Những mối đe dọa đến hệ sinh thái vùng Đồng bằng sông Cửu Long

23/10/2013 00:00

Hệ sinh thái vùng ĐBSCL với khoảng 3,9 triệu ha đã cung cấp trên 50% sản lượng lương thực, 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước.

   Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm 13 tỉnh, thành phố với đặc điểm tự nhiên nổi bật, ít có trên thế giới với các hệ sinh thái đất ngập nước đặc trưng, cung cấp nhiều dịch vụ hệ sinh thái quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường của khu vực và cả nước. Các hệ sinh thái nơi đây, đặc biệt là hệ sinh thái đất ngập nước với khoảng 3,9 triệu ha đã cung cấp trên 50% sản lượng lương thực, 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước và là nơi nuôi trồng, đánh bắt thủy sản lớn của nước ta.   
   
     
   
  Do hoàn cảnh lịch sử, áp lực gia tăng dân số và hậu quả chiến tranh đã thúc đẩy nhanh sự suy thoái, sự xáo trộn và phá hoại các hệ sinh thái tự nhiên của vùng. Sự biến đổi các hệ sinh thái và các dịch vụ của chúng đồng thời chịu tác động của nhiều tác nhân. Đó chính là những mối đe dọa trực tiếp và gián tiếp đến các hệ sinh thái của chúng. Cụ thể như sự gia tăng dân số của vùng đã gây áp lực lên nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhiều hệ sinh thái suy giảm về chất và diện tích, do việc sử dụng bất hợp lý các nguồn tài nguyên như nước, đa dạng sinh học.         
  Các hoạt động phát triển kinh tế của Đồng bằng sông Cửu Long tuy đã tạo bước đột phá cho vùng hạ lưu sông Mê Kông, cải thiện thu nhập của cộng đồng dân cư và phục vụ nhu cầu cuộc sống cho địa phương nhưng đã và đang gây áp lực đối với chức năng của các hệ sinh thái, do việc khai thác quá mức các dịch vụ cung cấp, điều tiết và du lịch, văn hóa. Đồng thời, công tác quy hoạch còn yếu kém, tính thực thi pháp luật thấp và nguồn nhân lực cho quản lý đa dạng sinh học, đất ngập nước của vùng hạn chế, dẫn đến nhiều hoạt động khai thác quá mức, đánh bắt động vật hoang dã trái phép đã và đang đe dọa, phá hủy nơi cư trú của nhiều loài quý, hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng.         
  Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản gây biến đổi trực tiếp đến các hệ sinh thái đất ngập nước, làm giảm dịch vụ cung cấp các nguồn lợi tự nhiên, dịch vụ điều tiết dự trữ nguồn nước. Trong những năm gần đây, việc phát triển nhanh chóng diện tích nuôi tôm tự phát, không tuân thủ quy hoạch, thiếu các giải pháp kỹ thuật đã gây nhiều thiệt hại cho lâm nghiệp, nông nghiệp và ảnh hưởng xấu đến môi trường.          
  Trong 10 năm vừa qua, có khoảng 250.000ha đất lúa màu mỡ trong vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long bị chuyển sang nuôi tôm. Diện tích mặt nước nuôi thủy sản năm 2012 lên tới 740.000ha, tăng 39.000ha so với năm 2006. Điều này không những gây suy thoái môi trường ngay tại các khu vực chuyển đổi, mà còn làm tăng mức độ lan truyền mặn sâu vào nội đồng, một số khu vực bị ô nhiễm lan truyền không thể kiểm soát nổi.         
  Mặt khác, việc sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất lúa, cây ăn quả đã gây ô nhiễm đến chất lượng môi trường khu vực, làm ảnh hưởng trực tiếp đến các giá trị và chức năng của các hệ sinh thái. Theo Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, trong 3 vụ lúa hàng năm, nông dân tại Cần Thơ, Đồng Tháp bón phân hóa học các loại từ 514-613kg/ha. Nếu chỉ sản xuất 2 vụ hè thu và thu đông trong năm, nông dân bón từ 348-435kg/ha. Như vậy, mỗi năm đồng ruộng trong khu vực gánh từ 10.000 tấn hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trở lên. Đó là chưa tính lượng nông dược được phun xịt, rải trên vườn cây, trong ao nuôi thủy sản với tổng diện tích hơn 700.000ha.          
  Sự biến đổi sử dụng đất và độ che phủ đất đã làm biến đổi chức năng của hệ sinh thái, gây áp lực đến các dịch vụ cung cấp, điều tiết và hỗ trợ của hệ sinh thái. Ví dụ ở Tiền Giang, từ năm 2011-2012 có hơn 1.000ha đất lúa “biến mất”, chủ yếu do nông dân chuyển sang trồng cây ăn trái và làm đường giao thông. Chỉ từ năm 2007-2010, tỉnh Sóc Trăng mất tới 8.000ha đất lúa, còn tỉnh Đồng Tháp trong thời gian từ 2008-2010 cũng bị “bốc hơi” 3.000ha đất lúa do chuyển đổi mục đích sử dụng.           
  Đặc biệt, tác động của biến đổi khí hậu đã và đang là mối đe dọa nguy hiểm đổi với Đồng bằng sông Cửu Long, làm gia tăng ngập lụt, xâm nhập mặn, lan tràn chua phèn và gây ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị của các hệ sinh thái. Trong nhiều trường hợp làm biến mất nhiều hệ sinh thái và gây mất mát các dịch vụ hệ sinh thái của khu vực.          
  Trong các mối đe dọa đã nêu trên, sự gia tăng dân số và áp lực phát triển kinh tế được coi là mối đe dọa cơ bản nhất. Từ đó xuất hiện nhiều áp lực khác lên các dịch vụ hệ sinh thái, bởi các chính sách phát triển không hợp lý. Chẳng hạn như phát triển diện tích nuôi trồng thủy sản quá mức đã làm mất nhiều hệ sinh thái có giá trị như rừng ngập mặn. Trong đó, biến đổi khí hậu đang được xem là mối nguy hiểm tiềm tàng, đe dọa nghiêm trọng đến dịch vụ hệ sinh thái của Đồng bằng sông Cửu Long cả về trước mắt và lâu dài.
           Phạm Anh Cường
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những mối đe dọa đến hệ sinh thái vùng Đồng bằng sông Cửu Long
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO