“Nhận diện” khả năng phân hủy túi ni lông ở Việt Nam

Tuyết Chinh| 01/08/2019 11:22

(TN&MT) - Các loại túi ni lông hiện có trên thị trường Việt Nam có khả năng phân hủy khác nhau, các nhà khoa học Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã khẳng định như vậy sau thời gian dài ấp ủ, nghiên cứu. Đó là cơ sở định hướng cho các cơ quan quản lý về bảo vệ môi trường; đồng thời, giúp người dân biết khả năng phân hủy của sản phẩm túi ni lông khi sử dụng.

Loạn dán nhãn “túi phân hủy sinh học”

Theo thống kê của Bộ TN&MT, trung bình một người sử dụng hơn 1 chiếc túi ni lông mỗi ngày. Chỉ tính riêng 2 thành phố lớn là TP. Hà Nội và TP.HCM thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi ni lông mỗi ngày. Trong khi đó, các nghiên cứu chỉ ra rằng, phải mất hàng trăm, thậm chí, hàng nghìn năm, các chất thải từ nhựa và ni lông mới bị phân hủy, dẫn đến ảnh hưởng lâu dài cho môi trường. Các túi sinh học tự phân huỷ được phát triển để giải quyết vấn đề này, nhưng lại dễ gây nhầm lẫn.
 

T7(1)
Túi ni lông được sử dụng tràn lan ở Việt Nam. Ảnh: Hoàng Minh

Trăn trở về vấn đề xử lý rác thải nhựa, các nhà khoa học Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã nghiên cứu và chứng minh khả năng phân hủy rất khác nhau của các loại túi ni lông hiện có trên thị trường Việt Nam. Trong 2 năm 2016, 2017, PGS. TS Đặng Thị Cẩm Hà (Viện Công nghệ sinh học - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và các cộng sự đã thực hiện Đề tài “Đánh giá khả năng phân hủy của các Polymer phân hủy sinh học hiện có ở Việt Nam trong các điều kiện xử lý khác nhau” góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa, một bài toán rất khó hiện nay.

PGS. TS Đặng Thị Cẩm Hà - Chủ nhiệm đề tài cho rằng, đối với vấn đề túi ni lông cần có người “gác cửa”; phải đánh giá được chính xác túi ni lông hiện nay sử dụng ở Việt Nam có phân hủy không?

Để tìm câu trả lời chính xác nhất, các nhà khoa học đã nghiên cứu 4 nhóm mẫu túi ni lông được quảng cáo là có khả năng phân hủy sinh học trên thị trường trong nước và nước ngoài. Trong đó, có túi ni lông của Đức đã được cấp Chứng chỉ phân hủy sinh học; túi ni lông của Hà Lan cũng được nhận Chứng chỉ phân hủy sinh học, đồng thời, có khả năng ủ Compost; túi do Viện Hóa học - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ tạo ra; túi do các công ty nhập công nghệ nước ngoài vào và được Tổng cục Môi trường chứng nhận là có khả năng phân hủy sinh học, thân thiện môi trường; tất cả các túi ni lông được dùng phổ biến hàng ngày, hàng giờ ở nước ta.

Với đa dạng các phương pháp kỹ thuật hiện đại cùng nhiều lô thí nghiệm được thực hiện với 7 tác nhân sinh học và vật lý khác nhau nhằm thử mức độ phân hủy của từng loại ni lông, nhóm nghiên cứu đã đưa ra kết luận hết sức quan trọng.

“Túi ni lông của Đức, Hà Lan bị phân hủy mạnh nhất bởi tất cả các tác nhân; túi là sản phẩm nghiên cứu của Viện Hóa học có khả năng phân hủy sinh học đứng thứ hai nhưng kém hơn loại trên 3, 4 lần. Còn các loại túi tại các siêu thị được công bố là được cấp chứng chỉ thân thiện môi trường, được sản xuất bằng công nghệ nhập khẩu và túi có nguồn gốc dầu mỏ khả năng phân hủy sinh học rất thấp” - PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà nói.

Điều này cho thấy, việc dán nhãn, công bố túi có khả năng phân hủy sinh học tràn lan trên thị trường hiện nay chưa chính xác và đang gây hiểu nhầm nghiêm trọng cho người tiêu dùng.

“Gác cửa” túi ni lông

PGS. TS Đặng Thị Cẩm Hà cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất bao bì, túi ni lông cần nghiêm túc đưa sản phẩm túi ni lông của mình đi phân tích, đánh giá các tính chất, đặc tính để viết thông tin trên bao bì đúng mức. Khi ấy, người tiêu dùng mới có thông tin chính xác khi lựa chọn sử dụng sản phẩm .

“Điều đáng mừng, sau khi kết quả nghiên cứu được công bố, đã có một số doanh nghiệp sản xuất túi ni lông tìm đến các nhà khoa học, nhờ giúp đỡ để xác định túi ni lông đang sản xuất có khả năng phân hủy hay không” - PGS. TS Đặng Thị Cẩm Hà chia sẻ.

Đặc biệt, kết quả nghiên cứu, còn hướng tới đưa ra được công nghệ xử lý các loại túi ni lông khác nhau bằng con đường sinh học; nói rộng ra là giúp cơ quan xử lý rác có phương pháp xử lý rác thải nhựa, ni lông phù hợp, hiệu quả. Đồng thời, làm tiền đề Nhà nước có định hướng lựa chọn các loại nhựa vào từng mục đích.

Thực tế, chúng ta không thể ngay lập tức thay thế toàn bộ để sử dụng loại túi ni lông phân hủy mà phải có giai đoạn; nghĩa là hướng đích tới từng loại nhựa phải có thời gian để thay thế dần. Cuối cùng, Nhà nước phải quản lý và có chế tài đối với việc sản xuất, sử dụng nhựa tại Việt Nam; trong đó, nên đánh thuế mạnh với tất cả doanh nghiệp sản xuất ra các loại bao bì, túi ni lông khó phân hủy.

“Người dân hãy sử dụng các loại túi vải; siêu thị hãy nhập tất cả các loại nhựa phân hủy sinh học hoàn toàn. Còn doanh nghiệp muốn bán bao bì, túi ni lông phải mang đi để phân tích, kiểm định ở nơi thực sự chất lượng và uy tín. Cùng với đó, các cơ quan quản lý rác thải cần chủ động đề nghị Nhà nước đầu tư phòng thí nghiệm đủ tiêu chuẩn để đánh giá và cho phép các loại nhựa, chất dẻo nào được sử dụng làm vật liệu phân hủy sinh học, góp phần giảm tác động xấu đến môi trường” - PGS. TS Đặng Thị Cẩm Hà đề nghị.

Trong thời gian tới, các nhà khoa học mong muốn tiếp tục nghiên cứu và sử dụng các tác nhân mà đề tài đã chứng minh để tạo công nghệ hướng tới xử lý rác thải nhựa, chất dẻo có khả năng phân hủy sinh học. Đồng thời, được cho phép thử xý rác thải nhựa, chất dẻo ở quy mô lớn dẫn những chế phẩm mà đề tài tạo ra.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Nhận diện” khả năng phân hủy túi ni lông ở Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO