Nỗi buồn thầy tìm trò vùng cao

11/10/2016 00:00

(TN&MT) – Cứ mỗi khi nghỉ hè, nghỉ tết xong, các thầy cô giáo đang công tác tại các trường học ở vùng núi cao xứ Nghệ lại phải lặn lội đến từng nhà học trò để vận động các em học sinh đến trường trở lại. Hàng ngày, những người “gieo chữ” vẫn đang âm thầm với công việc của mình với bao khó khăn, cơ cực. Ước muốn lớn nhất của ngững giáo viên vùng cao là làm sao để các em học sinh tới trường đông đủ…

Sau ba tiếng đồng hồ, vượt hơn 30 km đèo dốc từ đập tràn Phà Lài, cạnh Đồn Biên phòng Môn Sơn, chúng tôi mới vào đến Khe Khặng thuộc vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát. Chiều muộn, đoàn chúng tôi gồm 5 thầy giáo, 2 cán bộ xã và phóng viên có mặt tại bản Cò Phạt, thuộc xã Môn Sơn (huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An). Có mặt tại đây, điều dễ dang nhận ra là cảnh tượng đói nghèo vẫn đang bủa vây bà con tộc người Đan Lai.

Hiệu trưởng Trường THCS Môn Sơn, Nguyễn Văn Hào, cho biết: “Phải đi vào buổi chập tối này chứ đi sớm thì họ đi rừng chưa về, mà muộn hơn tí nữa thì họ ngủ mất. Năm mô cũng thế, anh em vào lúc chiều tối rồi sáng mai vận động được em nào thì chở ra kí túc trường luôn”.

Thầy giáo leo từng nhà sàn để tìm học trò vận động
Thầy giáo leo từng nhà sàn để tìm học trò vận động

Gia đình đầu tiên giáo viên vào vận động là gia đình chị Lê Thị Nghi, phụ huynh của học sinh Lê Thị Mai, ở bản Khe Búng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông. Gia cảnh nhà chị Nghi Vô cùng khó khăn. Nhà có 5 đứa con, Mai là con đầu lòng, em út của Mai, mới 3 tuổi. Chồng chị lại vừa mới qua đời. Một mình chị lăn lộn mưu sinh nuôi con. Chính vì thế nên em Mai không thể đến trường. Khi được hỏi vì sao không cho con đi học, chị Nghi trả lời: “Có biết mô, ở nhà làm măng với coi em. Giừ tay đau đó tề. Không biết mần kiểu răng cả. Nhờ thầy cả thôi”.

Sau một hồi giải thích về lợi ích của việc học thì chị Nghi cũng miễn cưỡng đồng ý cho con đi học. Thầy giáo dặn dò cẩn thận, chuẩn bị đồ áo để sáng hôm sau, thầy giáo chở ra trường đi học. Nhìn đàn con nheo nhóc của chị Nghi mà không khỏi xót xa: “Nhà nỏ có chi mô. Ruộng cũng không có, chỉ đi rừng lấy củi, hái măng về bán, có đủ gạo cho mấy đứa ăn là may rồi, nói chi lo cho chúng nó đi học”, chị Nghi ngậm ngùi.

Các thầy đang cố vận động 2 anh em May và Thắng đi học
Các thầy đang cố vận động 2 anh em May và Thắng đi học

Chia tay gia đình chị Nghi, chúng tôi tiếp tục vào trung tâm bản. Gia đình tiếp theo chúng tôi vào vận động là gia đình anh La Văn Hải, phụ huynh của học sinh La Văn May. Khi chúng tôi vào thì vợ chồng anh La Văn Hải vẫn đi rừng chưa về. Khi hỏi về việc đi học tiếp của May và người em là La Văn Thắng thì cả hai em đều im lặng không nói gì. Chúng tôi tiếp tục vào gia đình các em La Thị Hai, Lê Văn Cang...đều không gặp phụ huynh. Câu trả lời của tất cả các em là những cái lắc đầu khó hiểu.

Thầy Hào cười buồn: “Thôi được một em rồi, giờ ta về mượn trường tiểu học nấu ăn cái đã, lát nữa ăn xong ta đi tiếp”.

Thầy giáo vàn tận lán trong rừng… tìm học trò
Thầy giáo vàn tận lán trong rừng… tìm học trò

Được biết hiện tại, hai bản Khe Búng và Cò Phạt thuộc vùng lõi Vườn quố gia Pù Mát còn có 22 em trong tổng số 81 em của Trường THCS Môn Sơn chưa đến trường. Thầy Như, giáo viên đi vận động, cho biết: “Năm nào tụi em cũng đi khoảng 6 đến 7 đợt, năm ngoái cũng đi 7 đợt mới vận động hết anh ạ. Mọi năm nước to đi xuồng khỏe hơn. Năm nay nước cạn đi xe máy rồi lại đi bộ hàng tiếng đồng hồ thế này mệt vô cùng. Có khi thầy chở em này ra thì em khác đã trốn về rồi...”.

Tranh thủ ăn tối xong, đoàn chúng tôi lại tiếp tục nhiệm vụ, cầm đèn pin mò mẫm đi những nhà còn lại trong bản. Việc vận động học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số rất khó khăn, bởi nhiều người lớn tuổi còn không thạo tiếng phổ thông. Họ không thấy được lợi ích của việc học. Nhiều bậc phụ huynh suy nghĩ, bố mẹ, anh chị không học vẫn biết cách đi rừng, kiếm sống, thì những em nhỏ không đi học cũng không sao. Đặc biệt, tộc người Đan Lai, nhận thức chưa cao, không muốn vươn lên mà cứ chây lười, thậm chí có tâm lý trông chờ, ỉ lại vào trợ giúp của nhà nước.

Thầy giáo lội suối dẫn học trò trở lại trường
Thầy giáo lội suối dẫn học trò trở lại trường

Sau bao công sức của đoàn vận động lần này, đã có 7 em đồng ý đến trường trở lại là em Lê Thị Mai, Lê Văn Cang, La Thị Hoa, La Thị Lúa, La Thị Hằng, La Văn Tuấn và La Văn Xuân, tất cả các em đều là dân tộc Đan Lai. Như vậy là trong bản vẫn còn 15 em chưa đồng ý đến trường. Lý do thì nhiều, trong đó có em đang đi rừng, không gặp được phụ huynh, có em gặp nhưng cũng không chịu đi học mà ở nhà để lấy chồng, có em thì phụ huynh từ chối cho đến trường.

Trên đường chở các em học sinh ra kí túc xá để chuẩn bị sách vở đi học thì lại gặp bốn em học sinh trốn về. Hai em La Văn Dũng và La Văn Thắng, khi nhìn thấy thầy giáo thì liền bỏ chạy. Chỉ còn hai em là La Văn Linh và Lê Văn Anh, thầy giáo cũng phải mật một thời gian thuyết phục, vận động thì hai em mới miễn cưỡng quay lại trường.

Phải đến bữa cơm tối mới gặp được phụ huynh và học sinh để vận động
Phải đến bữa cơm tối mới gặp được phụ huynh và học sinh để vận động

Thầy Hào, nhìn chúng tôi cười buồn, tâm sự: “Xung quanh việc vận động các em học sinh đến trường cũng có nhiều chuyện cười ra nước mắt anh ạ. Có lần vận động được hai em, đang đi xuồng chở các em ra thì bất ngờ em La Văn Thắng, nhảy cái ùm xuống sông. Thầy suýt rụng tim, may mà em bơi được vào bờ, rồi chào thầy em về. Sau đó thầy phải đưa đồ áo, quay lại nhà trả. Có lần thì phụ huynh La Văn Dũng, bố của em La Thị Hoa yêu cầu thầy phải cho hai trăm nghìn thì mới chi con đi học. Có phụ huynh thì tuyên bố “Tôi nói lần này là lần cuối nha, thầy đừng đến nữa và đừng nói nhiều, không đi học là không đi”. Có phụ huynh thì bắt thầy uống rượu cùng thì mới cho con đi học...”.

Ông Phan Anh Tài - Trưởng phòng Giáo dục huyện Con Cuông, cho biết: “Thường những em bỏ học là những em đã lớn, lao động giúp gia đình được nhiều việc rồi. Ở nhà lao động sản xuất hoặc đi rừng săn bắn hái lượm. Còn các em nhỏ như mầm non và tiểu học thì nghỉ học ít hơn do chưa biết lao động. Năm nào chúng tôi cũng quyết tâm vận động cho được khoảng 90%. Thế nhưng, để làm được điều đó là công việc hết sức khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ nhà trường cũng như các thầy, cô giáo”.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An cho biết, đầu năm học 2016 - 2017 toàn tỉnh có 510 học sinh bỏ học. Trong số này hơn 200 em ở bậc THPT, số còn lại là bậc THCS. Tỷ lệ nam bỏ học nhiều hơn nữ với 300 em là nam, 256 em là học sinh dân tộc thiểu số. Nguyên nhân bỏ học có đến 385 em do học kém; số còn lại là các nguyên nhân như gia đình khó khăn, đi học xa...Địa bàn có học sinh bỏ học nhiều nhất là các huyện miền núi phía tây Nghệ An như Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong.

 

Bài & ảnh: Đ. Tiệp – T. Hoàng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi buồn thầy tìm trò vùng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO