Bạn đọc - Pháp luật

Hoằng Hóa (Thanh Hóa): Dấu hiệu thi công sai thiết kế tại Dự án đê hữu sông Lạch Trường?

Mai Trúc 07/05/2024 - 10:44

Thời gian qua, Dự án tu bổ, nâng cấp đê hữu Lạch Trường đoạn qua xã Hoằng Đức và thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) do Công ty Tuấn Linh làm thầu chính có dấu hiệu thi công sai thiết kế khi sử dụng đất đắp chưa đảm bảo chất lượng, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

Dấu hiệu sai thiết kế?

Được biết, ngày 25/05/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành Quyết định số 3249/QĐ-BNN-PCTT về việc Phê duyệt Dự án thành phần số 9: Tu bổ sung yếu hệ thống đê điều tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 thuộc Dự án Tu bổ xung yếu hệ thống đê điều giai đoạn 2021-2025.

anh-1(2).jpg
Dấu hiệu thi công, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng công trình tại Hạng mục tu bổ, nâng cấp đê hữu Lạch Trường đoạn từ K5+573-K8+690 do Công ty Tuấn Linh làm nhà thầu chính. Ảnh chụp ngày 02/04/2024

Đây là Dự án do Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (BQL ĐTXD các công trình NN&PTNT) tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư; loại nhóm dự án là công trình đê điều, nhóm B; cấp công trình là đê cấp I, cấp II và cấp III; thực hiện ở các huyện: Hậu Lộc, Hà Trung, Nga Sơn, Hoằng Hóa, thành phố Sầm Sơn và thành phố Thanh Hóa. Tổng mức đầu tư là hơn 244 tỷ đồng, có chiều dài 26,2 km.

Dự án có mục tiêu nhằm nâng cấp đê, xử lý các trọng điểm xung yếu trên các tuyến đê, hoàn thiện mặt cắt thiết kế đê theo quy hoạch để đáp ứng yêu cầu trước mắt cũng như từng bước tăng cường khả năng chống lũ, bão của hệ thống đê điều, dần xóa các trọng điểm đê xung yếu, bảo đảm yêu cầu chống lũ, bão thiết kế, kết hợp giao thông góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Đáng chú ý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lưu ý đối với các đơn vị có liên quan trong quá trình thi công rà soát nguồn vật liệu, nhất là vật liệu đất đắp đê để lựa chọn đảm bảo chất lượng, giá thành, chi phí vận chuyển đến chân công trình, kinh tế - kỹ thuật…

Cũng tại Thông báo số 03/TB-BQLDANN, ngày 04/01/2024 của BQL ĐTXD các công trình NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa về việc khởi công xây dựng công trình cho thấy: Hạng mục tu bổ, nâng cấp đê hữu Lạch Trường đoạn từ K5+573-K8+690 thuộc địa bàn xã Hoằng Đức, thị trấn Bút Sơn và xã Hoằng Đạt, huyện Hoằng Hóa do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Tuấn Linh (Công ty Tuấn Linh) làm nhà thầu chính…

anh-2(1).jpg
Đất lẫn đá phong hóa đổ thành đống, một số vị trí mái đê đất đắp chưa đảm bảo

Về kỹ thuật, đoạn đê trên được đắp tôn cao, áp trúc mở rộng mặt đê bằng đất đắp đầm chặt đạt ≥0,95, kết hợp xây tường chắn sóng đỉnh đê phía sông bằng bê tông cốt thép M300, giữa các đơn nguyên tường bố trí khớp nối PVC… Gia cố mặt đê rộng 6m, kết cấu từ trên xuống gồm: Lớp bê tông nhựa hạt trung dày 7cm, nhựa thấm bám 1,0kg/m2, lớp cấp phối đá dăm loại 1 dày 15cm, lớp cấp phối đá dăm loại 2, phần mở rộng dưới lớp đá dăm cấp phối là lớp đất đắp dày 30cm, ≥0,98, đắp lề phía đồng rộng 0,5m…

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, trong quá trình thi công Hạng mục tu bổ, nâng cấp đê hữu Lạch Trường đoạn từ K5+573-K8+690, nhà thầu chính có dấu hiệu thi công sai thiết kế khi sử dụng đất đắp có màu đen tím và lẫn nhiều loại đá phong hóa chưa đảm bảo chất lượng.

Một người dân thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa chia sẻ: Nhiều ngày nay, tôi thấy đơn vị thi công vận chuyển nhiều xe chở đất màu đen xám, có lẫn đá về đổ ở đê hữu Lạch Trường để làm Dự án. Sau đó, máy xúc nhanh chóng san gạt vào phần nền mở rộng đê. Chị (phóng viên) cứ đi dọc đê đoạn từ xã Hoằng Đức đến thị trấn Bút Sơn là bắt gặp các đống đất, đá đổ thẳng hàng trên mặt đê. Tôi cũng không rõ họ lấy đất, đá này từ đâu, nhưng bằng mắt là thấy không đảm bảo chất lượng công trình đê.

Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có mặt nhiều ngày tại Hạng mục tu bổ, nâng cấp đê hữu Lạch Trường đoạn từ K5+573-K8+690, quan sát cho thấy: Dọc tuyến đê có nhiều đống đất lẫn đá màu đen xám nằm rải rác thẳng hàng, hai mép đê đất, đá đã được nhà thầu thi công đắp thành bờ, lộ rõ nhiều tảng đá có kích thước lớn. Tại phần mái đê, nhiều đoạn được đắp bằng đất, đá nhiều kích thước, máy xúc đang hoạt động để san gạt phần đất không đảm bảo thay vì sử dụng loại đất đắp đạt ít nhất K≥0,95. Cũng tương tự phần mở rộng mặt đê, đơn vị thi công đã tiến hành lu lèn phần nền bằng loại nguyên liệu như ở vị trí mái đê.

anh-3(2).jpg
Đi dọc tuyến đê hữu Lạch Trường đang thi công không khó bắt gặp các tảng đá lớn như thế này. Ảnh chụp ngày 02/04/2024

Loại bỏ đất đắp kém chất lượng ra khỏi Dự án

Sau khi nhận được thông tin phản ánh, ngày 25/03/2024, BQL ĐTXD các công trình NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành kiểm tra và lập biên bản làm việc. Cụ thể, Công ty Tuấn Linh là nhà thầu thi công xây dựng tuyến đê hữu Lạch Trường đoạn từ K5+573-K8+690. Hiện nay, nhà thầu đang thi công các hạng mục đắp đất nền đê và thi công tường chắn sóng. Theo hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, mỏ đất phục vụ cho công trình được lấy tại Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn do Công ty TNHH thương mại Cường Giang quản lý…

Hiện nay, đất màu tím than đã được nhà thầu tập kết về công trường, nguồn vật liệu này theo đánh giá là không đồng nhất, nhiều vị trí trên đê có lẫn cả đá phong hóa, không đúng thành phần hạt để đắp đê. Các bên đã tiến hành lấy mẫu và thí nghiệm đối với nguồn vật liệu này, kết quả một số chỉ tiêu cao hơn thiết kế nhưng có một số chỉ tiêu không đảm bảo với hồ sơ thiết kế. Từ những nội dung trên, để tuân thủ thi công theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt các bên cùng thống nhất một số nội dung:

Không sử dụng nguồn vật liệu đất đắp do nhà thầu đề xuất có màu tím than dể đắp cho công trình. Nhà thầu có trách nhiệm vận chuyển nguồn vật liệu không đảm bảo theo yêu cầu, có lẫn nhiều đất đá phong hóa ra khỏi phạm vi công trình xong trước ngày 12/04/2024…

anh-4(1).jpg
Biên bản làm việc của BQL ĐTXD các công trình NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Công ty Tuấn Linh vận chuyển nguồn vật liệu không đảm bảo theo yêu cầu, có lẫn nhiều đất đá phong hóa ra khỏi phạm vi công trình

Ngày 03/05/2024, phóng viên quay lại Dự án để ghi nhận công tác khắc phục của đơn vị thi công theo yêu cầu của chủ đầu tư, song tại một số vị trí vẫn còn tồn tại vật liệu đất đắp có lẫn đá phong hóa, đất có màu tím than.

Ông Hán Thành Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Tuấn Linh thừa nhận: Đơn vị thi công thống nhất với yêu cầu của chủ đầu tư là vận chuyển đất đắp chưa đảm bảo và cũng đang thống kê khối lượng đã vận chuyển đi. Thời điểm hiện tại (ngày 04/05/2024), đơn vị chưa vận chuyển được triệt để hết đất đắp chưa đạt ra khỏi Dự án.

Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Lê Công Ba, Trưởng Phòng điều hành Dự án 2 - BQL ĐTXD các công trình NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết: Hạng mục tu bổ, nâng cấp đê hữu Lạch Trường đoạn từ K5+573-K8+690 do Công ty Tuấn Linh làm nhà thầu chính, với chiều dài hơn 2 km. Sau khi nhận được phản ánh của phóng viên, tôi đã giao cho phòng, ban chuyên môn xuống kiểm tra, lập biên bản và yêu cầu đơn vị thi công không sử dụng và vận chuyển đất đắp màu tím than, lẫn đá phong hóa ra khỏi phạm vi công trình.

Một số vị trí vẫn còn tồn tại đất đắp lẫn đá phong hóa, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Ảnh chụp ngày 03/05/2024

“Vì liên quan đến công tác nghiệm thu sau này, quan điểm của Ban là yêu cầu đơn vị thi công vận chuyển triệt để đất đắp không đảm bảo ra khỏi công trình. Nếu hiện tại đơn vị chưa vận chuyển được hết, Ban sẽ cử cán bộ xuống hiện trường kiểm tra và đôn đốc đơn vị thực hiện”.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoằng Hóa (Thanh Hóa): Dấu hiệu thi công sai thiết kế tại Dự án đê hữu sông Lạch Trường?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO