Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) vừa phối hợp với Viện Sinh thái và Bảo vệ Công trình (WIP) tổ chức hội thảo "Nghiên cứu xây dựng phương pháp tính toán khả năng hấp thụ CO2 của cây xanh" giúp Petrovietnam và các đơn vị thành viên lựa chọn loại cây trồng phù hợp, đảm bảo mục tiêu cân bằng CO2.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, Việt Nam đang phải chịu những tác động nghiêm trọng từ thiên tai, nguyên nhân một phần do mất đi những cánh rừng phòng hộ,... Nhận thấy tầm quan trọng của cây xanh trong ứng phó với các thảm họa thiên nhiên và bảo vệ môi trường, năm 2022, Petrovietnam đã phát động toàn thể cán bộ nhân viên, người lao động dầu khí trồng 3 triệu cây xanh trên các công trình, địa phương có hoạt động dầu khí giai đoạn 2022 - 2025.
Đối với các doanh nghiệp như Petrovietnam, việc trồng cây, gây rừng không chỉ là trách nhiệm với xã hội mà còn khẳng định ý thức bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, góp phần cùng cả nước đạt được cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.
Hội thảo "Nghiên cứu xây dựng phương pháp tính toán khả năng hấp thụ CO2 của cây xanh" có nghĩa quan trọng góp phần xây dựng căn cứ, tiêu chí, cơ sở khoa học giúp Petrovietnam và các đơn vị thành viên lựa chọn các loại cây phù hợp với thổ nhưỡng, có khả năng hấp thụ CO2 cao.
Tại Hội thảo, các đại biểu của Viện Sinh thái và Bảo vệ Công trình (WIP) và Tổng Công Ty Thăm Dò Khai Thác Dầu Khí (PVEP) đã tham luận về các chủ đề: Khả năng hấp thụ CO2 của cây; các phương pháp định lượng khả năng hấp thụ CO2 thường được dùng; đánh giá kết quả trồng cây của Petrovietnam và các đơn vị thành viên; tiêu chí lựa chọn loài cây phù hợp với thổ nhưỡng.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Đặng Ngọc Bích - Nghiên cứu viên WIP cho biết, Việt Nam có diện tích rừng chiếm khoảng 42% diện tích đất liền với đa dạng các loài thực vật có khả năng hấp thụ CO2. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những cây có khả năng hấp thụ CO2 >100MgC/ha/năm ở Việt Nam và trên thế giới thuộc vào chi Bạch đàn, Keo; đặc biệt, các cây ngập mặn có khả năng hấp thụ CO2 rất cao.
Bàn về các phương pháp định lượng khả năng hấp thụ CO2 của một số loài cây thường được sử dụng trên thế giới và Việt Nam, bà Nguyễn Nguyên Hằng - Nghiên cứu viên chính WIP đề xuất lựa chọn công nghệ Scan 3D để xác định sinh khối và trữ lượng carbon cho rừng và từng loài cây cụ thể. Áp dụng phương pháp này sẽ rút ngắn được thời gian nghiên cứu, ghi số liệu một cách nhanh chóng, chi tiết với độ chính xác cao.
Sau khi khảo sát thực tế tại các địa phương, bà Trần Thanh Hải - Phó trưởng phòng Bảo vệ Môi trường và Chuyển dịch năng lượng PVEP kiến nghị, trong các dự án trồng cây, Tập đoàn nên có đề xuất làm việc với cơ quan chức năng để có thể được bố trí quỹ đất trồng lớn, liền thửa, ưu tiên cho các địa phương đã tiếp cận và đã có kinh nghiệm về việc triển khai dịch vụ môi trường cho giảm phát thải, quy đổi tín chỉ Carbon. Đồng thời, các công trình trồng rừng có quy mô nên phối hợp với đơn vị có chuyên môn chăm sóc và bảo vệ cây trong các năm đầu để cho tỷ lệ cây sống sót cao.
Bà Lê Hạnh Chi - Phó Giám đốc Trung tâm sinh thái bảo vệ hồ chứa nước WIP cho biết, trong tổng số 55 loài thường trồng tại Việt Nam, có 32 loài có khả năng hấp thụ CO2 cao, tính cho 1 cây trồng hoặc 1 ha rừng trồng thuần loài. Các loài cây được lựa chọn đều thuộc danh mục các cây trồng lâm nghiệp chính, được định hướng trồng và đã được trồng tại địa phương áp dụng cho rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Đây là một trong những thuận lợi để triển khai tại khu vực mà Petrovietnam đã khảo sát trồng rừng.
Kết thúc phần tham luận, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi và thảo luận các vấn đề liên quan đến mục tiêu, chương trình trồng cây của Petrovietnam.
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển đánh giá cao việc Petrovietnam - một trong những Tập đoàn hàng đầu đất nước đang tích cực xây dựng và triển khai các chương trình xã hội, hướng tới bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện mục tiêu trồng 3 triệu cây xanh, Petrovietnam phải xác định rõ mục đích trồng cây bổ sung hay trồng mới hoàn toàn và địa điểm trồng ở đâu. Ông Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, việc Petrovietnam trồng cây tại các khu vực nhà máy, công trình sẽ góp phần làm xanh hóa không gian nhưng cần phải lưu ý thiết kế hợp lý và khoa học.
Ông Lê Văn Bình - đại diện Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho biết, qua phần tham luận có thể thấy các phương pháp được đề xuất để kiểm kê, xác định sinh khối, trữ lượng rừng rất phù hợp với bối cảnh. Tuy nhiên, phương pháp Scan 3D chỉ dùng khi đo sinh khối của rừng không được chặt hạ, do đó nếu Petrovietnam muốn tính mật độ rừng cần trồng một cách đơn giản và chính xác nhất, hãy sử dụng phương pháp truyền thống là chặt một cây sau đó đem cân và đo đạc.
Bà Vũ Thục Hiền - đại diện Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyền Việt Nam lưu ý, Petrovietnam cần cân nhắc không chỉ trồng rừng mà hãy đầu tư vào các khu dự trữ sinh quyển, trồng cây ở những vị trí xói lở để giữ đất và trồng rừng ngập mặn,... Bên cạnh đó, cần nghiên cứu sâu hơn nữa để lựa chọn các cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng để đảm bảo tỷ lệ cây sống sót cao.