặt mục tiêu trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, sẽ có 28.000 hecta sản xuất lúa chất lượng cao và đến năm 2030, tăng lên 46.000 hecta.

Chung tay cùng các địa phương vùng ĐBSCL triển khai Đề án, TP. Cần Thơ đã và đang tập trung vận động nông dân tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi; tuần hoàn rơm rạ sau thu hoạch. Thành phố cũng đã xây dựng kế hoạch tham gia Đề án với lộ trình đến năm 2025 sẽ có 27.000 hecta diện tích sản xuất lúa chất lượng cao và đến năm 2030 sẽ đạt 50.000 hecta.

Theo ngành chức năng TP. Cần Thơ, hiện nay thành phố đã có 34.000 hecta lúa tại các hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) và một số cánh đồng mẫu lớn áp dụng kỹ thuật canh tác “1 phải 5 giảm”, “3 giảm 3 tăng”, VietGAP, GlobalGAP,… đây là điều kiện giúp thành phố thực hiện thành công Đề án theo lộ trình đề ra.

Còn tại tỉnh Sóc Trăng, địa phương cũng đang tích cực thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta lúa chất lượng cao thông qua việc xây dựng các vùng chuyên canh lúa và đề ra lộ trình đến năm 2025, sẽ có 38.000 hecta và đến năm 2030, tăng lên 72.000 hecta lúa tham gia vào Đề án. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, Đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL sẽ góp phần nâng cao sản lượng lúa chất lượng cao của tỉnh, nâng cao thu nhập cho nông dân trồng lúa và các thành viên hợp tác xã; giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực sản xuất lúa.

Trong những ngày vừa qua, Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Kiến Thành, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang thường xuyên phổ biến cho các xã viên nắm bắt đầy đủ nội dung Đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL; đồng thời, tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng triển khai mở rộng diện sản xuất lúa chất lượng cao tại Hợp tác xã.

Ông Huỳnh Văn Dũng - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Kiến Thành cho biết: Hợp tác xã có tổng cộng 200 hecta sản xuất lúa, trong đó có 100 hecta sản xuất theo hướng hữu cơ. Hiện nay 100 hecta còn lại đang được Hợp tác xã xây dựng kế hoạch sản xuất lúa theo quy trình canh tác bền vững như “1 phải 5 giảm”; giảm lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học; giảm lượng nước tưới so với canh tác truyền thống; tái sử dụng rơm rạ sau thu hoạch, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho các xã viên, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển bền vững ĐBSCL: 1 triệu hecta lúa chất lượng cao phát thải thấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO