Nợ khủng, tập đoàn Mai Linh bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục

09/01/2018 23:31

(TN&MT) - Kết thúc nửa năm 2017, với khoản lỗ lũy kế gần 800 tỷ đồng cùng với việc khoản nợ phải trả vượt tài sản ngắn hạn, Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh...

(TN&MT) - Kết thúc nửa năm 2017, với khoản lỗ lũy kế gần 800 tỷ đồng cùng với việc khoản nợ phải trả vượt tài sản ngắn hạn, Công ty cổ phần tập đoàn Mai Linh (MLG) bị kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục.

Lỗ lũy kế hàng trăm tỷ đồng

Báo cáo tài chính bán niên năm 2017 sau soát xét của Công ty cổ phần tập đoàn Mai Linh cho thấy tình hình kinh doanh không mấy sáng sủa trước áp lực cạnh trạnh từ nhiều hãng taxi công nghệ.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2017, tập đoàn Mai Linh chỉ đạt 1.722 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 5% cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ dịch vụ taxi là 1.436 tỷ đồng, giảm 10% cùng kỳ và chiếm 83% tổng doanh thu.

Trong khi doanh thu hoạt động tài chính giảm nhẹ thì các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp lại tăng lần lượt 22% và 3% lên 83 tỷ đồng và 161 tỷ đồng khiến kết quả hoạt động kinh doanh của tập đoàn Mai Linh lỗ thuần gần 48 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2016 con số này là 25 tỷ đồng.
Kinh doanh sa sút, Tập đoàn Mai Linh từng bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục.
Doanh thu từ dịch vụ taxi chiếm 83% tổng doanh thu của Mai Linh.
Khoản lợi nhuận khác (tiền thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và thu khác) chỉ mang về hơn 76 tỷ đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái nên trong 6 tháng đầu năm 2017, Mai Linh chỉ báo lãi sau thuế 20 tỷ đồng, giảm 62% so với cùng kỳ.

Chỉ lãi nhẹ nên mức này vẫn chưa thể bù đắp được kết quả thua lỗ sau giai đoạn dài trước đó của Mai Linh. Tính đến hết ngày 30/06/2017, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Mai Linh âm 795 tỷ đồng, xấp xỉ 80% vốn điều lệ.

Tính đến 30/06/2017, tổng tài sản của Mai Linh là 5.352 tỷ đồng, giảm hơn 300 tỷ đồng so với hồi đầu năm, riêng nợ phải trả chiếm gần 90% tổng tài sản. Trong đó, khoản nợ phải trả ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn 1.262 tỷ đồng (1.349 tỷ đồng).

Mai Linh bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục

Ngày 30/06/2017, kiểm toán có ý kiến ngoại trừ về khoản lỗ lũy kế 795 tỷ đồng của Mai Linh (vượt gần 40% so với mức vốn chủ sở hữu hiện nay là 571,5 tỷ đồng), cùng với đó tổng nợ phải trả ngắn hạn (2.611 tỷ đồng) đã vượt quá tổng tài sản ngắn hạn (1.349 tỷ đồng) nên đặt nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Mai Linh.
Kinh doanh sa sút, Tập đoàn Mai Linh từng bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục.
Tập đoàn Mai Linh bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục.
Hơn nữa, kiểm toán cũng nhấn mạnh việc tập đoàn có ghi nhận một phần khoản chi phí lãi vay, và một số chi phí hoạt động kinh doanh tại khoản mục chi phí trả trước dài hạn từ những năm trước trên bảng cân đối kế toán hợp nhất, mà không ghi nhận vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất theo quy định chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam.

Theo đó, nếu Mai Linh thực hiện ghi nhận vào chi phí trên, chỉ tiêu chi phí trả trước dài hạn và lợi nhuận lũy kế sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/06/2017 sẽ giảm với số tiền là 609 tỷ đồng. Ngược lại, lợi nhuận sau thế chưa phân phối sẽ ghi giảm thêm số tiền tương đương. Tức mức lỗ lũy kế sẽ tăng lên hơn 1.400 tỷ đồng và vượt so với vốn điều lệ 1.017 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, kiểm toán viên cũng cho biết, các khoản phải thu và phải thu khác với số tiền 635 tỷ đồng chưa được Mai Linh tính toán, phân loại và trích lập dự phòng.
Kinh doanh sa sút, Tập đoàn Mai Linh từng bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục.
Đến 30/06/2017, tổng số nhân viên của Mai Linh chỉ còn gần 23.896 người, giảm gần 6.000 người.
Tình hình kinh doanh sa sút cũng khiến nhân lực tại Mai Linh cũng phải cắt giảm đi nhiều, tổng số nhân viên của Mai Linh tính đến cuối kỳ báo cáo chỉ còn gần 23.896 người, giảm gần 6.000 người, tương đương 20% so với thời điểm cuối năm 2016. 

Theo đánh giá, việc nhân viên của Mai Linh giảm mạnh là do áp lực cạnh tranh với các hãng taxi công nghệ như Grab, Uber. Theo nhận định, có thể do không chịu nổi áp lực cạnh tranh nên nhiều trường hợp tài xế taxi Mai Linh đã chuyển sang chạy Uber và Grab.

Tình cảnh của taxi Mai Linh cũng giống như taxi Vinasun khi tổng số nhân viên của Vinasun tính đến hết ngày 30/06/2017 đã giảm gần 8.000 người so với thời điểm đầu năm, chỉ còn 9.179 người so với mức 17.160 người ở thời điểm đầu năm.

Đáng chú ý, đơn vị kiểm toán cũng nhấn mạnh, năm 2012, tập đoàn Mai Linh và các bên liên quan ký các hợp đồng mua bán của Công ty cổ phần Mai Linh miền Bắc với một cá nhân. Tuy nhiên, đến thời điểm báo cáo, sổ đăng ký cổ đông của Mai Linh miền Bắc đã nhận được thông báo của TAND TP. Hà Nội về vụ việc thụ lý vụ án liên quan đến tranh chấp phát sinh từ giao dịch chuyển nhượng cổ phần nêu trên.

 "Cựu'' anh em nhà Mai Linh nợ bảo hiểm xã hội tiền tỷ

Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội vừa công bố danh sách 500 đơn vị sử dụng lao động nợ BHXH lớn từ 6 tháng trở lên (tính đến hết tháng 11/2017). Đáng chú ý, trong danh sách ''đen'' có cả doanh nghiệp kinh doanh ngành vận tải và đã từng hợp tác kinh doanh với nhau là Công ty CP Mai Linh Đông Đô và Công ty CP Mai Linh miền Bắc.

Chiếu theo số liệu Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội công bố, Công ty cổ phần Mai Linh Miền Bắc với số nợ hơn 4 tỷ đồng của 451 lao động trong 6 tháng. Trong khi đó, người từng là ''anh em'' với Mai Linh miền Bắc là Công ty cổ phần Mai Linh Đông Đô cũng nợ với số tiền hơn 3,9 tỷ đồng của 333 lao động.


Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nợ khủng, tập đoàn Mai Linh bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO