Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính nhà nước cho tăng trưởng kinh tế
Sáng 7/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách Nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ Quốc gia.
Quy định cụ thể, đầy đủ các nhiệm vụ chi và nguồn chi
Các chính sách lớn khi đề xuất sửa đổi, bổ sung tại dự án luật này tập trung giải quyết những vướng mắc trong cơ chế chia sẻ, phân bổ, huy động nguồn lực ngân sách nhà nước, tài sản công nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính nhà nước cho tăng trưởng kinh tế. Các nội dung này được thể hiện ở việc sửa Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Đồng thời, việc sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Kế toán nhằm tập trung chính sách nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tăng cường phân cấp, phân quyền cho các cấp…
Phát biểu thảo luận, đại biểu Trần Chí Cường - Đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng tán thành sự cần thiết việc sửa đổi, bổ sung và cơ bản thống nhất với 8 nhóm chính sách trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung 7 luật trình tại kỳ họp. Góp ý đối với phần sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách Nhà nước, đại biểu nhất trí cao với việc sửa đổi, bổ sung khoản 10 và 10a Điều 8 như dự thảo trình. Tuy nhiên, cần rà soát quy định cụ thể, đầy đủ các nhiệm vụ chi và nguồn chi để bảo đảm bao quát các nội dung được chi quy định tại các luật đã và đang được ban hành như Luật Đầu tư công sửa đổi, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.
Đồng thời, đại biểu đề nghị bổ sung điểm d, khoản 9, Điều 9 quy định chính sách sử dụng ngân sách địa phương, qua thực tiễn, các địa phương thường phát sinh những nhiệm vụ chi khác, nếu không được quy định sẽ rất khó thực hiện. Do vậy, ngoài quy định như dự thảo, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm quy định được sử dụng dự phòng ngân sách địa phương để hỗ trợ các địa phương khác khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa nghiêm trọng, phòng chống dịch; xóa nhà tạm; xây dựng các công trình trên đảo, khu vực biên giới và các trường hợp cấp thiết khác để bảo đảm điều kiện cho các địa phương trong tổ chức thực hiện.
Về sửa đổi, bổ sung điểm đ, khoản 2, Điều 59 sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi có quy định: “Tăng chi đầu tư một số dự án quan trọng và các nhiệm vụ chi quy định tại khoản 10 và khoản 10a, Điều 8 Luật này”. Đại biểu cho rằng, quy định như vậy đã mở rộng và xác định một số nhiệm vụ chi cụ thể hơn so với khoản 2, Điều 59 của luật hiện hành. Tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ sung chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu thực tiễn, dẫn đến một số nhiệm vụ cấp thiết khác của địa phương như chi an ninh quốc phòng, kiến thiết thị chính, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và biến đổi khí hậu lại không thể bố trí từ nguồn này.
Việc quy định thiếu linh hoạt như vậy sẽ dẫn đến tình trạng một số địa phương có tăng thu ngân sách nhưng không thể sử dụng, làm giảm hiệu quả sử dụng ngân sách.
Vì vậy, đại biểu đề nghị nghiên cứu mở rộng phạm vi sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi tại điểm đ, khoản 2, Điều 59 theo hướng: “Tăng chi đầu tư một số dự án quan trọng, các nhiệm vụ chi quy định tại khoản 10 và khoản 10a, Điều 8 luật này và các nhiệm vụ chi cần thiết khác của ngân sách các cấp”.
Một vấn đề khác, theo đại biểu Trần Chí Cường, hiện nay, tại một số địa phương đang thực hiện mô hình chính quyền đô thị, theo đó, cấp quận, phường không còn là một cấp ngân sách, chỉ là một cấp dự toán. Dù vậy, chính quyền địa phương cấp quận, phường vẫn được giao chỉ tiêu thu ngân sách hàng năm, tuy nhiên, thực tế đang vướng cơ chế thưởng nếu địa phương vượt thu. Theo quy định tại khoản 4, Điều 59 luật hiện hành thì khoản thưởng vượt thu chỉ được thực hiện giữa các cấp ngân sách.
Vì vậy, nhằm tạo động lực thúc đẩy cho các địa phương, nhất là các quận, phường trong việc đẩy mạnh tăng cường các giải pháp phát triển kinh tế xã hội, nuôi dưỡng nguồn thu, tăng cường đôn đốc thu bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách của các địa phương, đại biểu kiến nghị xem xét, nghiên cứu, sửa đổi bổ sung thêm quy định áp dụng đối với những địa phương đang thực hiện tổ chức chính quyền đô thị.
Cụ thể: “UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quy định về cơ chế thưởng vượt thu so với dự toán đối với các cấp chính quyền địa phương là đơn vị được giao dự toán thu ngân sách hàng năm có vượt thu phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương”.
Kiến nghị cho phép chủ doanh nghiệp kiêm nhiệm kế toán trưởng
Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, việc sửa đổi một số quy định của Luật Chứng khoán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Kế toán… nhằm đề xuất các chính sách hướng tới đảm bảo tính công khai, minh bạch, thuận lợi để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, quyền tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp, thu hút các nguồn lực của nhà đầu tư trong và ngoài nước, đảm bảo phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán một cách bền vững…
Tham gia thảo luận sửa đổi Luật Kế toán, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ - Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh cho ý kiến về việc bổ sung khoản 3a, Điều 71. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm ban hành chế độ kế toán cho các tổ chức tín dụng (TCTD), nhằm bảo đảm sự tuân thủ các chuẩn mực kế toán theo quy định. Điều này được cho là cần thiết bởi đặc thù của các TCTD khác biệt so với các loại hình đơn vị khác.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ nhấn mạnh rằng các TCTD thực hiện các giao dịch tài chính với khách hàng có những quy trình và đặc điểm riêng, đòi hỏi phải có quy định riêng phù hợp với thực tiễn hoạt động. Hiện có một số vướng mắc liên quan đến chữ ký, mẫu chứng từ và quy trình lưu chuyển chứng từ, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.
Đại biểu dẫn chứng khoản 3, Điều 19 Luật Kế toán hiện hành quy định chứng từ kế toán chi tiền phải do người có thẩm quyền duyệt chi và kế toán trưởng hoặc người được ủy quyền ký trước khi thực hiện. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, việc yêu cầu chữ ký của kế toán trưởng trên chứng từ chi tiền của khách hàng có thể không cần thiết, dẫn đến gia tăng khối lượng chứng từ lưu trữ và chi phí vận hành cho cả khách hàng và TCTD. Đại biểu đề xuất cần có sự linh hoạt hơn trong quy định này, nhằm giảm bớt gánh nặng về quy trình, thủ tục cho các TCTD và các doanh nghiệp.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cũng cho rằng, hiện nay nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn trong việc cung cấp hồ sơ quyết định bổ nhiệm kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán. Một số doanh nghiệp thuê dịch vụ kế toán bên ngoài, không có nhân sự kế toán cố định trong khi những doanh nghiệp có nhân viên kế toán thường xuyên thay đổi nhân sự, gây khó khăn trong việc thực hiện chứng từ, đặc biệt là khi giao dịch với ngân hàng.
Để giải quyết vấn đề này, đại biểu đề xuất cơ quan soạn thảo nghiên cứu áp dụng chế độ kế toán đơn giản cho phép chủ doanh nghiệp kiêm nhiệm chức danh kế toán trưởng tại mức doanh thu cao hơn quy định hiện hành. Theo Điều 8, Chương 1 của Thông tư 132/2018/TT-BTC, các doanh nghiệp siêu nhỏ không bắt buộc phải có kế toán trưởng, nhưng tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, vừa vẫn còn thấp so với thực tiễn.
Cụ thể, doanh siêu nhỏ trong nông nghiệp, thủy sản có số lao động không quá 10 người và doanh thu không quá 3 tỷ đồng. Mức quy định này không phản ánh đúng thực tiễn kinh tế hiện nay. Việc cho phép chủ doanh nghiệp kiêm nhiệm kế toán trưởng sẽ giảm bớt gánh nặng hành chính và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quản lý tài chính.
Tham gia thảo luận về Luật Quản lý sử dụng tài sản công, đại biểu Nguyễn Tri Thức - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh chỉ rõ, Luật chưa quy định dùng tài sản là quyền sử dụng đất để liên doanh liên kết. Thực tế trong khi ngân sách nhà nước cấp còn thiếu nhiều, các bệnh viện công lập mong muốn được liên doanh liên kết với các đơn vị, tổ chức xây mới cơ sở hạ tầng, và trang thiết bị y tế trên khuôn viên của bệnh viện.
Từ thực tiễn công tác, đại biểu khuyến nghị: Ngoài việc được sử dụng các tài sản công theo quy định tại khoản 1, điều 58 để đưa vào liên doanh liên kết, thì quyền sử dụng đất cũng cần thiết được pháp luật quy định, vì trường hợp xây dựng mới cơ sở trên khuôn viên đất của bệnh viện thì quyền sử dụng đất phải được tính vào giá trị liên doanh liên kết để đảm bảo quyền lợi cho bệnh viện.