Nậm Pồ - Điện Biên: Đẩy mạnh công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản

30/10/2017 00:00

(TN&MT) -  Nậm Pồ là huyện mới chia tách, trữ lượng khoáng sản nhỏ lẻ, chất lượng thấp. Tuy nhiên, công tác quản lý bảo vệ tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản luôn được chính quyền địa phương này chú trọng quan tâm.

Theo khảo sát sơ bộ, khoáng sản trên địa bàn huyện Nậm Pồ chủ yếu là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường như cát, đá, sỏi, đất sét làm gạch nung... với trữ lượng nhỏ lẻ, chất lượng thấp, chủ yếu để phục vụ nhu cầu xây dựng của người dân và một phần cho xây dựng cơ sở hạng tầng của tổ chức.

Những năm qua, công tác quản lý khoáng sản của huyện Nậm Pồ mặc dù đã được đẩy mạnh nhưng vẫn tồn tại những khó khăn, bất cập: Tình trạng khai thác cát, sỏi vẫn thường xuyên xảy ra; một số tổ chức, cá nhân không có thủ tục cấp phép khai thác theo quy định, không thực hiện các quy định của pháp luật đất đai trong hoạt động khoáng sản, không thực hiện phương án, biện pháp bảo vệ môi trường, ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường, không thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước gồm thuế tài nguyên và các khoản phí bảo vệ môi trường...

Khu vực khai thác chế biến đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ.
Khu vực khai thác chế biến đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ.

Nguyên nhân của những bất cập được xác định là do xuất phát điểm của huyện Nậm Pồ thấp, khi chia tách thành lập cơ sở hạ tầng còn nhiều thiếu thốn, lại là một huyện vùng sâu vùng xa, giao thông đi lại khó khăn cho nên việc vận chuyển nguyên vật liệu để đáp ứng nhu cầu xây dựng như hiện nay đã đẩy giá thành lên cao. Các xã đã thực hiện các văn bản chỉ đạo của UBND huyện trong công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản, đặc biệt là cát, sỏi lòng sông, suối chưa sát sao, chưa nêu cao được vai trò quản lý của UBND xã. Chính vì vậy, một số tổ chức và cá nhân vì lợi nhuận đã cố tình vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản nói chung và khai thác cát, sỏi lòng sông, suối nói riêng trên địa bàn huyện.

Ông Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết: Để tăng cường công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn, hàng năm, UBND huyện Nậm Pồ đã có văn bản chỉ đạo, hoặc qua các kết luận của các cuộc họp của UBND huyện yêu cầu các xã, các phòng ban chuyên môn liên quan tăng cường công tác bảo vệ khoáng sản, đặc biệt là khoáng sản chưa khai thác của địa phương. Qua đó, cấp ủy, chính quyền các xã đã nêu cao được tầm vai trò trách nhiệm trong công tác quản lý.

Kể từ khi huyện được thành lập từ tháng 6/2013 đến nay, UBND huyện đã tổ chức 2 đoàn kiểm tra công tác quản lý của chính quyền cơ sở và các hoạt động khoáng sản trên địa bàn 15 xã. Kiểm tra, phát hiện và xử lý những vi phạm còn tồn đọng. Chấn chỉnh công tác quản lý và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác đối với người đứng đầu chính quyền các xã. Đến nay chưa có bức xúc nào về công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn huyện.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Nậm Pồ có 03 điểm mỏ được cấp phép hoạt động khoảng sản là khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường, gồm: Điểm mỏ đá bản Pa Tần, xã Pa Tần; điểm mỏ đá Huổi Nhạt, xã Chà Nưa đã được UBND tỉnh Điện Biên cấp phép khai thác, chế biến đá và điểm mỏ đá bản Nà Hỳ, xã Nà Hỳ đã được UBND tỉnh cấp phép thăm dò.

Bên cạnh công tác quản lý tài nguyên khoáng sản thì công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản cũng được chính quyền huyện Nậm Pồ chú trọng. Huyện đã chỉ đạo phòng Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về lĩnh vực này. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật về Luật khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Văn Thái cho biết thêm: Huyện thường xuyên chỉ đạo chính quyền các xã và các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các nội dung bảo vệ môi trường trong quá trình khai trác cũng như chế biến. Tăng cường sự theo dõi, giám sát, nêu cao trách nhiệm của cộng đồng dân cư nơi có các điểm mỏ hoạt động. Quản lý chặt chẽ khoáng sản chưa khai thác đặc biệt là cát, sỏi khu vực lòng suối. Đối với các đơn vị được cấp phép hoạt động khoáng sản, đều phải lập dự án đánh giá tác động môi trường có sự tham gia đóng góp ý kiến của người dân gần khu vực điểm mỏ, ý kiến của cấp ủy chính quyền địa phương và các cơ quan thẩm định trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt.

Hà Thuận

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nậm Pồ - Điện Biên: Đẩy mạnh công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO