Một số tỉnh miền Trung ứng phó tình hình thiếu nước

22/11/2015 00:00

Vụ đông-xuân năm nay, tại các tỉnh miền Trung, tình hình thiếu nước đã diễn ra sớm trên diện rộng.

 

Từ cuối năm 2014 đến nay, lượng mưa, dòng chảy sông, suối ở hầu hết các tỉnh khu vực Trung Trung Bộ đều thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, dẫn đến hạn hán gay gắt xảy ra ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên. Từ tháng 1- 4/2016 dòng chảy trên các sông có nguy cơ giảm dần, lưu lượng dòng chảy trên các sông có khả năng thấp hơn trung bình năm ngoái và một số sông có thể thấp hơn.

Lượng mưa trung bình toàn vụ đông-xuân 2015-2016 tại khu vực Trung Bộ có thể chỉ đạt từ 60-90% so với trung bình nhiều năm; mưa lớn trên diện rộng từ giờ đến cuối năm chỉ có khoảng 2-4 đợt.

Cập nhật đến giữa tháng 11, các hồ chứa thủy điện thượng nguồn cấp nước cho các trạm bơm như: Hồ thủy điện sông Bung 4 mực nước tháp hơn 11 m, hồ thủy điện A Vương thấp hơn 19,2m, hồ thủy điện Đak Mi 4 thấp hơn 3,75 m so với trung bình nhiều năm. Do đó, dự kiến nguồn nước để phục vụ cho các trạm bơm sẽ có nhiều khó khăn.

Lượng nước trong các hồ chứa ở Quảng Bình hiện đạt mức 50-60% dung tích, một số hồ ở phía Bắc của tỉnh đạt dưới 40%. Nếu không có mưa bổ sung nguồn nước thì có 4.300 ha lúa đông-xuân đứng trước nguy cơ không có đủ nước tưới.

Như vậy với tình hình thời tiết, lượng mưa, nguồn nước như trên thì địa bàn các tỉnh miền Trung hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn sẽ xảy ra từ vụ đông-xuân 2015-2016 và kéo dài gay gắt.

Sở NN&PTNT TP. Đà Nẵng cho biết trước nguy cơ thiếu hụt nước trầm trọng cho, ngành nông nghiệp Thành phố sẽ tăng cường tuyên truyền đến các hộ dân, tổ hợp tác, đơn vị thủy nông tưới nước tiết kiệm, chủ động các biện pháp chống hạn và có giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp để hạn chế thiệt hại.

Đà Nẵng dự kiến có khoảng 647 ha lúa bị hạn, trong đó có 355 ha có khả năng tìm giải pháp cứu được, còn lại 292 ha sẽ không có nguồn nước để cứu, do đó sẽ tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống lúa, tăng tỉ lệ gieo sạ giống trung, ngắn ngày, phấn đấu đạt tỷ lệ 50-60% diện tích.

Tại Quảng Ngãi, vụ đông-xuân này sẽ thiếu ít nhất từ 20-40% lượng nước so với mọi năm, do đó địa phương đang tổ chức sửa chữa, khắc phục những công trình, tuyến kênh đầu mối có tính chất quyết định đến nguồn nước tưới, đảm bảo phục vụ sản xuất; lên kế hoạch tích trữ nước trên các hồ chứa và cân đối nước tưới cho phù hợp, xây dựng phương án chủ động đối phó khi hạn hán xảy ra.

Để giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất, Sở NN&PTNT Quảng Ngãi khuyến cáo bà con nông dân không gieo sạ sớm vì lúa trổ sẽ gặp không khí lạnh; không gieo sạ muộn vì có nguy cơ thiếu nước ở giai đoạn trổ đòng, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cả vụ. Thời gian sẽ xuống giống bắt đầu từ ngày 20/12- 10/1/2016. Các huyện miền núi, trên chân ruộng chủ động nước thì bố trí lịch gieo sạ như các huyện đồng bằng để lúa trổ từ ngày 10/3 đến 20/3/2016.

Sở NN& PTNT tỉnh Quảng Bình cũng cho biết trong vụ đông-xuân này, ngành nông nghiệp địa phương sẽ chuyển đổi mạnh cơ cấu giống lúa chất lượng cao (chiếm 58%), giảm giống dài ngày, tăng giống trung, ngắn ngày phù hợp, chịu hạn cao hoặc chuyển sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi...

Theo Chinhphu.vn

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một số tỉnh miền Trung ứng phó tình hình thiếu nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO