Nhiều chính sách có hiệu lực trong tháng 4/2018

02/04/2018 18:26

Trách nhiệm báo cáo công tác bảo vệ môi trường đối với cơ sở sản xuất ngành xây dựng Từ ngày 01/4/2018,  Thông tư  số 02/2018/TT-BXD quy định về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình và chế độ báo cáo công tác bảo vệ môi trường ngành Xây dựng bắt đầu có hiệu lực.

(TN&MT) - Từ đầu tháng 4/2018,  trách nhiệm bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình được phân rõ theo quy định của Thông tư 02/2018/TT-BXD. Đồng thời, các quy định liên quan đến quyền tác giả; phương thức giải ngân vốn cho vay của tổ chức tín dụng; quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mới về phụ tùng của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cũng bắt đầu có hiệu lực.

Theo Thông tư số 02/2018/TT-BXD, trách nhiệm bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình của các chủ thể như: chủ đầu tư; nhà thầu xây dựng; Nhà thầu tư vấn quản lý dự án; nhà thầu giám sát xây dựng được phân định rõ ràng.

Khi đó, chủ dự án cần lập kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường trên cơ sở chương trình quản lý môi trường trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc Kế hoạch bảo vệ môi trường đã được cấp có thẩm quyền xác nhận trước khi thi công xây dựng công trình. Đồng thời, chủ đầu tư có trách nhiệm đình chỉ thi công và yêu cầu nhà thầu khắc phục để đảm bảo về bảo vệ môi trường khi phát hiện nhà thầu vi phạm nghiêm trọng các quy định về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng…

Đối với nhà thầu xây dựng, thực hiện kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường và các quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình thi công gói thầu; Dừng xây dựng công trình khi phát hiện nguy cơ xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường nghiêm trọng và có biện pháp khắc phục để đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi tiếp tục thi công.
 

o nhiem
Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Riêng nhà thầu tư vấn quản lý dự án, nhà thầu giám sát xây dựng có trách nhiệm báo cáo kịp thời cho chủ dự án và các nhà thầu có liên quan về những nguy cơ, vấn đề phát sinh có thể ảnh hưởng đến công tác bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng công trình để có các giải pháp ngăn ngừa, xử lý phù hợp.

Chính sách của Nhà nước về quyền tác giả

Theo quy định của Nghị định số 22/2018/NĐ-CP về hướng dẫn Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009), Nhà nước hỗ trợ tài chính để mua bản quyền cho các cơ quan, tổ chức Nhà nước có nhiệm vụ phổ biến tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có giá trị tư tưởng, khoa học, giáo dục và nghệ thuật phục vụ lợi ích công cộng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, chính sách của Nhà nước về quyền tác giả và các quyền liên quan là: Ưu tiên đầu tư cho đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức làm công tác quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan từ trung ương đến địa phương; Ưu tiên đầu tư, ứng dụng khoa học và công nghệ trong việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan; Đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan. Tăng cường giáo dục kiến thức về quyền tác giả, quyền liên quan trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác phù hợp với từng cấp học, trình độ đào tạo. Đồng thời, huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư nâng cao năng lực hệ thống bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Nghị định số 22/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/4/2018.

Một số quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mới trong lĩnh vực giao thông đường bộ được ban hành

Bắt đầu từ ngày 01/4, Thông tư 31/2017/TT-BGTVT có hiệu lực. Thông tư này ban hành một số quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mới về phụ tùng của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, gồm:  Quy chuẩn số QCVN 32:2017/BGTVT về kính an toàn của xe ô tô; Quy chuẩn số QCVN 34:2017/BGTVT về lốp hơi của xe ô tô;  Quy chuẩn số QCVN 35:2017/BGTVT về đặc tính quang học đèn chiếu sáng phía trước của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

o to xe may 1476954544
Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Đồng thời, Thông tư này cũng bãi bỏ khoản 1, 3 Điều 1 Thông tư 57/2011/TT-BGTVT và khoản 1 Điều 1 Thông tư 39/2010/TT-BGTVT.

Các trường hợp tổ chức tín dụng giải ngân vốn cho vay bằng tiền mặt

Nội dung này được ghi nhận tại Thông tư 21/2017/TT-NHNN về quy định phương thức giải ngân vốn cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Thông tư có hiệu lực từ ngày 02/4/2018.

Theo đó, tổ chức tín dụng được xem xét quyết định giải ngân vốn cho vay bằng tiền mặt trong các trường hợp:

- Khách hàng thanh toán, chi trả cho bên thụ hưởng (không bao gồm pháp nhân) không có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán;

-  Khách hàng là bên thụ hưởng (không bao gồm pháp nhân) đáp ứng các điều kiện dưới đây: Không có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán;  Đã ứng vốn tự có để thanh toán, chi trả các chi phí thuộc chính phương án, dự án kinh doanh hoặc phương án, dự án phục vụ đời sống được tổ chức tín dụng cho vay quyết định cho vay theo quy định của pháp luật.

Thông tư cũng quy định, khách hàng phải gửi cho tổ chức tín dụng cho vay văn bản cam kết của bên thụ hưởng về việc bên thụ hưởng không có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều chính sách có hiệu lực trong tháng 4/2018
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO