Nồng độ CO2 cao kỷ lục bất chấp phong tỏa do COVID-19

Khánh Ly| 24/11/2020 13:47

(TN&MT) - Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) vừa công bố bản tin khí nhà kính mới nhất. Các nghiên cứu cho thấy, dù sản xuất công nghiệp suy giảm toàn cầu do đại dịch COVID-19 nhưng vẫn không kiềm chế được nồng độ khí nhà kính trong bầu khí quyển tăng kỷ lục. Kéo theo đó là sự tăng nhiệt độ và thời tiết khắc nghiệt hơn, băng tan, mực nước biển dâng và axit hóa đại dương.

Qua theo dõi, nồng độ CO2 đã vi phạm nghiêm trọng ngưỡng cho phép 400 ppm, đạt mức 410 ppm vào năm 2019 và tiếp tục tăng trong năm 2020. Đây là kết quả của tích lũy phát thải trong quá khứ và hiện tại.

“CO2 tồn tại trong khí quyển hàng thế kỷ và trong đại dương thậm chí lâu hơn. Lần cuối cùng Trái đất có nồng độ CO2 tương đương là cách đây 3 - 5 triệu năm, khiến nhiệt độ ấm hơn 2 - 3° C và mực nước biển cao hơn hiện tại 10 - 20 mét. Nhưng trên Trái đất khi đó không có 7,7 tỷ dân” - Giáo sư Petteri Taalas, Tổng thư ký WMO cho biết.

Lực phóng xạ trong không khí của các loại khí nhà kính tồn lại lâu dài và cập nhật năm 2019. Số liệu từ chỉ số khí nhà kính hàng năm của Cơ quan quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ

Các đợt phong tỏa đã giúp cắt giảm lượng khí thải, nhưng điều này cũng không tác động lớn đến nồng độ CO2 trên thực tế. Kể từ năm 1990, tổng lực bức xạ gây hiệu ứng ấm lên của khí hậu đã tăng 45% và khí CO2 chiếm 4/5 trong số này.

“Chúng ta đã vi phạm ngưỡng toàn cầu là 400 ppm vào năm 2015. Và chỉ 4 năm sau,chúng ta đã vượt qua 410 ppm. Tốc độ gia tăng kỷ lục khiến sự sụt giảm lượng khí thải liên quan đến các đợt phong tỏa chỉ là một đốm sáng nhỏ trên đồ thị dài hạn. Chúng ta cần phải làm phẳng đường cong một cách bền vững” Giáo sư Taalas nói.

Dự án Các-bon Toàn cầu ước tính, trong giai đoạn phong tỏa căng thẳng nhất, lượng khí thải CO2 hàng ngày có thể đã giảm tới 17% trên toàn cầu. Việc giảm phát thải ở quy mô này khiến tốc độ tăng lượng CO2 trong khí quyển sẽ thấp hơn khoảng 0,08 - 0,23 ppm mỗi năm. Điều này nằm trong khoảng thay đổi tự nhiên hàng năm 1 ppm - có nghĩa rằng về ngắn hạn, không thể phân biệt được tác động của các lệnh hạn chế do COVID-19 với biến thiên tự nhiên, theo bản tin của WMO.

“Đại dịch COVID-19 không phải là giải pháp cho biến đổi khí hậu, nhưng cho chúng ta một nền tảng cho hành động khí hậu bền vững và đầy tham vọng hơn. Mục tiêu nhằm giảm lượng khí thải nhà kính về 0 thông qua chuyển đổi hoàn toàn các hệ thống công nghiệp, năng lượng và giao thông. Điều đáng mừng là ngày càng có nhiều quốc gia và các công ty đã cam kết trung lập cac-bon”. Tổng thư ký WMO nhấn mạnh.

Tháng 12 tới, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc sẽ công bố Báo cáo Khoảng cách phát thải riêng biệt và bổ sung. Trong đó sẽ có đánh giá các nghiên cứu khoa học mới nhất về phát thải khí nhà kính hiện tại và ước tính trong tương lai. Cũng trong tháng này, Dự án Các-bon Toàn cầu sẽ công bố bản cập nhật hàng năm về ngân sách các-bon toàn cầu và xu hướng những năm tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nồng độ CO2 cao kỷ lục bất chấp phong tỏa do COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO