Thế giới

Hướng tới phiên đàm phán cuối cùng về thoả thuận nhựa toàn cầu

Khánh Linh - Tổng hợp từ The Straits Times 29/11/2024 - 14:14

(TN&MT) - Hiện hơn 170 quốc gia đã có mặt tại Busan (Hàn Quốc) tham gia phiên đàm phán cuối cùng của Uỷ ban đàm phán Liên chính phủ (INC-5) nhằm hướng tới một thoả thuận toàn cầu về nhựa.

Các cuộc đàm phán, kéo dài từ ngày 25/11 đến 11/12, được kỳ vọng sẽ thông qua một thoả thuận chung toàn cầu để hạn chế sản xuất nhựa và cấm các hóa chất độc hại trong sản xuất nhựa.

Trước đó, vào tháng 3/2022, tại phiên họp Đại hội đồng Môi trường Liên Hợp Quốc ở Nairobi (Kenya), 175 quốc gia đã bỏ phiếu ủng hộ xây dựng một thoả thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa và thực hiện nó càng sớm càng tốt vào năm 2025.

picture1.png
Nhựa mất hàng thập kỷ đến hàng thế kỷ để phân hủy – đống rác thải cứ ngày càng tăng lên mỗi năm.

Thoả thuận hướng tới thúc đẩy một công cụ pháp lý có tính ràng buộc trong việc quản lý toàn bộ vòng đời của sản phẩm nhựa – từ khâu sản xuất, thiết kế, sử dụng và thải bỏ đến tái chế, tái sử dụng.

Phiên họp thứ năm của Ủy ban Đàm phán Liên chính phủ (INC-5) tại Busan được dự kiến sẽ là vòng đàm phán cuối cùng.

Mối đe doạ từ nhựa

Quá trình phân huỷ nhựa có thể kéo dài từ hàng thập kỷ tới hàng thế kỷ, trong khi đó, lượng rác thải nhựa thải ra môi trường tăng lên mỗi năm, kéo theo nhiều mối đe doạ.

Hiện nay, các nghiên cứu chỉ ra, hàng triệu hạt vi nhựa đã bị rò rỉ từ các sản phẩm nhựa ra môi trường. Vi nhựa được tìm thấy cả trong không khí, đất, đại dương, tiềm ẩn nhiều nguy hại tới sự sống và sức khoẻ của các sinh vật, bao gồm cả con người.

Một nghiên cứu gần đây, được đánh giá bởi các chuyên gia do Đại học Bond ở Úc dẫn đầu, cho biết vi nhựa và thậm chí là nano nhựa nhỏ hơn đã được tìm thấy trong đường tiết niệu của bệnh nhân. Đáng nói, vi nhựa cũng được cho là có liên quan tới các vấn đề viêm nhiễm và gây tổn thương tế bào đối với 68% trường hợp ung thư bàng quang.

Bên cạnh vi nhựa, một mối lo ngại khác được các chuyên gia quan tâm liên quan tới các hoá chất có hại trong nhựa. Một báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc năm 2023 chỉ ra, có hơn 13.000 hóa chất được ghi nhận liên quan đến nhựa và sản xuất nhựa.

Trong số này, có 3.200 hóa chất gây lo ngại, liên quan đến các bệnh nghiêm trọng, bao gồm tiểu đường, bệnh tim mạch và ung thư.

Trọng tâm tại INC-5

Các cuộc đàm phán tại Busan tập trung vào các vấn đề chính, bao gồm việc cấm và quy định loại bỏ bắt buộc đối với các sản phẩm nhựa cụ thể, cũng như các hóa chất đáng lo ngại đối với sức khỏe con người; cải thiện thiết kế sản phẩm và giảm thiểu chất thải; tìm kiếm nguồn tài chính cho các quốc gia phát triển; và các phương thực củng cố thoả thuận theo thời gian.

Trong 4 vòng đàm phán trước, các nội dung thoả thuận đã bị đình trệ do các quốc gia còn nhiều quan điểm trái ngược nhau.

Một số quốc gia thuộc Liên minh Tham vọng Cao, bao gồm châu Phi, châu Á và châu Âu, muốn hiệp ước này đưa ra một quy định cụ thể đối với việc xử lý cuối vòng đời của nhựa.

Trong khi đó, các nước khác, như các nhà sản xuất hóa dầu lớn và các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch, bao gồm Ả Rập Saudi và Nga, muốn tập trung nhiều hơn vào việc xử lý chất thải và tái chế.

Các nhóm phi chính phủ cảnh báo, cách tiếp cận này không đủ để hạn chế việc sản xuất nhựa, vốn đang ngày càng mở rộng, cũng như hạn chế các hoá chất có hại trong đó.

Ngoài ra, vấn đề phát thải từ quy trình sản xuất nhựa, trong đó 98% nhựa vẫn đang được sản xuất từ nhiên liệu hoá thạch, cũng đang được thế giới quan tâm. Đến nay, chỉ riêng việc sản xuất nhựa đã góp phần gây ra khoảng 3% lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Do đó, để hướng tới một tương lai bền vững và giải quyết cuộc khủng hoảng “ô nhiễm trắng”, thế giới cần chú ý tới cả khâu sản xuất, tiêu dùng và xử lý nhựa sau sử dụng.

Cuộc chiến với rác thải nhựa là một cuộc đua với thời gian. Hiện tại, hơn 90% sản phẩm nhựa không được tái chế, với hàng tấn rác thải nhựa được thải ra môi trường mỗi năm do quản lý chất thải kém và rác thải trái phép.

Trong một báo cáo vào tháng 10/2024, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cho biết, nếu không có các chính sách mạnh mẽ hơn, sản xuất và sử dụng nhựa dự kiến sẽ tăng 70% từ 435 triệu tấn vào năm 2020 lên 736 triệu tấn vào năm 2040, trong đó chỉ 6% nhựa đến từ các nguồn tái chế. Ngoài ra, lượng rác thải nhựa không được quản lý sẽ tăng gần 50% lên 119 triệu tấn hàng năm vào năm 2040.

Những con số này đã nhấn mạnh tính cấp thiết của một thoả thuận nhựa toàn cầu và đó là những gì các quốc gia đang hướng tới tại INC-5.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng tới phiên đàm phán cuối cùng về thoả thuận nhựa toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO