Quảng Nam: Mùa mưa bão, lại thấp thỏm lo nhà trôi ra biển
Mùa mưa bão năm nay, hàng trăm hộ dân sống ở các địa phương ven biển của tỉnh Quảng Nam lại thấp thỏm với nỗi lo nhà cửa sẽ bị chôn vùi giữa biển nước mênh mông khi mà chính quyền vẫn chưa có phương án tối ưu ngăn chặn sự xâm thực của biển.
Đêm nằm lo sóng “nuốt làng”
Mấy hôm nay, nghe tin bão Trami (bão số 6) đang tiếp tục mạnh lên và hướng thẳng vào khu vực Trung Trung bộ, người dân ở làng chài Trung Phường (xã Duy Hải, Duy Xuyên, Quảng Nam) thấp thỏm, không yên với nỗi lo sóng “nuốt” cả làng. Bởi cứ sau mỗi đợt mưa bão, nước biển lại tiến vào bờ thêm vài mét, nhà cửa, vườn tược cứ thế trôi theo dòng nước.
Ngôi nhà ông Trương Công Trực (68 tuổi), ở thôn Trung Phường, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam chỉ còn cách mép biển vài bước chân. Ông Trực tâm sự, trước đây nhà của ông ở giữa làng nhưng xâm thực khiến nhà sát mép biển. Thời gian qua, dù có tiền trong túi, vợ chồng ông cũng không dám cất lại nhà mới. Bởi ông bà đang mang mối lo phập phồng, rằng lỡ xây nhà mới lên mà sóng biển tiếp tục “ngoạm” sâu vào bờ, quật sập nhà cửa thì coi như “công Dã Tràng”.
“Để bảo vệ nhà cửa, hằng năm những hộ dân còn bám trụ ở đây lại xúc cát đắp bờ và đóng cọc tre gia cố. Năm ngoái dân làng đắp 600 bao cát để kè, có người chở tre về đóng cọc để làm kè chống sạt nhưng rồi qua một mùa mưa bão rồi đâu lại vào đấy.”- ông Trường buồn rầu cho biết.
Dẫn chúng tôi ra ngôi nhà nay đã bỏ hoang vì sạt lở, bà Nguyễn Thị Vân (66 tuổi), ở thôn Trung Phường cho biết, đây từng là chỗ tránh nắng che mưa của gia đình suốt quãng thời gian từ năm 1988 đến 2019 thì bị sóng đánh sập, cũng may mấy mẹ con chạy kịp. Cũng chính vì nỗi lo “chạy” sóng mà anh Nguyễn Sen (con trai bà Vân) đã không còn vươn khơi với những chuyến khai thác hải sản xa bờ, kéo dài hàng tháng trời nữa. Thay vào đó, anh chỉ quanh quẩn cùng bạn thuyền đánh bắt ở khu vực gần bờ để chủ động ứng phó với mưa bão.
“Tôi sinh ra và lớn lên ở làng chài Trung Phường nên đã quá quen với cảnh “chạy” sóng. Đêm nằm ngủ mà cứ chập chờn nỗi lo sóng nuốt chửng nhà cửa, làng mạc. Hầu như năm nào vào mùa mưa bão, tôi và mẹ cũng đi sơ tán. Cứ nghe đài báo bão là hai mẹ con sắp xếp sẵn quần áo, nhận thông báo sơ tán là lập tức rời nhà mà đi. Đó là lý do tôi chấp nhận từ bỏ nghề đánh bắt xa bờ để ở gần lo cho mẹ, đặc biệt là những hôm bão gió”- anh Sen tâm sự.
Còn tại huyện Núi Thành, tại bờ biển Cửa Lở, thôn Bình Trung, xã Tam Hải cũng đang sạt lở nghiêm trọng khiến hàng trăm ngôi mộ của người dân có nguy cơ cuốn trôi ra biển.
Theo ông Huỳnh Văn Phụ (thôn Bình Trung, xã Tam Hải) cho biết, diện tích đất trên xã đảo ngày càng bị thu hẹp do biển xâm lấn. Mỗi năm biển lấn sâu vào đất liền hàng chục mét, nhiều nhà cửa, hồ tôm và mồ mả đã bị cuốn trôi xuống biển. Diễn biến sạt lở ngày càng phức tạp, có nguy cơ sẽ "xóa sổ" luôn cả ngôi làng.
Cần nguồn kinh phí lớn
Ông Trần Văn Siêm, Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho biết, biển ăn sâu vào đất liền khiến không chỉ người dân mà chính quyền cũng hết sức lo lắng, xã liên tục đề xuất làm kè kiên cố bảo vệ nhưng nhiều năm nay những vẫn chưa được triển khai.
“Hiện còn 14 hộ/57 nhân khẩu nằm trong vùng nguy hiểm nhưng chưa di dời bởi nguyên nhân họ không chấp nhận mức hỗ trợ 1 lô tái định cư kèm số tiền 20 triệu đồng. Bởi lẽ, nếu chuyển về khu tái định cư, họ không đủ khả năng tài chính để dựng xây nhà mới. Để đảm bảo an toàn mùa mưa bão, các lực lượng túc trực, hướng dẫn, hỗ trợ đưa người dân di dời đến nơi tránh trú an toàn”- ông Siêm cho biết
Ông Lê Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, trong đề án quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sẽ có chủ trương đầu tư tuyến luồng mới Cửa Lở kết nối vào các khu bến Tam Hiệp, Tam Hòa, Tam Giang… đảm bảo tiếp nhận tàu có tải trọng đến 50.000 tấn gắn với khu phi thuế quan. Khi xây dựng, nạo vét luồng này sẽ lấy đất đắp vào khu vực biển Cửa Lở đoạn qua xã Tam Hải. Khi đó, hy vọng tình trạng sạt lở sẽ không còn xảy ra.
Nhiều năm qua, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã triển khai nhiều biện pháp bảo vệ bờ biển nhưng hiện tượng biển xâm thực sâu vào đất liền nhiều năm qua khó lường.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trước mùa mưa bão năm nay, UBND tỉnh đã có công văn về việc xử lý tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh giao cho các địa phương tổ chức xử lý trước mắt tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển như thông báo, cắm biển cảnh báo, khoanh vùng ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở, theo dõi diễn biến sạt lở; chỉ đạo việc xử lý bước đầu để hạn chế sạt lở; tổ chức khảo sát, đánh giá, lập dự án đầu tư xử lý sạt lở trong trường hợp cần thiết.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các ngành, địa phương liên quan tổng hợp, rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên đề xuất, tham mưu UBND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí để thực hiện các chương trình, dự án phòng, chống sạt lở trên địa bàn tỉnh và tiếp tục kiến nghị các bộ, ngành Trung ương tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư xử lý các khu vực bờ sông, bờ biển sạt lở nguy hiểm trong những năm tiếp theo.