Nhất quán quan điểm đóng cửa rừng tự nhiên

Tuyết Chinh| 10/11/2020 16:04

(TN&MT) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này khi trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV diễn ra sáng 10/11.

Chấn chỉnh quy hoạch quản lý rừng và hồ đập thủy điện nhỏ

Trả lời chất vấn của các đại biểu về thực hiện “mục tiêu kép”, Thủ tướng cho biết, không chỉ riêng trong năm 2020 mà những năm trước chúng ta đã đối diện với những thách thức lớn chưa từng thấy: đợt hạn hán kỷ lục của gần 100 năm ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, sự cố môi trường Formosa ở các tỉnh miền Trung, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống ở Tây Bắc, bão lũ ngập lụt ở miền Trung hiện nay. Tuy nhiên, bằng quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp, chúng ta đã cùng nhau tạo ra hơn 1200 tỷ USD của tổng GDP trong gần 5 năm trên một nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp trả lời chất vấn của các ĐBQH. Ảnh: Quốc hội

Đại dịch COVID-19 đã tác động đến mọi phương diện của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước cũng như toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã đề ra cam kết, vừa phòng chống dịch hiệu quả, bảo vệ an toàn sức khỏe cho nhân dân, vừa nỗ lực phục hồi, duy trì nhịp độ kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Việt Nam là một trong số ít những ngành kinh tế duy trì được tăng trưởng dương trong bối cảnh kinh tế thế giới rơi vào suy thoái sâu, nhất là từ đại khủng hoảng 1929-1933 đến nay.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bệnh dịch còn rình rập, tình trạng bão chồng bão, lũ chồng lũ xảy ra liên tiếp tại miền Trung gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hàng triệu người dân. Ngay hôm nay, bão cũng đang đang đổ bộ vào Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa với cấp gió rất lớn. Trước tình hình đó, các cấp, các ngành, đặc biệt là các địa phương và lực lượng quân đội đã tập trung toàn lực thực hiện kiên quyết, kịp thời, quyết liệt các biện pháp 4 tại chỗ phòng, chống cứu hộ, cứu nạn. Ban Chỉ đạo tiền phương, các đồng chí Bí thư, Chủ tịch các tỉnh, lãnh đạo các địa phương đã ngày đêm chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường, khắc phục hậu quả thiên tai.

Hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an không quản ngại hiểm nguy gian khó ngày đêm vật lộn với bão lũ để hỗ trợ đồng bào, cứu hộ người dân bị nạn. Nhiều tấm gương cán bộ, chiến sĩ, trong đó có những sĩ quan cao cấp đã hy sinh quên mình. Nhiều tổ chức, cá nhân đã có những nghĩa cử cao đẹp hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân vùng bị ngập lụt.

Chính phủ cũng đã chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương hỗ trợ người dân dựng lại và sửa chữa lại nhà cửa bị hư hại, bảo đảm lương thực, thực phẩm, thuốc men, khắc phục nhanh các công trình hạ tầng, trường học, bệnh viện bị sự cố hư hỏng, ngập lụt, sớm phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội, ổn định cuộc sống của người dân vùng bị ảnh hưởng.

Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ đánh giá nghiêm túc nguyên nhân khách quan và chủ quan về thiên tai, lũ lụt vừa qua, kể cả xem xét tình hình quy hoạch quản lý rừng và hồ đập thủy điện nhỏ để các biện pháp chấn chỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh trồng rừng, bảo vệ rừng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm phá rừng; nâng cao chất lượng rừng, vận hành hiệu quả hồ chứa, liên hồ chứa, bảo đảm an toàn cho sản xuất, cuộc sống của người dân.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quốc Khánh

Chính phủ sẽ triển khai các giải pháp căn bản, lâu dài trước tình hình thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Trong đó, tập trung xây dựng các phương án ứng phó hiệu quả, nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, lập bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt; quy hoạch bố trí dân cư phù hợp hơn. Bên cạnh đó, kiện toàn bộ máy phòng, chống thiên tai, trang bị thêm các phương tiện, thiết bị cần thiết, lựa chọn một số dự án ưu tiên đầu tư để nâng cao năng lực chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ban hành chiến lược ứng phó thiên tai vào cuối năm nay.

Trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới

Theo Thủ tướng Chính phủ, thời gian gần đây, hiện tượng thiên tai, biến đổi khí hậu và thời tiết diễn ra ngày càng khốc liệt hơn, với tần suất dày hơn. Ngoài những thiệt hại về vật chất, chúng ta đau buồn khi thiên tai, bão lũ, các vụ sạt lở đất đã cướp đi sinh mạng của nhiều người dân vô tội.

Bão, lũ và sạt, lở ở miền Trung gần đây hay ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên do biến đổi khí hậu cực đoan, do địa hình dốc đứng, do sự tác động của con người, trong đó có thủy điện nhỏ, công trình hạ tầng… đã tạo ra nhiều tranh luận. “Bất luận là nguyên nhân trực tiếp là gì thì chúng ta vẫn phải tiếp tục bảo vệ rừng, nhất là rừng tự nhiên một cách nghiêm ngặt”, Thủ tướng khẳng định.  

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, ngay từ đầu nhiệm kỳ Thủ tướng đã yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên và chúng ta cần tiếp tục nhất quán với quan điểm đó. Độ che phủ rừng hiện nay của chúng ta đã tăng trở lại trên 42%, song so với nhiều nước thì vẫn còn thấp. Do đó, chúng ta phải tiếp tục trồng cây, gây rừng, làm cho Tết trồng cây trở thành một hoạt động thực chất hơn nữa, theo lời dạy của Bác Hồ, hướng đến lời dạy đó.

“Tôi đề xuất sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới trong đó có trồng cây ở các khu đô thị”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhất quán quan điểm đóng cửa rừng tự nhiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO