Nghiên cứu hoàn thiện quy trình thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư

26/10/2017 00:00

  (TN&MT) - Theo kết quả điều tra của Dự án "Đào tạo nâng cao năng lực và nghiên cứu hoàn thiện quy trình thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại...

 

(TN&MT)- Theo kết quả điều tra của Dự án “Đào tạo nâng cao năng lực và nghiên cứu hoàn thiện quy trình thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại thành phố Cần Thơ” do PGS.TS Phan Trung Hiền – Phó trưởng Khoa Luật (Đại học Cần Thơ), Chủ nhiệm dự án cùng ThS Trần Vang Phủ - Giảng viên Khoa Luật (Đại học Cần Thơ) thực hiện, đã chỉ rõ những vướng mắc, khó khăn, bất cập và kiến nghị nhiều vấn đề xác đáng để hoàn thiện quy trình, thủ tục thu hồi đất.

Bài 1: Những bất cập về trình tự thủ tục thu hồi đất – ghi nhận từ phía người bị thu hồi đất tại TP. Cần Thơ

Mới đây, nhóm nghiên cứu thuộc Dự án “Đào tạo nâng cao năng lực và nghiên cứu hoàn thiện quy trình thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại thành phố Cần Thơ” đã tiến hành phỏng vấn 300 người dân bị thu hồi đất tại các dự án trọng điểm của TP.Cần Thơ, gồm: Bờ kè hồ Bún Xáng, dự án nâng cấp đô thị Hẻm 73 đường Nguyễn Trãi và dự án Thùy Dương thuộc phường Cái Khế (quận Ninh Kiều); Dự án Khu văn hóa Tây Đô và Khu dân cư Hồng Loan số 5C (quận Cái Răng); dự án đường Nguyễn Văn Cừ nối dài (giai đoạn 2) thuộc huyện Phong Điền, ghi nhận:

Về hình thức thực hiện thông báo thu hồi đất, được thực hiện theo phương thức chủ yếu (90%) là họp dân, kế tiếp là hình thức bằng văn bản (49%), thông tin đại chúng 8%, niêm yết tại trụ sở 5,33%.

HIỂU CHƯA RÕ VỀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ LIÊN QUAN

Thành phần tham gia họp thông báo thu hồi đất, có 65% người được phỏng vấn trả lời có tham gia cuộc họp và biết rất rõ các thông tin có liên quan, 21% có tham gia nhưng biết thông tin không rõ lắm, chỉ có 10,33% không tham gia họp do bận việc và khoảng 2,33% trả lời không được mời họp. Do điều kiện làm việc, áp lực tâm lý nên tỷ lệ người bị thu hồi đất ở nông thôn có hơn 80% người tham gia dự họp và biết rõ thông tin về thu hồi đất thì ở khu vực đô thị chỉ hơn 50% và tỷ lệ người dân tham dự họp nhưng không nắm rõ thông tin về thu hồi đất ở đô thị (hơn 30%) lại cao hơn ở nông thôn (gần 20%).

1. Một trong những nguyên nhân khiến Dự án xây dựng bờ kè công viên Hồ Bún xáng chậm tiến độ thi công do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng
1. Một trong những nguyên nhân khiến Dự án xây dựng bờ kè công viên Hồ Bún xáng chậm tiến độ thi công do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng

Đáng chú ý, tỷ lệ người dân biết rõ các hành vi không được thực hiện kể từ khi có thông báo thu hồi đất khá cao. Cụ thể, 92% không biết việc trồng cây lâu năm và 96% không biết việc xây dựng công trình mới là vi phạm. Mặt khác, có tới 72% không biết họ có quyền “Sửa chữa nhà, công trình xây dựng khác” kể từ thời điểm công bố kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện và thông báo thu hồi đất trong khi quyền này không bị giới hạn và được thực hiện có điều kiện; có đến 83% cho rằng kể từ thời điểm có kế hoạch sử dụng đất và thông báo thu hồi đất thì họ không được thực hiện các giao dịch liên quan đến đất theo Điều 167 Luật Đất đai như: chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, thế chấp, tặng cho, góp vốn bằng quyền sử dụng đất nhưng các quy định hiện nay đều không quy định rõ những giao dịch này sẽ bị cấm thực hiện khi có thông báo thu hồi đất hay khi công bố quy hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện.

Có trên 80% người bị thu hồi đất tiếp nhận được thông tin về “lý do thu hồi đất”, “số tiền bồi thường được nhận” và thông tin về “kế hoạch thu hồi đất”. Nhưng những thông tin mà người bị thu hồi đất thường quan tâm nhiều nhất thì ít người nhận được, như phương án tái định cư (chỉ hơn 30%), phương án đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, tìm việc làm (chỉ khoảng 25%).

THIẾU THÔNG TIN CHUYỂN NGHỀ VÀ NGƯỜI ĐẠI DIỆN

Về số liệu kiểm đếm và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, qua khảo sát cho thấy có 90% cho rằng sau khi Tổ kiểm đếm xong đã cho người dân đi kiểm tra lại sự chính xác của số liệu và chỉ 8% trả lời là không được kiểm tra số liệu sau kiểm đếm. 60% cho rằng số liệu chính xác, 17% chưa chính xác nhưng Tổ kiểm đếm đã nhanh chóng thực hiện kiểm đếm lại… Thông tin về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, có 52% người được lấy ý kiến và được phản hồi thông tin từ phía đơn vị làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng tuy nhiên có 17% số người trả lời không được lấy ý kiến và 3% cho biết họ không biết về việc được lấy ý kiến đối với phương bồi thường giải phóng mặt bằng. Đáng chú ý, có 52% biết thông tin liên quan hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, 25% không biết và 11% trả lời rằng họ không được thông tin về hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề.

Qua khảo sát cung cho thấy “UBND cấp xã” và “Tổ chức phát triển quỹ đất” là hai chủ thể được người dân lựa chọn nhiều nhất để gửi các ý kiến, phản ánh, khiếu nại… trong quá trình nhà nước thu hồi đất (đều đạt tỷ lệ 32%), các chủ thể như “Cơ quan báo đài”, Trung tâm trợ giúp pháp lý”, “Mặt trận tổ quốc và đoàn thể”… có tỷ lệ chọn dưới 1%. Song song đó, khi có khó khăn, thắc mắc trong thu hồi đất người dân sẽ phản ảnh đến Trung tâm phát triển quỹ đất và UBND cấp xã (tỷ lệ 42% và 41%), kế đến là Trưởng khu vực, trưởng ấp (tỷ lệ 23%). Ba chủ thể này cũng được người dân bị thu hồi đất chọn để được tư vấn pháp lý trong quá trình thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

2. Quy hoạch Khu Văn hóa Tây Đô đã triển khai nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa giải phóng mặt bằng dứt điểm do những bất cập trong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
2. Quy hoạch Khu Văn hóa Tây Đô đã triển khai nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa giải phóng mặt bằng dứt điểm do những bất cập trong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư

Tuy nhiên, khi được hỏi về “Người đại diện” của các hộ dân có đất bị thu hồi trong Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì tỷ lệ biết và đánh giá về chủ thể này chưa tốt lắm. Cụ thể, có đến 61% người dân được phỏng vấn trả lời là không được biết về người đại diện này và 20% trả lời là biết nhưng không được lấy ý kiến để chọn người này vào Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

CÒN NHỮNG ĐIỂM CHƯA PHÙ HỢP THỰC TIỄN

Về mức độ hài lòng của người dân đối với các vấn đề liên quan trong quá trình nhà nước thu hồi đất khá cao (trung bình 50%). Trong đó, “Thái độ cán bộ giải phóng mặt bằng” và “Thủ tục hành chính” được hài lòng cao nhất (58% và 59%). Vấn đề “Mức bồi thường về đất” và “Tái định cư” tỷ lệ hài lòng và không hài lòng tương đương nhau.

Theo nhận định của nhóm nghiên cứu: mặc dù các quy định pháp luật về bồi thường đã có nhiều thay đổi nhằm bù đắp những thiệt hại cho người bị thu hồi đất nhưng vẫn còn một số điểm chưa phù hợp với thực tiễn, chưa tương xứng với thiệt hại thực tế mà người bị thu hồi đất gặp phải, nên tỷ lệ chưa hài lòng vẫn chiếm con số cao.

 

Kiến nghị cơ quan chức năng khắc phục 6 vấn đề

Trên cơ sở phân tích kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu rút ra một số kiến nghị:

Một là, tiếp tục phát huy vai trò của hình thức tổ chức họp dân trong việc thực hiện các quy định về thông báo thu hồi đất và công bố thông tin về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, xem đây là kênh thông tin cốt lõi mang tính chất đồng bộ và chính thức. Cần rà soát lại quy trình thực hiện để tìm rõ nguyên nhân của việc một số người dân cho rằng có nhận được thông báo thu hồi đất nhưng không rõ thông tin hoặc không được mời.

Hai là, cần rà soát lại việc lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để đảm bảo các thông tin về lấy ý kiến thuận tiện cho người tiếp cận thông tin và phản hồi ý kiến. Cần phát huy vai trò của UBND và Trung tâm phát triển quỹ đất trong việc tiếp nhận và giải đáp các ý kiến, phản ảnh, khiếu nại, tố cáo để cung cấp thông tin đầy đủ và tháo gỡ vướng mắc ngay từ những bước đầu trong quá trình thu hồi đất.

Ba là, cần có văn bản quy định chi tiết về thành phần Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của từng thành viên của Hội đồng. Đặc biệt, cần quy định chi tiết về vai trò của hộ dân đại diện tham gia vào Hội đồng. Mặt khác, cần rà soát thông tin về việc công bố công khai thành viên là người dân có đất bị thu hồi, tham gia có tính đại diện trong Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Bốn là, phát huy vai trò, nhiệm vụ của cán bộ làm công tác giải phóng mặt bằng, tiếp tục công khai các thông tin về trình tự, thủ tục trong giải phóng mặt bằng. Kiến nghị mở các lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác giải phóng mặt bằng, UBND cấp xã và MTTQ các cấp trên địa bàn TP.Cần Thơ. Mặt khác, cần có những buổi trao đổi, giới thiệu với người dân về trình tự, thủ tục thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để người dân nắm rõ và tự giác thực hiện trên cơ sở đồng thuận.

Năm là, cần xây dựng hướng dẫn chi tiết về trình tự thủ tục thu hồi đất trên địa bàn TP.Cần Thơ trong đó có xác định chi tiết hơn những nội dung về kiểm đếm và phúc tra để tăng sự minh bạch, dân chủ; cần hoàn thiện quy định về mức độ chi tiết đối với thông tin về phương án tái định cư và phương án hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề cũng như đồng bộ hóa việc công khai các thông tin này một cách chi tiết đầy đủ, đúng thời điểm theo quy định pháp luật.

Sáu là, trong những hoạt động tuyên truyền, vận động về chính sách và pháp luật đất đai nói chung và vấn đề thu hồi đất nói riêng, cần lồng ghép các nội dung về bình đẳng giới. Cần có văn bản hướng dẫn chi tiết hơn về quyền và nghĩa vụ của người dân kể từ thời điểm chính quyền công bố kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện, đặc biệt là các quyền liên quan đến việc thực hiện giao dịch theo Điều 67 Luật Đất đai như: chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, thế chấp, tặng cho, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

Hùng Long (ghi)

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghiên cứu hoàn thiện quy trình thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO