Trong câu chuyện tranh thủ giữa khoảng thời gian hiếm hoi của một chiều cuối năm, người đàn ông trầm ngâm trải lòng cùng tôi rằng, nhiều nghiên cứu trước đây và các kết quả mới đây đã khẳng định, Việt Nam là nước có tiềm năng về quặng đất hiếm. Chúng phân bố chủ yếu ở khu vực Tây Bắc, gồm các tỉnh Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái; ở các tỉnh khác, quặng đất hiếm chỉ mới mang tính phát hiện là chính, ít được đầu tư nghiên cứu. Điều này là một trong những nỗi trăn trở lớn nhất của người địa chất, không chỉ riêng ông.
Câu chuyện kiếm tìm của ông bắt đầu từ năm 2010. Nhận nhiệm vụ khi đó, ông đã cùng với Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam phối hợp với các chuyên gia của Tập đoàn JOMEC, Nhật Bản tiến hành tìm kiếm, đánh giá quặng đất hiếm dạng hấp phụ ion khu vực Bến Đền (tỉnh Lào Cai). Kết quả nghiên cứu cho thấy khu vực này có nhiều đặc điểm tương đồng về địa chất, địa lý, khí hậu so với khu vực miền Nam Trung Quốc, do đó rất có điều kiện hình thành các mỏ đất hiếm vỏ phong hóa quy mô lớn.
Đến thời điểm hiện tại, mỏ đất hiếm Bến Đền đã hoàn thành công tác thăm dò, phê duyệt trữ lượng để tiến hành khai thác. Theo ông, “Mỏ đất hiếm này nếu được khai thác sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương của Lào Cai nói riêng cũng như kinh tế của nước nhà nói chung. Đối với ngành Địa chất, đó là thành quả, công sức nghiên cứu tập thể các nhà khoa học địa chất. Sản phẩm của ngành Địa chất đã và sẽ góp phần phát triển kinh tế Việt Nam nói chung”.
Tuy nhiên, Bến Đền mới chỉ là 1 trong số rất nhiều mỏ được nghiên cứu thăm dò, khai thác. Để có bức tranh tổng thể về tiềm năng quặng đất hiếm trên toàn lãnh thổ Việt Nam, cần phải tiếp tục đầu tư nghiên cứu để khẳng định tiềm năng này.
Bởi ngoài các mỏ đất hiếm đã nghiên cứu ở Khu vực Tây Bắc Việt Nam, một số nghiên cứu mới đây đã phát hiện các biểu hiện đất hiếm ở khu vực Đông Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên. Song các khu vực này còn chưa được đầu tư nghiên cứu và chắc chắn chưa được thăm dò và khai thác. Nhiều đêm ông trăn trở nghĩ suy, “Với tiềm năng tài nguyên đất hiếm lớn như vậy, tại sao nước ta chưa khai thác hết giá trị của đất hiếm?”.
Theo ông Trịnh Đình Huấn, Việt Nam là nước có tiềm năng, trữ lượng đất hiếm lớn trên thế giới. Trong một nghiên cứu của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ cho biết, trữ lượng và tài nguyên đất hiếm ở Việt Nam đạt khoảng 22 triệu tấn, phân bố chủ yếu ở miền Tây Bắc. Khu vực này có những mỏ đất hiếm như Đông Pao, Nam Nậm Xe, Bắc Nậm Xe, Yên Phú đã được thăm dò và xác định giá trị kinh tế. Khu vực Tây Bắc tồn tại rất phong phú các đá magma kiềm, á kiềm giàu các nguyên tố đất hiếm, đây là các điều kiện thuận lợi để hình thành các mỏ đất hiếm.
Cũng có người đã từng hỏi ông rằng: “Phải chăng do công nghệ nước ta còn lạc hậu?”. Thế nhưng, không hẳn. Hệ phương pháp tìm kiếm, đánh giá và thăm dò quặng đất hiếm đã được áp dụng trước đây và được bổ sung một số phương pháp hiện đại mới hiện nay có khả năng làm rõ được đặc điểm chất lượng quặng hóa và số lượng tài nguyên trữ lượng để đánh giá giá trị kinh tế của chúng. Các phương pháp bao gồm phương pháp địa chất; trắc địa; phương pháp địa vật lý; phương pháp địa chất thủy văn - địa chất công trình và phân tích thí nghiệm mẫu các loại. Công nghệ 4.0 đã được áp dụng trong công việc giúp định vị chính xác hơn, xử lý số liệu nhanh hơn và tiếp nhận các kết quả nghiên cứu mới của thế giới kịp thời hơn.
Máy móc trang thiết bị cũng ngày càng hiện đại, được Nhà nước trang bị để phục vụ công việc đảm bảo độ chính xác và năng suất lao động. Hệ thiết bị đang sử dụng để thực hiện đo đạc ngoài hiện trường và trong phòng về cơ bản giống như các nước khác đang sử dụng.
Rõ ràng, câu chuyện bỏ ngỏ tiềm năng không hoàn toàn do công nghệ mà sâu xa hơn là Việt Nam cần phát triển bền vững trên cơ sở đảm bảo yếu tố môi trường.
“Không phải cứ lao vào tìm kiếm, khai thác mà hậu khai thác, đó là chế biến. Phải làm sao phát huy được công nghệ chế biến sâu để có sản phẩm tinh quặng đạt giá trị thương phẩm cao, chú ý đến các kim loại đất hiếm nhóm nặng có giá trị mà nhu cầu thế giới đang rất cần”, ông Huấn trăn trở.
Ước mơ về một ngành nghề chế biến đất hiếm đặc thù dường như đang mở ra trong ông ý tưởng về những khu công nghiệp khai thác, chế biến công nghệ cao và đạt quy chuẩn môi trường. Hiện tại, ông mong muốn Nhà nước tiếp tục đầu tư công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản đất hiếm trên toàn lãnh thổ Việt Nam để có quy hoạch và định hướng phát triển kinh tế địa phương, góp phần phát triển kinh tế đất nước theo hướng bền vững trong tương lai.
Đối với công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, việc tìm kiếm phát hiện điểm, mỏ khoáng sản là niềm vui không chỉ riêng của ông Huấn mà là công sức của tập thể đơn vị, góp phần vào thành tích chung của ngành. Ông chia sẻ: “Những chuyến đi tìm kiếm đó đều để lại trong tôi rất nhiều ấn tượng sâu sắc. Đặc thù công việc của người địa chất thường xuyên sống xa gia đình, làm việc ở các vùng núi cao, do vậy anh em địa chất càng phải nỗ lực phấn đấu và làm việc nhiều hơn để hoàn thành nhiệm vụ”.