Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia, hiện nay cơn bão có tên quốc tế Kompasu đang hoạt động ở ngay khu vực biển phía đông Philippine, đêm nay (ngày 11 tháng 10 năm 2021) bão có thể vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 8. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, các địa phương trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã chủ động rà soát, chuẩn bị sẵn sàng phương ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất… có thể xảy ra.
Thông tin từ UBND huyện Kim Sơn cho biết, để ứng phó với mưa bão, Đồn Biên phòng Kim Sơn đã tổ chức bắn pháo hiệu, phối hợp với chính quyền các địa phương ven biển và các lực lượng chức năng kêu gọi 129 phương tiện/412 thuyền viên, 400 lao động từ đê Bình Minh II đến Cồn Nổi vào nơi tránh chú bão an toàn; hướng dẫn nhân dân neo đậu tàu thuyền, chằng buộc lều chòi, và chốt chặn các đầu đường không cho người, phương tiện đi ra vùng bãi. Các máy móc, thiết bị, lao động của 2 doanh nghiệp Kim Đông và Cường Thịnh Thi đang thi công tuyến đê Bình Minh 4 cũng đã được di chuyển vào nơi an toàn.
Huyện Kim Sơn chủ động ứng phó diễn biến mưa bão, kêu gọi các phương tiện, thuyền viên vào nơi tránh chú bão an toàn. Ảnh:AT |
Về sản xuất nông nghiệp, tính đến hết ngày 9/10, toàn huyện Kim Sơn đã thu hoạch được khoảng 1.200 ha trên tổng số 8.127 ha lúa mùa (đạt 15%). Diện tích mùa trung còn lại khoảng 4.300 ha chưa thu hoạch được do ảnh hưởng của mưa và lúa chưa chín, diện tích lúa mùa muộn khoảng 2.600 ha đang trong giai đoạn chín sữa, chắc xanh.
Để bảo vệ các diện tích lúa này, Chi nhánh Công ty khai thác công trình thủy lợi huyện đang phối hợp với các địa phương tổ chức tiêu nước trong hệ thống, tránh ngập úng. Đối với diện tích nuôi trồng thủy sản, nhân dân các xã vùng ven biển đã chủ động thu hoạch các đối tượng nuôi đạt kích cỡ thương phẩm, đồng thời triển khai gia cố bờ bao để đảm bảo an toàn.
Với các trọng điểm công trình xung yếu như: Kè Xuân Đài trên tuyến đê Hữu Đáy; kè Hữu Vạc cấp III, IV; tuyến đê hữu sông Đáy thuộc địa bàn xã Hồi Ninh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện, các tiểu khu, các xã tổ chức trực ban 24/24 giờ, tiến hành tuần tra, canh gác, bảo vệ, sẵn sàng vật tư, phương tiện để xử lý khi có tình huống xấu xảy ra.
Còn tại huyện Nho Quan, địa bàn trọng yếu trong công tác phòng chống sạt lở và an toàn hồ đập, chính quyền địa phương cũng đang tăng cường kiểm tra, theo dõi diễn biến thực tế để có phương án ứng phó phù hợp.
Đại diện Phòng NN&PTNT huyện cho biết, hiện nay trên địa bàn có 1 điểm có nguy cơ sạt lở cao tại thôn Sấm 3, xã Cúc Phương, chính quyền đã yêu cầu di dời người và toàn bộ tài sản của các hộ dân sống xung quanh. Đồng thời, tuyên truyền, giám sát, đặt biển cảnh báo yêu cầu người dân trong vùng cảnh giác, không đến gần nơi có nguy cơ sạt lở và thường xuyên báo cáo tình hình về Ban chỉ huy PCTT & TKCN huyện.
Về hệ thống hồ đập, toàn huyện có 38 công trình, trong đó có 6 hồ đang trong quá trình nâng cấp, sửa chữa. Để đảm bảo an toàn, địa phương đã yêu cầu các đơn vị thi công tạm ngừng hoạt động, đồng thời phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh tăng cường kiểm tra, theo dõi diễn biến thực tế mực nước tại các hồ. Nếu có nguy cơ mất an toàn sẽ thực hiện quy trình vận hành và phương án ứng phó thiên tai hồ chứa.
Về tình hình sản xuất nông nghiệp, đến nay, Nho Quan đã thu hoạch được 2.900/3.374 ha lúa (đạt 80% diện tích), diện tích cây vụ đông mới trồng là 400 ha. Để giảm thiểu thiệt hại do mưa bão gây ra, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn đôn đốc, vận động nông dân khẩn trương khơi thông dòng chảy, tiêu thoát nước tại những diện tích lúa bị đổ nhằm tránh tình trạng lúa mọc mầm, ảnh hưởng đến năng suất.
Khi thời tiết tạnh ráo, huy động nhân lực, phương tiện thu hoạch lúa mùa, thực hiện các biện pháp chăm sóc cây vụ đông mới trồng. Chỉ đạo Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi huyện đóng các cống tưới, mở các cống tiêu, triệt để tiêu nước mặt ruộng, vận hành các trạm bơm tiêu úng nhanh chóng tiêu thoát nước ở các vùng trũng.
Trước đó, ngày 8/10/2021, Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Ninh Bình đã có Công điện số 08 gửi các sở, ban, ngành của tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố về ứng phó với bão số 8.
Nội dung Công điện yêu cầu UBND các huyện, thành phố, rà soát, sẵn sàng triển khai phương án ứng phó bão, mưa lũ, sạt lở, nhất là sơ tán dân tại khu vực nguy hiểm; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm "bốn tại chỗ" để chủ động ứng phó, nhất là tại các khu vực đã từng xảy ra ngập lụt, sạt lở, sẵn sàng cho tình huống bị chia cắt, cô lập cục bộ.
Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn, các Hợp tác xã nông nghiệp và các hộ nông dân khẩn trương thu hoạch nhanh gọn lúa vụ mùa năm 2021 với phương châm "xanh nhà hơn già đồng".
“Kiểm tra, rà soát có phương án bảo vệ lúa và cây màu vụ đông đã trồng. Chủ động phương án tiêu thoát nước đô thị, các khu công nghiệp để hạn chế tình trạng ngập lụt do ảnh hưởng của mưa lớn”, Công điện số 08 nêu rõ.