Khoáng sản

Khai thác, chế biến sâu đất hiếm: Cần tiềm lực khoa học công nghệ

Mai Anh 06/08/2024 - 08:37

(TN&MT) - Việt Nam có trữ lượng đất hiếm khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ hai thế giới. Tuy nhiên, việc triển khai khai thác, chế biến và sử dụng đất hiếm của Việt Nam còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Do vậy, nhiều nhà khoa học đề xuất, Việt Nam cần xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ, đầu tư hạ tầng, trang thiết bị, nghiên cứu công nghệ khai thác, chế biến sâu đất hiếm và xử lý môi trường.

Nhiều công trình nghiên cứu nhưng ở quy mô phòng thí nghiệm

Từ năm 2005, Viện Khoa học vật liệu (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) bắt đầu nghiên cứu về đất hiếm tại Đông Pao (Lai Châu. Kết quả thực nghiệm tuyển thu hồi được tinh quặng đất hiếm hàm lượng 31,77% tổng oxit đất hiếm với mức thực thu hơn 84,46% ở quy mô phòng thí nghiệm và quy mô bán công nghiệp.

dat-hiem(1).jpg
Các nhà khoa học Trường Đại học Mỏ - Địa chất và nhóm chuyên gia Đức nghiên cứu mẫu đất hiếm vùng Nậm Xe (tỉnh Lai Châu)

Bên cạnh đó, một số kết quả nghiên cứu về chế biến, ứng dụng đất hiếm của các nhà khoa học trong nước có thể kể đến như: Quy trình chế tạo oxit Yttri (Y2O3), oxit Ơvrôpi (Eu203) độ sạch 99,9% bằng phương pháp sắc ký; chế tạo nam châm đất hiếm NdFeB dùng trong máy phát thủy điện cỡ nhỏ công suất từ 200 - 1.000 W, chế tạo thiết bị tuyển từ phục vụ chế biến khoáng sản (70 thiết bị); sản phẩm phân bón lá đa vi lượng ĐH'93 đã được ứng dụng cho cây lúa, các loại cây ăn trái...

Ngoài ra, Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim (Bộ Công Thương) cũng đã thí nghiệm tuyển mẫu quặng đất hiếm Đông Pao trên dây chuyền tuyển khép kín công suất 100kg/h, thu được sản phẩm quặng tinh đất hiếm tổng hợp có hàm lượng khoảng 35% RE; thực thu đất hiếm khoảng 72%; sản phẩm quặng tinh barit có hàm lượng khoảng 93% BaSO4; thực thu barit 93%; sản phẩm quặng tinh fluorit có hàm lượng 70% CaF2; thực thu fluorit khoảng 70%.

Tuy nhiên, đối với đất hiếm Lai Châu, tất cả các công trình nghiên cứu từ trước đến nay đều dừng lại ở quy mô phòng thí nghiệm, một số vấn đề về thuốc tuyển vẫn chưa giải quyết được nên chất lượng tuyển không cao, chất lượng quặng đất hiếm cuối cùng không được như mong muốn (hàm lượng và tỉ lệ thực thu đất hiếm, hàm lượng các tạp chất có hại đi cùng).

Theo PGS.TS Hoàng Anh Sơn - Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu, đến nay Việt Nam chưa có nhà máy chế biến từ tinh quặng đất hiếm thành sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp được cấp mỏ chưa làm chủ được công nghệ chế biến ra sản phẩm đạt yêu cầu như đất hiếm tổng hợp có hàm lượng tối thiểu 95%, đồng thời chưa có công nghệ tách chiết ra các sản phẩm đất hiếm riêng rẽ.

Ông Sơn cho biết, mặc dù đã có nghiên cứu từ rất sớm công nghệ phân chia riêng rẽ oxit đất hiếm và làm sạch đến độ sạch cao, nhưng phần lớn mới triển khai trong phòng thí nghiệm, chưa có công nghệ nào áp dụng vào thực tế. Việc chuyển giao công nghệ từ các nước có công nghệ chế biến sâu đất hiếm cũng gặp khó do đòi hỏi trình độ cao, các nước giữ bí mật, hạn chế chuyển giao.

Xây dựng chương trình khoa học công nghệ trọng điểm

Để tháo gỡ những vướng mắc trên, PGS.TS Hoàng Anh Sơn kiến nghị khảo sát đánh giá trữ lượng và giá trị của các thành phần nguyên tố đất hiếm trong các mỏ đã cấp phép, trong đó ưu tiên ứng dụng công nghệ.

Theo PGS.TS Hoàng Anh Sơn, Việt Nam cần xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ bằng cách hình thành các trung tâm nghiên cứu mạnh về đất hiếm, tập hợp đội ngũ nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, đầu tư hạ tầng, trang thiết bị, nghiên cứu công nghệ khai thác, chế biến sâu đất hiếm và xử lý môi trường.

Ông Sơn đồng thời đề xuất hình thành các nhiệm vụ theo hướng nghiên cứu phát triển công nghệ chế biến có khả năng áp dụng, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên này.

Bên cạnh đó, xây dựng chương trình khoa học công nghệ trọng điểm ưu tiên hướng chế biến và ứng dụng đất hiếm trong các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ cao, công nghệ lõi. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tham gia nghiên cứu phát triển công nghệ chế biến sâu đất hiếm, phân chia riêng các oxit đất hiếm độ sạch cao, công nghệ chế tạo nam châm đất hiếm cho ngành công nghiệp ôtô điện, điện gió để sớm đưa vào thực tế sản xuất trong vòng 10 năm tới.

Các nhà khoa học cũng kiến nghị cần có cơ chế, chính sách riêng để phát triển công nghiệp đất hiếm phù hợp với tiềm năng, trong đó gắn nghiên cứu, phát triển công nghệ và triển khai sản xuất, chế biến sâu. "Việt Nam cũng cần tạo cơ chế thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khai thác, chế biến sâu đất hiếm kèm theo điều khoản về chuyển giao công nghệ", ông Sơn nhấn mạnh.

Về phía Bộ KH&CN, lãnh đạo Bộ này cho biết, việc nghiên cứu, lựa chọn công nghệ khai thác, chế biến đất hiếm phù hợp với khả năng, nhu cầu trong nước là đặc biệt cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển giao công nghệ đối với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất chất bán dẫn, khai thác và chế biến sâu đất hiếm tại Việt Nam.

Đồng thời, triển khai hiệu quả các chương trình, nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia đã phê duyệt, trong đó, ưu tiên các nhiệm vụ KH&CN liên quan đến công nghệ bán dẫn, khai thác và chế biến sâu đất hiếm. Đặc biệt là các nhiệm vụ liên quan đến công nghệ sản xuất chất bán dẫn từ nguồn đất hiếm trong nước.

Bộ KH&CN cũng phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu xây dựng và triển khai một số nhiệm vụ KH&CN quy mô lớn, gắn với dự án đầu tư của doanh nghiệp khai thác, chế biến sâu đất hiếm đủ điều kiện làm nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất điện tử, chất bán dẫn trong và ngoài nước…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai thác, chế biến sâu đất hiếm: Cần tiềm lực khoa học công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO