Một tỉnh “gánh” hàng loạt nhà máy xi măng
Với nguồn trữ lượng đá vôi lớn, có thể khai thác hàng chục năm, tỉnh Nghệ An được xác định là một trong những trọng điểm sản xuất xi măng của cả nước.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 3 nhà máy xi măng đang hoạt động. Đó là 2 nhà máy thuộc Tập đoàn xi măng The Vissai gồm Nhà máy xi măng Sông Lam hoạt động từ năm 2016 với công suất 4,5 triệu tấn/năm(xã Bài Sơn, huyện Đô Lương); Nhà máy Xi măng Sông Lam 2 (huyện Anh Sơn, công suất 600 nghìn tấn xi măng/năm) và Nhà máy xi măng Hoàng Mai với công suất khoảng 2 triệu tấn sản phẩm/năm.
Khai thác đất chứa hàm lượng quặng sắt tại xóm Gia Đề, xã Nghĩa Dũng khiến cho cả quả đồi tan hoang |
Bên cạnh đó, Nhà máy xi măng Tân Thắng dự kiến bắt đầu đi vào vận hành thử nghiệm trong quý I/ năm 2020, công suất là gần 2 triệu tấn/năm. Ngoài ra, tỉnh Nghệ An cũng đã thống nhất việc lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy Xi măng Hoàng Mai 2 công suất 3 triệu tấn/năm tại Khu công nghiệp Hoàng Mai 2.
Đó là chưa kể đến giai đoạn 2 của Dự án Nhà máy xi măng Sông Lam đã được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 922/2016 với 2 dây chuyền sản xuất clinker công suất 12.000 tấn/ngày, 2 dây chuyền nghiền xi măng đồng bộ và đóng bao công suất 3,8 triệu tấn xi măng/năm tại Trạm nghiền Nghi Thiết (huyện Nghi Lộc).
Chưa kể đến dự kiến sau năm 2020, tổng quy mô công suất các nhà máy xi măng đóng tại Nghệ An sẽ lên tới khoảng 13 - 15 triệu tấn xi măng sản xuất ở Nghệ An. Như vậy, có thể nói nhu cầu về vùng nguyên liệu của hàng loạt các nhà máy xi măng trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện nay đang vô cùng lớn và sẽ càng tăng cao khi các dự án đã được chấp thuận đầu tư sau này xây dựng hoàn thành và đi vào vận hành.
Nở rộ khai thác nguyên liệu phụ gia không phép
Vì lý do nhu cầu nguồn cung nguyên liệu đầu vào lớn như trên,tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là các loại đá sét, đất sét (có hàm lượng sắt, mangan)… làm nguyên liệu phụ gia sản xuất xi măng nhưng chưa được cơ quan chức năng cấp phép trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang có chiều hướng gia tăng. Tình trạng này dẫn đến việc thất thoát tài nguyên khoáng sản, gây ảnh hưởng đến môi trường, mất an ninh trật tự và để lại nhiều hệ lụy khác.
Mới đây, vào ngày 26/12/2019, tại khu vực đồi đất trồng cây của người dân thuộc xóm Liên Sơn, xã Bài Sơn, huyện Đô Lương có một nhóm người đã ngang nhiên đưa máy múc cùng hàng chục chiếc xa tải vào khai thác đất sét có hàm lượng quặng sắt rồi nườm nượp chở vào khu tập kết nguyên liệu của Nhà máy xi măng Sông Lam tiêu thụ.
Hay tại xóm Gia Đề, xã Nghĩa Dũng (Tân Kỳ), thời gian qua, đã có một nhóm người ngang nhiên đưa nhiều máy móc vào khu vực đồi Khe Nước (sát đập Trường Thọ) để khai thác đất đồi trái phép, cả một khu vực đồi núi sát khu dân cư tại xã Nghĩa Dũng tan hoang. Số đất này sau đó cũng được các đối tượng chở về các nhà máy xi măng trên địa bàn tiêu thụ để làm phụ gia sản xuất xi măng.
Hay vào đầu tháng 7/2019, qua công tác nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an Nghệ An đã phát hiện tại khu vực Rú Đọt, thuộc xóm 3, xã Thành Sơn, huyện Anh Sơn, có nhiều phương tiện thực hiện hành vi khai thác trái phép đất làm phụ gia sản xuất xi măng.
Tại thời điểm phát hiện vụ việc, lái máy xúc Nguyễn Duy Hưng (SN 1985), trú tại xóm 2, xã Nhân Sơn, Đô Lương đang thực hiện hành vi xúc đất đổ lên xe tải do Nguyễn Văn Linh (SN 1990), trú tại Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Lưu điều khiển. Lực lượng chức năng đã phối hợp với chính quyền địa phương, lập biên bản và yêu cầu đình chỉ, tạm giữ các phương tiện vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.
Số liệu từ Sở TN&MT tỉnh Nghệ An, dù là địa phương có đến 3 nhà máy xi măng đã và đang hoạt động từ nhiều năm nay với công suất hoạt động lên đến khoảng trên dưới 6 triệu tấn/năm nhưng trên địa bàn tỉnh này vẫn chưa có một mỏ nguyên liệu phụ gia xi măng như đất sét, đá sét, cát silic... nào được cấp giấy phép khai thác theo nhu cầu.
Về vấn đề này, một cán bộ Phòng Khoáng sản (Sở TN&MT tỉnh Nghệ An), cho hay: Hiện nay, có quy hoạch vài mỏ phụ gia cho ngành sản xuất xi măng nhưng chưa được cấp giấy phép khai thác. Vì thế, để có nguồn phụ gia này cho các nhà máy hoạt động thì các nhà máy xi măng lại trở thành đối tượng “tiếp tay” cho các hoạt động khai thác, tiêu thụ các loại đất, sét chứa hàm lượng sắt, man gan… trái phép. Tình trạng trên không chỉ gây thất thoát tài nguyên quốc gia, gây ô nhiễm môi trường mà còn gây ra nhiều hệ lụy khác.
Thực trạng trên nếu tỉnh Nghệ An không sớm tìm ra giải pháp thì vấn đề quản lý khoáng sản cũng như hoạt động sản xuất xi măng trên địa bàn tỉnh sẽ gặp nhiều khó khăn, trở ngại.