Những bất cập trong huy động và sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19

Thanh Tùng| 20/01/2022 14:03

(TN&MT) - Kiểm toán nhà nước vừa tổ chức Hội thảo khoa học “Kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19” để lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà quản lý và các lực lượng tuyến đầu chống dịch

Quang cảnh Hội thảo

Kiểm toán tại 32 tỉnh, thành và nhiều bộ, ngành

Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa, cuộc kiểm toán chuyên đề này nhằm đánh giá việc tuân thủ pháp luật, việc ban hành các cơ chế chính sách, các khó khăn vướng mắc trong quá trình huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng chống dịch COVID-19, nhằm báo cáo kịp thời với Quốc hội, Chính phủ, thông tin kịp thời cho công luận và xã hội.

Về phạm vi kiểm toán, Kiểm toán nhà nước (KTNN) dự kiến tập trung vào việc huy động quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng chống dịch COVID-19 tại 32 Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương và các bộ, ngành cơ quan Trung ương (Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Lao động thương binh xã hội, Ngân hàng nhà nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam…), không kiểm toán việc mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, kít xét nghiệm tại tất cả các đơn vị (nội dung này Thanh tra chính phủ thực hiện), KTNN chỉ tổng hợp số liệu theo báo cáo của các đơn vị.

Dự kiến cuộc kiểm toán được tổ chức từ 16/2/2022 đến 31/3/2022, phát hành báo cáo kiểm toán trước 31/5/2022.

Về nội dung kiểm toán, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa cho biết, KTNN dự kiến tập trung vào một số nội dung như: việc huy động các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19. Đây là nội dung hết sức quan trọng bởi nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19 rất đa dạng và phong phú như từ ngân sách nhà nước (NSNN) (ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương); kinh phí và quỹ của các cơ sở y tế; nguồn viện trợ và tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; nguồn thu từ dịch vụ xét nghiệm; sự đóng góp của các lực lượng tuyến đầu chống dịch, chính sách thuế (miễn, giảm, gia hạn thuế…), chính sách tín dụng (giảm lãi, kéo dài thời gian trả nợ, gia hạn, giữ nguyên nhóm nợ…).

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa phát biểu tại Hội thảo

KTNN cũng sẽ kiểm toán việc sử dụng các nguồn lực. Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa, đây là nội dung quan trọng nhất của cuộc kiểm toán chuyên đề này, bởi có rất nhiều chính sách, khoản chi của Trung ương, các Bộ, ngành, địa phương dành cho các lực lượng như chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch (y, bác sĩ, quân đội, công an, tình nguyện viên…); chính sách đối với bệnh nhân được điều trị, người bị cách ly y tế; chính sách đối với người lao động; chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với lực lượng sản xuất và lưu thông hàng hóa; các đơn vị sử dụng người lao động.

Ngoài ra, KTNN sẽ tập trung vào khó khăn, vướng mắc và những vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức xây dựng, thanh, quyết toán chi phí xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp các cơ sở thu dung, cơ sở cách ly, cơ sở điều trị, bệnh viện dã chiến; khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng các khoản viện trợ, tài trợ bằng hiện vật, nhất là các phương tiện phòng, chống dịch như vắc xin, phương tiện vận tải, máy thở, ôxy và các trang thiết bị y tế khác; việc xây dựng và ban hành giá các loại dịch vụ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhất là giá các dịch vụ xét nghiệm; khó khăn vướng mắc trong việc thanh, quyết toán chi phí khám chữa bệnh thông thường và khám chữa bệnh cho người bệnh mắc Covid-19…

Từ các bài tham luận của các diễn giả, ý kiến phát biểu của các lực lượng tuyến đầu chống dịch, KTNN sẽ hoàn thiện đề cương và lưu ý trong quá trình thực hiện cuộc kiểm toán chuyên đề này trong thời gian tới.

Nhiều khó khăn, bất cập trong huy động và sử dụng các nguồn lực chống dịch

Phát biểu tại Hội thảo, lãnh đạo nhiều bệnh viện trên cả nước đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc huy động và quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch từ chính những đơn vị tuyến đầu chống dịch.

Phạm Xuân Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội

Ông Phạm Xuân Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho rằng, hiện nay, chế độ, chính sách đối với nhân viên y tế tham gia phòng, chống dịch và phục vụ Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 còn thấp và nhiều bất cập. Theo đó, đối với các đoàn hỗ trợ chống dịch tại các địa phương, toàn bộ chi phí đi lại, vé máy bay, hỗ trợ thêm ăn uống cho các đoàn chống dịch, Trường Đại học Y Hà Nội huy động từ nguồn lực cộng đồng và nguồn lực của Nhà trường. Hiện, một số quận của TP. Hồ Chí Minh chưa thực hiện xong việc thanh toán phụ cấp cho các đoàn hỗ trợ của Nhà trường.

Hiện nay, Trường cũng chưa được nhận chi phí hỗ trợ tiêm chủng do NSNN cấp; chi phí cho Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 vẫn chưa thanh toán (tiền lương, phụ cấp, tiền làm ngoài giờ…) và thu nhập tăng thêm; việc thanh toán chi chống dịch chưa có sự bóc tách giữa các mức điều trị theo các tầng của Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19; khó tách rạch ròi chi phí điều trị bệnh Covid-19 do NSNN chi trả và chi phí khám bệnh, chữa bệnh do Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả.

Theo ông Đỗ Minh Trí, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, việc thanh toán chi phí điều trị của người bệnh Covid-19 hiện có một số vướng mắc. Cụ thể, chi phí điều trị của bệnh nhân Covid-19 vẫn phải thực hiện phân tách chi phí điều trị Covid-19 và chi phí điều trị các bệnh khác, trong đó, NSNN chi trả chi phí điều trị Covid-19 và chi phí điều trị các bệnh khác do cơ quan bảo hiểm hoặc người bệnh chi trả; chỉ khi có những nguyên nhân bất khả kháng khiến không thể bóc tách được chi phí điều trị Covid-19 và chi phí điều trị các bệnh khác thì NSNN chi trả theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, các văn bản hiện hành không quy định các nguyên nhân bất khả kháng là gì để có thể áp dụng thực hiện.

“Qua quá trình thực tế điều trị người bệnh Covid-19 trong thời gian qua, Bệnh viện đa khoa Đức Giang nhận thấy rất khó để phân tách rõ ràng, chính xác các chi phí điều trị Covid-19 và chi phí điều trị các bệnh khác và Bệnh viện cũng không có căn cứ để xác định đây có phải nguyên nhân bất khả kháng hay không”, ông Đỗ Minh Trí cho biết.

Đồng thời, chi phí khám, chữa bệnh điều trị Covid-19 được NSNN đảm bảo theo chi phí thực tế. Tuy nhiên, chi phí thực tế hiện nay có thể được xác định theo 2 phương pháp. Phương pháp thứ nhất, các chi phí như tiền khám bệnh, tiền giường, tiền dịch vụ kỹ thuật đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành mức giá thống nhất thanh toán theo mức giá, số lượng dịch vụ thực tế người bệnh Covid-19 sử dụng.

Đối với chi phí thuốc, máu, dịch truyền, vật tư… chưa được kết cấu trong giá khám bệnh, giường, dịch vụ kỹ thuật thanh toán theo số lượng thực tế sử dụng cho người bệnh Covid-19 và giá theo kết quả đấu thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.

Phương pháp này có ưu điểm thuận tiện cho cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 tổng hợp chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh Covid-19. Tuy nhiên, trong quá trình đảm bảo chi phí hoạt động của cơ sở thu dung, điều trị Covid-19, một số chi phí được kết cấu trong giá khám bệnh, giường, dịch vụ kỹ thuật như chi phí điện, nước, xử lý chất thải… đã được NSNN đảm bảo dẫn đến trùng lắp nguồn kinh phí.

Phương pháp thứ hai, cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 tổng hợp toàn bộ các chi phí thực tế phát sinh trong khám bệnh, chữa bệnh sử dụng cho người bệnh Covid-19 bao gồm chi phí lương, chi phí hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế… Phương pháp này có thể tránh được việc trùng lắp nguồn kinh phí. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai điều trị người bệnh Covid-19, Bệnh viện đa khoa Đức Giang thấy rằng việc xác định các chi phí và tổng hợp chi tiết như trên tốn nhiều thời gian và không đảm bảo chính xác.

Theo ông Đỗ Minh Trí, hiện nay, Bệnh viện đa khoa Đức Giang đang tổng hợp chi phí điều trị Covid-19 theo phương pháp số 1 và mẫu bảng kê chi phí điều trị thực hiện theo quy định của Bộ Y tế, theo đó, người bệnh hoặc người nhà người bệnh sẽ phải ký bảng kê để xác nhận các chi phí trong quá trình điều trị. Tuy nhiên, do đặc thù của người bệnh Covid-19 để đảm bảo công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện đa khoa Đức Giang không thể cho người bệnh Covid-19 ký bảng kê khi ra viện (một số bệnh nhân không ký được).

Ông Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất phát biểu tại Hội thảo

Theo ông Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, Giám đốc Bệnh viện dã chiến đa tầng Tân Bình, hiện nay, tình hình dịch bệnh tạm ổn, các hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới, các bệnh viện trở lại hoạt động khám, chữa bệnh thường quy, các doanh nghiệp trở lại hoạt động kinh doanh sản xuất…

Ông Lê Đình Thanh cho biết, lúc này các nguồn lực hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch tại Bệnh viện dã chiến đa tầng Tân Bình thực sự gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt về nguồn nhân lực; việc thanh toán chế độ chính sách hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu chậm trễ phải qua nhiều khâu; các vật tư tiêu hao, nhu yếu phẩm, suất ăn… gặp khó khăn do không còn được tài trợ, Bệnh viện không có tài khoản riêng nên không thể mua sắm, đấu thầu.

Vì phải thành lập bệnh viện dã chiến trong điều kiện hỏa tốc để cứu chữa bệnh nhân nên phải mượn một số thuốc men, vật tư, trang thiết bị y tế của Bệnh viện Thống Nhất; một số dịch vụ khác (bảo vệ, vệ sinh…) thì thỏa thuận và động viên các đơn vị cung cấp trước, nên cuối năm việc thanh toán gặp nhiều khó khăn vì phải làm lại quy trình đấu thầu.

Thành phố có ngân sách để hỗ trợ người trực tiếp làm việc tại Bệnh viện dã chiến đa tầng Tân Bình. Danh sách quyết toán phải do quận duyệt nhưng về phía quận thì không nắm hết đặc thù của bệnh viện dã chiến nên phải chờ ý kiến Thành phố dẫn đến việc duyệt danh sách thanh quyết toán chậm trễ.

Cũng theo ông Lê Đình Thanh, chi phí suất ăn cho bệnh nhân và đối tượng tham gia chống dịch ở bệnh viện dã chiến hiện nay mới chỉ tạm ứng chứ chưa thanh toán được. Lý do là danh sách phải được UBND quận duyệt nhưng quận lại không trực tiếp tuyển dụng và sử dụng nhân lực.

Về chi chế độ phụ cấp chống dịch cho đối tượng trực tiếp chăm sóc bệnh nhân, vệ sinh thu gom rác tại khu điều trị bệnh nhân Covid-19 theo Nghị quyết 16/NQ-CP đối với tình nguyện viên là 130.000 đồng/người/ngày là chưa hợp lý vì những đối tượng này tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh, nguy cơ lây nhiễm cao.

Về thanh, quyết toán chi phí xét nghiệm, theo quy định của Bộ Y tế thì Bệnh viện phải tổ chức xét nghiệm định kỳ miễn phí cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân điều trị nội trú và nhân viên y tế. Đến nay, Bệnh viện đã chi cho hoạt động này gần 20 tỷ đồng, tuy nhiên mới chỉ nhận được nguồn từ Bộ Y tế cấp khoảng 9,4 tỷ đồng nên không đủ nguồn để thanh toán cho các đơn vị đối tác.

Đối với bệnh nhân ngoại trú theo quy định của Bộ Y tế thì trong giai đoạn đầu không được chi trả tiền xét nghiệm Covid-19 dẫn đến sự bức xúc, phản ứng, Bệnh viện phải sử dụng các kít xét nghiệm của nhà tài trợ nhưng không đủ nên buộc phải miễn phí.

Ông Lê Đình Thanh cũng cho biết, hiện nay, Bộ Y tế yêu cầu không được thu phí xét nghiệm của bệnh nhân ngoại trú, tuy nhiên thanh toán ở nguồn nào thì chưa có hướng dẫn. Điều này tạo nên nhiều khó khăn cho tài chính của Bệnh viện. Ngoài việc thực hiện chống dịch ở bên ngoài thì tại Bệnh viện Thống Nhất cũng có nhiều lực lượng tham gia chống dịch (vùng đệm, cấp cứu, tiêm vắc xin…) cần nguồn tiền hỗ trợ rất lớn nhưng hiện nay Bệnh viện mới chỉ nhận được hơn 1,7 tỷ đồng, không đủ chi trả cho nhân viên…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những bất cập trong huy động và sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO