Xã hội

Nghệ An: Nỗ lực giao đất, giao rừng để tạo sinh kế cho người dân

Đình Tiệp 27/05/2024 - 18:01

Trong những năm qua, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được chính quyền giao đất, giao rừng theo Đề án giao rừng gắn với giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018-2023. Theo đó, đã giúp người dân được tiếp cận và thụ hưởng nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng đã tăng thêm nguồn thu nhập cho người dân và cộng đồng sống gần rừng.

Người dân được thụ hưởng chính sách

Gia đình anh Sầm Văn Chung, ở bản Đôm 2, xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An là một trong số những gia đình được nhà nước giao đất, giao rừng. Nhà anh Chung được UBND xã giao cho diện tích đất rừng 5ha. Sau khi nhận đất, gia đình anh đã làm hồ sơ xin thiết kế để trồng cây keo lai. Sau khi hoàn thành các thủ tục theo quy định của pháp luật thì gia đình đã tiến hành mua giống trồng keo. Hiện, cây keo đã lên xanh tốt và chỉ chờ ngày thu hoạch.

2.jpg
1.jpg
Kiểm tra thực địa để giao đất rừng cho người dân ở huyện Quỳ Châu.

“Được nhà nước giao đất theo chương trình, đề án của Chính phủ gia đình tôi rất phấn khởi vì trước đây muốn trồng cây, canh tác mà không có đất đai. Nay đã có tư liệu sản xuất thì gia đình lập tức bắt tay vào làm và mong cho mưa thuận gió hòa, cây phát triển tốt thì sẽ sớm có thu nhập” - Anh Sầm Văn Chung phấn khởi chia sẻ.

Tương tự là trường hợp của anh Ngân Văn Tuấn, ở bản Na Hứm, xã Thông Thụ, huyện biên giới Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Anh Tuấn được nhà nước giao cho 4ha đất. Anh Tuấn đã lập tức phát quang để trồng 1 vạn cây quế trên diện tích đất nói trên. Đến nay, 1 vạn cây quế đặc sản vùng đất này đang phát triển rất tốt và đã cho thu nhập ban đầu từ việc bán cành, lá quế cho thương lái.

6.jpg
Những cánh rừng được phủ xanh.

“Với việc được nhà nước giao đất, gia đình tôi rất phấn khởi và đã mạnh dạn đầu tư vào canh tác để mong có thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Sau nhiều nỗ lực thì nay công sức của vợ chồng tôi đã bước đầu được đền đáp là có thu nhập từ việc cắt tỉa cành, lá cây quế bán cho thương lái vào dịp cuối năm” - Anh Ngân Văn Tuấn, cho hay.

Tại huyện Tương Dương, anh Lô Văn Vân, ở xã Lưu Kiền, người cũng được nhà nước xem xét giao gần 7ha đất rừng mấy năm nay đã có thu nhập luôn. Lý do bởi vì diện tích đất rừng của anh thuộc diện khoanh nuôi, bảo vệ và được chi trả chính sách dịch vụ môi trường rừng từ các nhà máy thủy điện trên địa bàn. Ngoài ra, anh cũng được phép vào hái măng và khai thác các loại dược liệu, lâm sản phụ để cải thiện thu nhập cho gia đình.

Nỗ lực hoàn thành giao đất, giao rừng

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An về kết quả thực hiện Đề án giao rừng gắn với giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018-2023. Tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp đã giao tính đến năm 2023 là 183.682,52 ha/265.771 ha, đạt 69,11 % so với diệt tích được duyệt theo Đề án.

Kinh phí được giao theo Quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch tính đến năm 2023 là 76,894 tỷ đồng/108,414 tỷ đồng, đạt 70,93 % so với kinh phí được duyệt theo Đề án. Trong đó ngân sách Trung ương cấp 44,894 tỷ đồng/64,89 tỷ đồng, đạt 69,18% so với kinh phí Đề án được duyệt; ngân sách tỉnh cấp 32 tỷ đồng/31,09 tỷ đồng, đạt 103% so với so với kinh phí Đề án được duyệt.

4.jpg
Người dân phấn khởi vì được hưởng lợi từ chính sách để phát triển kinh tế.

Tổng số hộ gia đình được giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp giai đoạn 2018-2023 là 26.316 hộ gia đình với tổng diện tích giao 113.355,08 ha. Tổng số cộng đồng dân cư được giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp giai đoạn 2018-2022 là 399 cộng đồng với tổng diện tích giao 70.327,44 ha.

Dự kiến năm 2024 sẽ thực hiện giao rừng gắn với giao đất trên địa bàn 04 huyện (Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong) với diện tích 34.172,566 ha, kinh phí 13,809 tỷ đồng.

Với việc thực hiện Đề án giai đoạn 2018 - 2023 trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Hiệu quả thực hiện Đề án không những tác động không nhỏ đến lĩnh vực lâm nghiệp mà còn tác động rõ nét đối với sự phát triển KT-XH, AN-QP trên địa bàn toàn tỉnh.

Việc giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp đã giúp người dân được tiếp cận và thụ hưởng nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng đã tăng thêm nguồn thu nhập cho người dân và cộng đồng sống gần rừng. Từ đó tác động tích cực đến ý thức bảo vệ rừng nên tình trạng vi phạm lâm luật trong những năm qua đã giảm từ 902 vụ năm 2018 xuống 648 vụ năm 2022.

5.jpg
Đất rừng sản xuất là tư liệu để người dân vươn lên thoát nghèo.

Giao rừng tạo tâm lý ổn định cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình mạnh dạn phát huy nguồn lực vào bảo vệ và phát triển rừng trên diện tích được giao. Có nhiều mô hình hộ gia đình, cộng đồng quản lý sử dụng rừng và đất rừng hiệu quả bằng việc kết hợp các biện pháp khoanh nuôi phục hồi rừng tự nhiên với trồng bổ sung cây bản địa gắn với quy hoạch các vùng nông lâm kết hợp, góp phần cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập và năng lực bảo vệ rừng cho người dân.

“Kết quả của việc giao đất giao rừng, xã hội hoá nghề rừng đã góp phần quan trọng phục hồi rừng và nâng cao độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh tăng từ 58,0% năm 2018 lên 58,36% năm 2022” - Ông Nguyễn Quốc Minh - Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An, cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ An: Nỗ lực giao đất, giao rừng để tạo sinh kế cho người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO