Nhiệt độ không khí bề mặt Trái đất tháng 9/2020 so với mức trung bình của tháng 9 trong giai đoạn 1981 - 2010 |
Theo các nhà khoa học từ Trung tâm Dịch vụ biến đổi khí hậu Copernicus thuộc ECMWF, xét riêng trên toàn châu Âu, nhiệt độ trung bình tháng 9 cũng đạt mức cao kỷ lục, ấm hơn khoảng 0,2°C so với tháng 9 ấm nhất trước đó vào năm 2018. Nhiệt độ ghi nhận ở nhiều nơi trên châu lục này vượt mức trung bình của tháng 9, đặc biệt là khu vực Đông Nam.
Nhiều khu vực trên toàn cầu như ở ngoài khơi phía bắc Siberia, Trung Đông, nhiều khu vực của Nam Mỹ và Australia cũng ghi nhận nhiệt độ cao hơn mức trung bình. Tại Bắc Cực, phạm vi và thời gian ảnh hưởng của đợt tăng nhiệt độ này đều bất thường.
Dữ liệu quan sát cho thấy, lượng băng biển Bắc Cực trung bình tháng 9 vừa qua ở mức thấp chỉ sau tháng 9/2012 trong chuỗi ghi nhận. Theo ông Carlo Buontempo, Giám đốc Dịch vụ biến đổi khí hậu Copernicus tại ECMWF, năm nay, lượng băng ở biển Bắc Cực giảm nhanh bất thường trong suốt tháng 6 và tháng 7. Trong cùng một khu vực đã ghi nhận nhiệt độ cao hơn mức trung bình và diện tích tối thiểu của băng biển giảm xuống mức đặc biệt thấp.
Phía Đông xích đạo Thái Bình Dương ghi nhận điều kiện mát mẻ hơn mức trung bình, phù hợp với hiện tượng La Nina đang diễn ra. Các nhà khoa học cho biết, số liệu nhiệt độ bất thường từ đầu năm đến nay không chênh lệch nhiều so với của năm dương lịch nóng nhất từng ghi nhận là năm 2016. Việc năm 2020 có trở thành “năm nóng nhất từng được ghi nhận” hay không sẽ phụ thuộc vào tác động của La Nina trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm.