Nơi xuất phát của “Ba Đình Hà Nội”

01/09/2019 14:01

(TN&MT) - Ngày 2/9, tròn 74 năm nước Việt Nam độc lập. Và cũng ngày này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, mà chính nhân dân Việt Nam vùng dậy đấu tranh để quyết định vận mệnh của dân tộc. 74 năm trôi qua, bốn chữ “Vườn hoa Ba Đình” đã in sâu vào tâm khảm và trở thành niềm tự hào của triệu triệu trái tim người dân Việt Nam, nhưng không phải ai cũng tường tận “Ba Đình” có nguồn gốc từ đâu? Tại sao lại gọi là “Ba Đình Hà Nội”.

anh 3,
Vòng xuyến Puginier trước khi đổi tên thành Vườn hoa Ba Đình. Ảnh: TL

1. Tôi đem thắc mắc này xin thỉnh giáo Giáo sư Lê Văn Lan trong một lần gặp ông đến Bộ Tư lệnh Hải quân (Hải Phòng). Bên bàn trà nóng ở nhà khách Hải Thành, Giáo sư Lan bảo: “Ngay đến người Hà Nội gốc cũng hiểu không tường tận hoặc hiểu không đúng về Ba Đình, mặc dù nó đậm ý lịch sử và xuất hiện ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 tại Hà Nội”.

Theo Giáo sư Lê Văn Lan, tên Ba Đình là địa danh xã Ba Đình ngày nay của huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hóa. Ba Đình gắn liền với cuộc Khởi nghĩa Ba Đình do Đinh Công Tráng cầm quân trong hai năm 1886 - 1887 dưới thời Cần Vương chống thực dân Pháp xâm lược cuối thế kỷ XIX. Trước khi phiên hiệu “xã Ba Đình” ra đời, ở vùng đồng chiêm trũng ngày ấy có ba làng Mỹ Khê, Hương Thọ và Mậu Thịnh, với đông đúc người dân sinh sống tại đây. Mỗi làng có một ngôi đình, được xây ở vị trí tiện lợi quan sát, không có vật chắn phía trước. Đứng từ đình của làng Mỹ Khê, có thể bao quát được bốn hướng và dứt khoát phải nhìn thấy ngôi đình của làng Hương Thọ và Mậu Thịnh. Quanh địa thế của ba ngôi đình lúc đó là vùng lầy chiêm trũng, vì vậy, mỗi năm mùa mưa đến, mỗi ngôi đình như một ốc đảo nhỏ giữa mênh mông đồng nước. Đến được đình, ngoài đi theo con đường độc đạo thì không có con đường nào khác.

Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp ồ ạt xâm lược nước ta trên diện rộng. Nhân dân tỉnh Thanh Hóa lúc đó nói chung và dân nghèo huyện Trung Sơn (nay là huyện Nga Sơn), trong đó, có người dân ở ba làng Mỹ Khê, Hương Thọ và Mậu Thịnh vùng dậy đấu tranh chống Pháp. Nổi bật cuộc tranh thời ấy là Phong trào Cần Vương. Trước sự đàn áp bóc lột của thực dân Pháp, các thủ lĩnh như Phạm Bành, Đinh Công Tráng đã họp các tướng lĩnh, trình bày kế hoạch xây dựng căn cứ Ba Đình. Các ông đã kêu gọi người dân góp tre, rơm rạ để xây dựng căn cứ công sự. Nhân dân thấy yên lòng hiếu nghĩa vì nước của nghĩa quân Đinh Công Tráng, người dân ở ba làng Mỹ Khê, Thượng Thọ và Mậu Thịnh đã nhường lại nhà cửa, vườn tược, chuyển đi ở nơi khác để nghĩa quân xây dựng căn cứ. Nhờ tinh thần yêu nước và sự đóng góp to lớn của nhân dân, chỉ trong vòng một tháng, căn cứ Ba Đình đã được xây dựng thành một cụm cứ điểm chiến đấu hết sức kiên cố sẵn sàng chống Pháp. Và cũng chính từ căn cứ này, nhiều nghĩa sĩ, người dân đã chiến đấu anh dũng và hi sinh tại đây, trong đó có anh hùng Đinh Công Tráng.

Tháng 7/1945, Hà Nội tiến hành đổi tên một số đường, trong đó có “chỉ thị”, đổi một số tên đường có chữ tây thành tên đường mang chữ ta, trong đó, vườn hoa Puginier trước Phủ Toàn quyền được đổi tên thành Vườn hoa Ba Đình. Người đổi tên các tuyến đường lúc bấy giờ là bác sĩ Trần Văn Lai, ông là người Việt Nam đầu tiên giữ chức danh Thị trưởng Hà Nội lúc đó.

 Dưới thời Pháp thuộc, trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, địa danh nơi đây chỉ là một khu gồm những bãi đất hoang và hồ ao rộng tới hàng chục hecta cạnh Phủ Toàn quyền Pháp. Phủ Toàn quyền Pháp lúc đó có tên là Quảng trường Tròn (Rond point Puginier) hay còn gọi là Quảng trường PUGINIER (tên của một Linh mục người Pháp). Một thời gian dài, Quảng trường Tròn đã được các kiến trúc sư người Pháp là HEBRAT và CERRUTI đưa ra các quy hoạch tổng thể và cải tạo lại Quảng trường này. Giải thích về tại sao phải đổi tên đường, Giáo sư Lê Văn Lan cho biết: “Hầu hết các tên đường lúc đó ở Hà Nội đều tây hóa, nghĩa là đặt theo tiếng Pháp, do người Pháp đặt. Ví dụ Phủ Toàn quyền (nay là Phủ Chủ tịch) đặt là Merlin, mang đậm chất lịch sử văn hóa Pháp, trong khi đó, những người yêu nước, người có công, nghĩa sĩ của ta thì không được vinh danh. Vì vậy, việc đặt tên đường, tên phố ở Hà Nội lúc đó là một cải cách có ý nghĩa và tiếng vang lớn”. 

Sau khi bác sĩ Trần Văn Lai qua đời, ngày 30/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời bác sĩ Trần Duy Hưng làm Thị trưởng Hà Nội. Một trong những công việc mà cụ Trần Duy Hưng được giao nhiệm vụ lúc đó là tiếp tục công việc cụ Trần Văn Lai đã làm. Tức là xây dựng dự án và ra quyết định duyệt y việc đổi tên và đặt tên toàn bộ các đường phố và công trình công cộng của Thủ đô Hà Nội theo nguyên: tắc xóa bỏ tàn tích thực dân, tôn vinh các chiến công và danh nhân Việt Nam, bảo tồn các địa danh truyền thống, trong đó, có tên của các phố, phường trong khu phố cổ và tiếp thu có điều chỉnh những quyết định của người đi trước mình.

anh 1 ,
Tác giả (bên phải) trao đổi với Giáo sư Lê Văn Lan về tên gọi Ba Đình tại Hải Phòng. Ảnh: Thu Hương

2. Trước ngày 2/9/1945, Vườn hoa Ba Đình đã thành địa điểm lịch sử khi được chọn để xây dựng lễ đài. Lễ đài ấy, ngay trên cổ có bồn hoa cỏ hình tròn, có vòng xuyến rộng rãi. Đây chính là nơi hội tụ nửa triệu người lúc đó làm lễ “Thề độc lập”. Và tại đây, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ, khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, công bố Chính phủ Việt Nam lâm thời ra mắt trước quốc dân đồng bào.

Vườn hoa Ba Đình lúc đó là nơi “Lễ trường hàng ngày” của người dân Hà Nội, và sau sự kiện “Thề độc lập” tại đó, Ủy ban Hành chính Hà Nội đã quyết định đổi tên chính thức Vườn hoa Ba Đình thành Vườn hoa Độc Lập. Đến thời gian thực dân Pháp trở lại tạm chiếm Hà Nội ( 1947 - 1954), Thị trưởng Hà Nội là dược sĩ Thẩm Hoàng Tín đã đổi tên Vườn hoa Độc lập thành Vườn hoa Hồng Bàng. Dược sĩ Thẩm Hoàng cho rằng, đổi như vậy cho xứng  hợp với tên con đường Hùng Vương chạy dọc hướng Bắc - Năm kéo dài từ Hồ Tây qua. Mãi đến sau ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), Bộ Tuyên truyền nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa mới ra quyết định đổi tên gọi lại Vườn hoa Hồng Bàng thành Vườn hoa Ba Đình như trước đây và bảo lưu địa danh nơi Hồ Chủ Tịch đọc Tuyên ngôn độc lập. 

3. Tháng 8/1987, Ủy ban nhân dân huyện Nga Sơn tổ chức kỷ niệm 100 năm Khởi nghĩa Ba Đình. Trong sự kiện này, cố Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã về thăm lại chiến khu Ba Đình, trong đó, thăm ba làng Mỹ Khê, Hương Thọ và Mậu Thịnh. Tại đây Thủ tướng đã nói chuyện với nhân dân về truyền thống đấu tranh của người dân ba làng  trước kia mà đứng đầu là nghĩa sĩ Đinh Công Tráng; đồng thời, Thủ tướng mong muốn người dân Ba Đình phát huy truyền thống quê hương, xây dựng kinh tế giàu mạnh trong thời kỳ đổi mới và phải xứng đáng với tên gọi Ba Đình thân thương.

Cũng vào tháng 8/1987, Trường cấp ba huyện Nga Sơn đã quyết định đổi tên thành Trường Ba Đình để ghi nhớ công ơn của anh hùng Đinh Công Tráng nhân sự kiện 100 năm Khởi nghĩa Ba Đình. Thầy giáo Mai Văn Kiêm, giáo viên dạy sử ở Trường Ba Đình, huyện Nga Sơn nay đã nghỉ hưu nhớ lại: “Trường Ba Đình ra đời trong sự kiện kỷ niệm 100 năm Khởi nghĩa Ba Đình. Đặt tên Ba Đình là để tri ân công lao của anh hùng Đinh Công Tráng”. Bài hát “Nắng Ba Đình” của tác giả Hữu Nguyên cũng ra đời trong sự kiện này. Lời bài hát: Tự hào thay mái trường ngày nay/ một ngày vui nắng về tràn đầy/ rạo rực thay tâm hồn mê say/ là chúng tôi thầy trò yêu dấu/ Ba Đình ơi, Ba Đình ơi/ nắng Ba Đình tỏa sáng nơi nơi/ nay về đây, mang niềm vui/ trên quê hương Ba Đình lịch sử/ vui sao lòng tự hào/ trong tim tình dạt dào/ từ nay trường được mang tên mới/ phấp phới màu cờ/ trên mái trường Nga Sơn mến yêu, được nhiều thế hệ học sinh và nhân dân biết đến và lưu truyền cho đến bây giờ.

Ngày nay, Ba Đình là một xã đồng chiêm trũng thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Phía Bắc giáp Nga Vịnh, Nam giáp Nga Thắng, Đông giáp Nga Văn, Tây giáp huyện Hà Trung. Cách Ba Đình 3km về phía Đông Nam là núi Sa Liễn (núi Sến). Xa hơn chút nữa là núi Chiêm Ba, Tam Linh, núi Vân Hoàn nằm bên bờ sông Lèn và bến đò Thắm. Phía Tây có núi Giao Thụy, phía Đông Bắc là dãy núi Tam Điệp trùng trùng hiểm trở, như bức tường thành bao bọc chở che cho người dân xứ sở dưa hấu với truyền thuyết Mai An Tiêm và Từ Thức gặp tiên. Ngày 2/12/1992, tại Quyết định số 3959 QĐ/BVHTT, Chiến khu Ba Đình đã được tỉnh Thanh Hóa xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nơi xuất phát của “Ba Đình Hà Nội”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO