Theo một báo cáo vừa được công bố, công ty xếp hạng tín dụng S&P Global đã xem xét các tác động có thể xảy ra của mực nước biển dâng cao và các đợt nắng nóng, hạn hán và bão thường xuyên hơn. Theo đó, trong một kịch bản mà đa số chính phủ các nước né tránh các chính sách biến đổi khí hậu mới, các nước thu nhập trung bình và thấp hơn có khả năng bị thiệt hại tổng sản phẩm quốc nội nhiều hơn trung bình 3,6 lần so với các nước giàu.
Chẳng hạn, Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan và Sri Lanka phải đối mặt với cháy rừng, lũ lụt, mưa bão nghiêm trọng và tình trạng thiếu nước… Điều này đồng nghĩa với việc khu vực Nam Á có nguy cơ thiệt hại từ 10% -18% GDP, cao gần gấp 3 lần so với khu vực Bắc Mỹ và gấp 10 lần so với khu vực ít bị ảnh hưởng nhất châu Âu.
Các khu vực Trung Á, Trung Đông, Bắc Phi và cận Sahara ở châu Phi cũng phải đối mặt với những thiệt hại nặng nề. Trong khi đó, các nước Đông Á và Thái Bình Dương sẽ chịu ảnh hưởng ở mức tương tự như châu Phi cận Sahara, nhưng chủ yếu là do mưa bão và lũ lụt hơn là do nắng nóng và hạn hán.
Ông Roberto Sifon-Arevalo, nhà phân tích tín dụng hàng đầu của S&P cho biết: “Ở các mức độ khác nhau, đây là một vấn đề của thế giới. Hỗ trợ quốc tế cho những nước nghèo hơn trên thế giới là một việc làm hết sức cần thiết”.
Các quốc gia ở quanh đường xích đạo và các quốc đảo nhỏ có xu hướng chịu nhiều rủi ro hơn về khí hậu và thường là các nền kinh tế nghèo hơn, kém đa dạng hơn và có thể chế yếu hơn. Điều đó đồng nghĩa rằng, thiệt hại kinh tế của các nước này có thể sẽ cao hơn và dai dẳng hơn do họ có ít khả năng thích ứng hơn. Theo S&P, các nền kinh tế phụ thuộc nhiều hơn vào các lĩnh vực như nông nghiệp có khả năng bị ảnh hưởng nhiều hơn so với các quốc gia có các ngành dịch vụ lớn.
Ông Marion Amiot, đồng tác giả của báo cáo cho biết, tài chính khí hậu rất cần thiết cho việc xây dựng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tại các nước đang phát triển… Hợp tác và hỗ trợ quốc tế có thể giúp các nước dễ bị tổn thương nhất bù đắp cho khoảng cách thích ứng đang ngày càng gia tăng.
Theo hãng bảo hiểm Swiss Re, đối với hầu hết các quốc gia, mức độ thiệt hại và chi phí từ biến đổi khí hậu đã và đang tăng lên. Trong 10 năm qua, chỉ riêng các cơn bão, cháy rừng và lũ lụt đã gây ra thiệt hại khoảng 0,3% GDP mỗi năm trên toàn cầu.
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cũng ước tính, trong 50 năm qua, trung bình mỗi ngày, trên thế giới đều xảy ra một thảm họa thời tiết, khí hậu hoặc liên quan đến nước, khiến 115 người thiệt mạng mỗi ngày và mức thiệt hại hàng ngày lên đến hơn 202 triệu USD.
Ông Sifon-Arevalo cho biết, một số quốc gia đã bị hạ xếp hạng tín nhiệm do thời tiết khắc nghiệt, chẳng hạn như một số quần đảo Caribe sau những trận bão lớn.
Năm ngoái, một nghiên cứu của một nhóm các trường đại học tại Anh đánh giá sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu, dự đoán rằng, hơn 60 quốc gia có thể chứng kiến xếp hạng bị cắt giảm do sự nóng lên toàn cầu vào năm 2030.