Theo quy định của pháp luật hiện hành, chất thải rắn hiện đang được quản lý theo các quy định về chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường và các chất thải đặc thù khác (như chất thải từ hoạt động y tế, hoạt động xây dựng, hoạt động nông nghiệp, chất thải từ hoạt động giao thông vận tải) nhưng đến nay, việc quản lý vẫn chưa thật sự thống nhất giữa các Bộ, ngành.
7 Bộ cùng quản lý
Trong các loại chất thải rắn nêu trên, trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất thải nguy hại đã được giao thống nhất trên phạm vi toàn quốc cho Bộ TN&MT. Theo đó, Bộ TN&MT có trách nhiệm quy định về danh mục, mã và ngưỡng chất thải nguy hại (CTNH); yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý về phân định, phân loại, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển, sơ chế, tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý và thu hồi năng lượng; quy định trình tự, thủ tục đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; cấp và thu hồi Giấy phép xử lý chất thải nguy hại; kiểm soát vận chuyển xuyên biên giới chất thải nguy hại theo Công ước Basel… Việc giao chất thải nguy hại cho một đơn vị đầu mối quản lý từ khi phát sinh đến khi xử lý, thiêu hủy cuối cùng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tỷ lệ chất thải nguy hại được tái sử dụng, tái chế và xử lý đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường ngày càng tăng trong thời gian vừa qua.
Đối với chất thải khác như chất thải rắn (CTR) công nghiệp thông thường và các loại chất thải đặc thù khác như chất thải từ hoạt động y tế, chất thải từ hoạt động nông nghiệp, chất thải rắn từ hoạt động xây dựng… đang có sự tham gia quản lý Nhà nước của nhiều Bộ, cơ quan liên quan. Theo ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT, nhiều năm qua, có tới 7 Bộ cùng quản lý chất thải rắn. Ngoài Bộ TN&MT còn có Bộ Xây dựng, quản lý chất thải từ hoạt động xây dựng và chất thải rắn sinh hoạt. Bộ Y tế phụ trách hoạt động bảo vệ môi trường trong hoạt động y tế. Bộ KH&CN quản lý nhiên liệu hạt nhân, nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn, chất thải phóng xạ. Bộ NN&PTNT quản lý chất thải trong nông nghiệp. Bộ GTVT có chức năng quy định chi tiết chất thải nguy hại, chất thải rắn phát sinh từ hoạt động GTVT. Bộ Công Thương ban hành Thông tư về quản lý môi trường trong lĩnh vực công thương.
Riêng đối với chất thải rắn sinh hoạt hiện còn nhiều bất cập. Mặc dù, Bộ TN&MT được giao thống nhất quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, nhưng một số nội dung về: Hướng dẫn quản lý đầu tư xây dựng cơ sở xử lý CTR sinh hoạt theo quy hoạch được phê duyệt; phương pháp lập, quản lý chi phí và phương pháp định giá dịch vụ xử lý CTR sinh hoạt; công bố định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt; suất vốn đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất CTR lại được giao Bộ Xây dựng thực hiện dẫn đến Bộ TN&MT khó thống nhất quản lý Nhà nước về CTR sinh hoạt.
Quản lý, xử lý chất thải rắn chưa thật sự thống nhất giữa các Bộ, ngành. Ảnh: MH |
Thực thi chính sách gặp khó
Hiện, các văn bản dưới luật như Nghị định số 36/2017/NĐ-CP, Nghị định số 46/2015/NĐ-CP, Nghị định 38/2015/NĐ-CP… đang có sự phân đoạn và không rõ ràng trong phân công chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện quản lý Nhà nước về CTR; chưa quy định, phân luồng quản lý CTR một cách thống nhất… Trong khi đó, công nghệ xử lý CTR hiện nay chủ yếu là chôn lấp; rác chưa được phân loại tại nguồn; kinh phí cho hoạt động thu gom, vận chuyển xử lý CTR sinh hoạt chủ yếu dựa vào ngân sách tại các địa phương. Nhưng, mức thu phí vệ sinh hiện nay còn rất thấp, nên chỉ bù đắp một phần chi phí thu gom, vận chuyển…
Riêng đối với hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến chất thải, vẫn còn tồn tại rất nhiều bất cập. Một số quy chuẩn đã được rà soát, điều chỉnh nhưng chưa xem xét hết các vấn đề trong thực tế dẫn đến thiếu tính khả thi khi triển khai áp dụng.
Việc tổ chức triển khai quy hoạch quản lý CTR đã phê duyệt tại các địa phương còn chậm; đầu tư cho công tác quản lý chất thải còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; quá trình để triển khai vay vốn thực hiện các dự án xử lý chất thải còn nhiều thủ tục và khó khăn; công tác cập nhật thường xuyên các số liệu về tình hình phát sinh, tính chất, thành phần, loại chất thải phải xử lý chưa thường xuyên và đầy đủ, do vậy dẫn đến khó khăn trong việc quản lý chất thải.
Ngoài ra, đối với công tác quản lý CTNH, chính do còn thiếu các quy định về công nghệ xử lý, tái chế CTNH nên quá trình triển khai thiếu cơ sở đánh giá, giám sát trong quá trình thẩm định cấp phép và quản lý các công nghệ xử lý, tái chế CTNH trong quá trình hoạt động sau cấp phép.