Luật Bảo vệ Môi trường 2014 đã quy định, đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường gồm các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Dự án có sử dụng đất của khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, khu di tích lịch sử - văn hóa, khu di sản thế giới, khu dự trữ sinh quyển, khu danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng; Dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường…
Hoạt động sản xuất tại Chi nhánh mỏ tuyển đồng Sin Quyền (Lào Cai). Ảnh: Hoàng Minh |
Chủ dự án phải lập lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường trong các trường hợp sau: Không triển khai dự án trong thời gian 24 tháng kể từ thời điểm quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường; Thay đổi địa điểm thực hiện dự án so với phương án trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; Tăng quy mô, công suất, thay đổi công nghệ làm tăng tác động xấu đến môi trường so với phương án trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2020, trên cơ sở đề xuất của Bộ TN&MT, Chính phủ đã thống nhất ban hành Nghị quyết số 129/NQ-CP, trong đó Chính phủ cho phép các dự án đã được phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, nếu không thay đổi địa điểm, tăng quy mô công suất thì không phải lập lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Mới đây, Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 54/2021/NĐ-CP quy định chi tiết về đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Nghị định áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đầu tư xây dựng và hoạt động cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo yêu cầu của nhà đầu tư.
Theo Nghị định này, đối tượng phải thực hiện các nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường bao gồm: Đánh giá sự phù hợp của địa điểm thực hiện dự án đầu tư với Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia, Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và quy hoạch khác có liên quan; Nhận dạng, dự báo các tác động môi trường chính của dự án đầu tư đối với môi trường trên cơ sở quy mô, công nghệ sản xuất và địa điểm thực hiện dự án; Nhận diện yếu tố nhạy cảm về môi trường của khu vực thực hiện dự án đầu tư theo các phương án về địa điểm (nếu có); Phân tích, đánh giá, lựa chọn phương án về quy mô, công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý chất thải, địa điểm thực hiện dự án đầu tư và biện pháp giảm thiểu tác động môi trường; Xác định các vấn đề môi trường chính và phạm vi tác động đến môi trường cần lưu ý trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường.
Gần 90% doanh nghiệp ở Việt Nam bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh |
Một số các dự án đầu tư được chuyển tiếp là những dự án đã được cơ quan có thẩm quyền tổ chức thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường trước ngày 21/5/2021 với kết quả thông qua không cần chỉnh sửa, bổ sung và dự án đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường trước ngày 21/5/2021 thì không phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường.
Dự án đầu tư đã thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường và được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư thì không phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường khi đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Đối với dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 1/1/2021 và đã có Báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường thì được tiếp tục thực hiện theo quy định của pháp luật tại thời điểm tiếp nhận. Trường hợp dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 1/1/2021 nhưng chưa có Báo cáo đánh giá tác động môi trường thì thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, pháp luật về đầu tư công.